Trong lĩnh vực thể dục, thể thao quần chúng, các cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập tăng nhanh, trung bình gấp từ 2 đến 3 lần so với năm 2001. Loại hình hoạt động chủ yếu là các câu lạc bộ, trung tâm, cơ sở dịch vụ thể dục thể thao và trung tâm văn hoá - thể dục thể thao có thu phí. Hiện nay, tại các thành phố lớn có từ 10 đến 20, địa phương có từ 5-10 liên đoàn, hiệp hội thể thao hoạt động tương đối hiệu quả. Kinh phí huy động trong dân đã tăng nhanh hằng năm, chiến tỷ trọng từ 60%-80% tổng kinh phí chi cho các hoạt động TDTT quần chúng. Đặc biệt, trong năm qua đã huy động được hàng trăm triệu tới hàng chục tỷ đồng ngoài ngân sách chi cho tổ chức đại hội TDTT các cấp.
Lĩnh vực thể thao thành tích cao, tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao các câu lạc bộ, đội thể thao thành tích cao từ cơ quan nhà nước sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp; đơn vị sự nghiệp tự chủ, tự hạch toán; câu lạc bộ do doanh nghiệp tài trợ, đỡ đầu hoặc chuyển giao toàn bộ cho doanh nghiệp quản lý.
Riêng trong Bóng đá, tất cả các câu lạc bộ chuyên nghiệp và phần lớn câu lạc bộ A1 đã chuyển sang mô hình doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hoặc câu lạc bộ do doanh nghiệp tài trợ. Các câu lạc bộ Bóng chuyền, Bóng chuyền bãi biển hạng mạnh đã hoàn thành việc chuyển giao cho các doanh nghiệp đỡ đầu. Các môn Golf, Bowling, Billiard & Snooker, Quần vợt, Khiêu vũ thể thao là các môn thể thao mới, có nhiều điều kiện thuận lợi để xã hội hoá tối đa, từ đào tạo VĐV đến tổ chức thi đấu và tham dự các hoạt động thi đấu quốc tế nên chủ yếu là do các câu lạc bộ ngoài công lập đảm nhận.
Một số môn thể thao khác như Điền kinh, Xe đạp, Quần vợt, Võ thuật... đã hình thành các cơ sở thể dục thể thao tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí, ngân sách hoạt động. Trong đào tạo VĐV thể thao thành tích cao, đã có sự tham gia ngày càng sâu của các thành phần ngoài công lập như: Học viện Bóng đá Hoàng Anh - Arsenal, Trung tâm TDTT Thành Long, Trung tâm TDTT Đông Nam Dược Bảo Long, Công ty TNHH Bóng đá trẻ Văn Sỹ Thuỷ... Trong tổ chức thi đấu, đã làm tốt công tác vận động tài trợ để tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao lớn, có tổng mức đầu tư lên tới hàng tỷ đồng mỗi giải.
Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận đó, thì công tác xã hội hoá các hoạt động TDTT còn một số hạn chế trong việc huy động các nguồn lực phục vụ hoạt động TDTT của nhiều địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn.
HKien