“Dân cường thì nước thịnh”: quan điểm cơ bản nhất
Nói về mục tiêu thì dân cường và nước thịnh là hai mục tiêu cao quý của chế độ mới. Hai mục tiêu này không những có quan hệ với nhau mà còn có quan hệ bản chất với mục tiêu dân giàu nước mạnh, chúng đều đem lại hạnh phúc cho con người, cho dân tộc Việt Nam. Quan điểm “Dân cường thì nước thịnh” quy định tất cả các quan điểm khác của Hồ Chí Minh, hướng TDTT phục vụ đắc lực các mục tiêu dân cường, nước thịnh.
Dân cường làm nên nước thịnh. Điều này có nghĩa sức khoẻ của nhân dân là một trong những nhân tố to lớn quyết định sự phát triển đất nước đi tới “Dân giàu nước mạnh”. Do đó, TDTT phục vụ đắc lực sức khoẻ nhân dân cũng đồng thời góp phần phục vụ công cuộc chấn hưng đất nước.
Bởi vậy, các quan điểm khác của Hồ Chí Minh đều nhất quán sự định hướng TDTT phát triển mạnh vì sức khoẻ của nhân dân. Thông qua phục vụ sức khoẻ nhân dân, phục vụ sức khoẻ cho mọi người, TDTT góp phần phục vụ tất cả các hoạt động phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục… tức là phục vụ sự nghiệp phấn đấu cho mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh”.
Từ đó, tất cả các quan điểm khác về TDTT của Hồ Chí Minh đều được quy tụ: TDTT vì dân cường, nước thịnh.
Quan điểm Hồ Chí Minh về phát triển TDTT quần chúng
Theo từ điển tiếng Việt, quần chúng là mọi người trong xã hội. Như vậy TDTT quần chúng chính là TDTT cho mọi người, mọi nguồn nhân lực.
Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Dưới chế độ dân chủ, Thể thao và Thể dục phải trở thành hoạt động chung của quần chúng, nhằm mục đích làm tăng cường sức khoẻ của nhân dân. Nhân dân có sức khoẻ thì mọi công việc đều làm được tốt.” Người khuyến khích “Vậy nên luyện tập Thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước”. Từ đó Hồ Chí Minh chủ trương “Chúng ta nên phát triển phong trào TDTT rộng khắp”. Đó là những quan điểm chung của Hồ Chí Minh về TDTT quần chúng, thể thao cho mọi người.
Thế hệ trẻ là một bộ phận rất đông đảo của quần chúng nhân dân. Giáo dục thể chất và thể thao là một thành phần rất cơ bản, nền tảng của TDTT quần chúng. Hồ Chí Minh rất coi trọng TDTT đối với thế hệ trẻ.
Về giáo dục thể chất tuổi trẻ học đường, Hồ Chí Minh xác định là một bộ phận quan trọng của nền giáo dục quốc dân của nước Việt Nam độc lập và dân chủ: “Một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Từ quan điểm đó, sau này Hồ Chí Minh đã chỉ ra một cách cụ thể về giáo dục nói chung và giáo dục thể chất nói riêng, giáo dục toàn diện đó là “Thể dục kết hợp với gìn giữ vệ sinh chung và riêng, trí dục, mỹ dục, đức dục.” Bốn mặt giáo dục đó có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó Thể dục là tiền đề đầu tiên để phát triển các mặt giáo dục khác. Kể cả học viên trong nhà trường quân đội cũng vậy, Hồ Chí Minh đã đề cập giáo dục thể chất lên trước hết: “Các cháu phải ra sức thi đua: Luyện tập thân thể cho mạnh mẽ, nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo, trau dồi tinh thần cho vững chắc, hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng”.
Về giáo dục thể chất cho thanh niên đang tham gia mọi hoạt động trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy bảo tuổi trẻ thanh niên rằng: “Thanh niên phải rèn luyện TDTT vì thanh niên là tương lai của đất nước”. Ngoài các mặt học tập và rèn luyện khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu thanh niên phải tích cực rèn luyện thể chất “ Phải giữ vững đạo đức cách mạng. Phải xung phong trong mọi công tác. Phải học tập chính trị, văn hoá, nghề nghiệp để tiến bộ mãi. Phải rèn luyện thân thể cho khoẻ mạnh. Khoẻ mạnh thì mới đủ sức tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ những công việc ích nước lợi dân”.
Trong quần chúng, có một bộ phận rất lớn, rất quan trọng, đó là nguồn nhân lực đang và sẽ tham gia thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh”. Nguồn lực con người như nông dân, công nhân, chuyên viên kỹ thuật, cán bộ nghiệp vụ, cán bộ quản lý, các nhà khoa học, văn nghệ sỹ... là trung tâm của sự phát triển. Nguồn nhân lực này không chỉ cần đông đảo mà đòi hỏi phải có chất lượng cao. Một trong những yếu tố cơ bản cấu thành chất lượng cao của nguồn nhân lực là sức khoẻ của mỗi con người. Hồ Chí Minh rất coi trọng sức khoẻ của nguồn nhân lực này. Để giữ gìn và tăng cường sức khoẻ cho họ, Hồ Chí Minh khuyên bảo họ tích cực tập TDTT. Người viết “muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khoẻ. Muốn giữ sức khoẻ thì nên thường xuyên tập TDTT.” Từ quan điểm này, Người chủ trương phát triển TDTT khắp mọi miền, mọi vùng của đất nước.
Quan điểm Hồ Chí Minh về TDTT trong lực lượng vũ trang
Hồ Chí Minh rất quan tâm tới TDTT trong cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang. Lực lượng này khá đông đảo, họ trực tiếp chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ an ninh xã hội. Do đó, họ phải có thể lực tốt.
Trước và sau Cách mạng tháng Tám thành công, trong kháng chiến và sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, nhiều lần Hồ Chí Minh trực tiếp nói chuyện, chỉ bảo, khuyến khích các cán bộ, chiến sỹ quân đội, tự vệ tập luyện TDTT. Người còn hướng dẫn, sửa chữa những động tác sai trong khi tập Thể dục, luyện Võ thuật cho nhiều cán bộ chiến sỹ quân đội. Tấm gương rèn luyện thân thể được các đoàn quân trên đường hành quân ra chiến trường noi theo: “Ngọn Tây Phong Lĩnh Bác trèo; Để nay có núi có đèo con qua”.
Hồ Chí Minh chủ trương: “Đẩy mạnh phong trào TDTT trong quân đội, làm cho quân đội chúng ta có thể chất khoẻ, tinh thần khoẻ để làm tròn mọi nhiệm vụ”. Chủ trương này thể hiện một quan điểm sâu sắc của Hồ Chí Minh về sức khoẻ thể chất và tinh thần đối với cán bộ, chiến sỹ quân đội là nhân tố có tính quyết định làm tròn mọi nhiệm vụ. Để có được sức khoẻ cả thể chất lẫn tinh thần, cán bộ chiễn sỹ phải tập luyện TDTT.
Còn nữa
Trương Quốc Uyên