You must configure this module first via "Module Settings"

Một số kết quả đạt được từ công tác xã hội hoá TDTT tại Quảng Bình

Xã hội hoá TDTT là một chủ trương lớn và lâu dài của Đảng và Chính phủ, cần được quán triệt để tăng nhịp độ phát triển sự nghiệp TDTT phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, xã hội hoá (XHH) TDTT ngày càng trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách giúp cho ngành TDTT huy động các nguồn lực trong xã hội nhằm phát triển sự nghiệp một cách vững chắc, lâu dài.

Là một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế như Quảng Bình, kinh phí sự nghiệp đầu tư cho các hoạt động TDTT còn hạn hẹp thì chủ trương XHH của Chính phủ, trong đó có lĩnh vực TDTT như một định hướng mang tính chiến lược, để những người làm công tác TDTT tìm ra một hướng đi mới, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhằm thúc đẩy sự nghiệp TDTT tỉnh nhà phát triển một cách vững chắc.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho những người làm công tác TDTT tại Quảng Bình là làm thế nào để công tác XHH TDTT mang lại hiệu quả cao. Trước vấn đề đó, ngành TDTT đã chủ động đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ, nhằm thúc đẩy quá trình XHH TDTT trên địa bàn tỉnh đi đúng hướng. Trước hết, ngành đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phổ biến chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách của Nhà nước về XHH các hoạt động TDTT, làm cho cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương, cũng như các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp đóng trên địa bàn toàn tỉnh nhận thức đầy đủ và sâu sắc về công tác XHH.

Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, phá bỏ tư tưởng trông chờ, lại vào nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho các hoạt động TDTT. Bên cạnh đó, ngành cũng đã chủ động xây dựng Đề án phát triển XHH TDTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2005 – 2010 trình UBND tỉnh và đã được phê duyệt thông qua tại Quyết định số: 2757/QĐ-UBND để làm căn cứ pháp lý nhằm chỉ đạo công tác XHH TDTT về đến cơ sở được thuận lợi. Để làm tốt hơn nữa công tác XHH một cách có hiệu quả, trước hết ngành đã chủ động phối hợp với một số cơ quan, ban, ngành liên quan ký kết văn bản Liên tịch như: Công an; Quân đội; Giáo dục – Đào tạo; Liên đoàn lao động tỉnh... Một số cơ quan, đơn vị đã chủ động phối hợp với ngành TDTT tổ chức các giải thể thao truyền thống như: Giải Bóng bàn Báo Quảng Bình, Giải Việt dã tranh Cúp Truyền hình, Giải Bóng chuyền công nhân viên chức... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có cơ quan, đơn vị đã xây dựng được các giải thể thao truyền thống của đơn vị mình như: Đại hội chiến sỹ khoẻ của ngành Công an tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Nhờ đó mà hệ thống thi đấu các giải thể thao quần chúng của tỉnh ngày càng ổn định, mạng tính XHH ngày càng cao. Hàng năm tổ chức từ 8 – 10 giải cấp tỉnh, từ 12 – 14 giải phối hợp với các ngành cấp tỉnh, tổ chức được 59 cuộc thi đấu cấp huyện, thành phố; 653 cuộc thi đấu cấp xã, phường, thị trấn.

Theo số liệu thống kê tính đến nay toàn tỉnh có 24,5% số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên; số gia đình thể thao đạt 19,3%; Số trường đảm bảo công tác giáo dục thể chất nội khoá đạt 100%; ngoại khoá đạt 64%; Số cán bộ chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt 96%; Số cán bộ công  nhân viên chức tham gia tập luyện TDTT đạt 76%. Các mô hình CLB hình thành theo xu hướng XHH  ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 1935 CLB và điểm tập luyện, trong đó có các CLB như: CLB dưỡng sinh; CLB Thể hình; CLB Thể dục thẩm mỹ... Đặc biệt có hơn 40 CLB Võ thuật với gần 2000 võ sinh tham gia tập luyện tại các CLB hoạt động khá hiệu quả.

Hàng năm tỉnh tổ chức hàng trăm giải thể thao
quần chúng, thành tích cao (Ảnh: Văn Tuynh)

Không dừng lại ở đó, Quảng Bình đã rất thành công trong công tác vận động tài trợ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xã hội cũng như sự đóng góp tự nguyện của nhân dân cho một số giải thi đấu thể thao, đặc biệt là các môn thể thao truyền thống dân tộc như: Lễ hội Đua thuyền truyền thống; Lễ hội rằm tháng 3 Minh Hoá; giải Bóng đá truyền thống huyện Bố Trạch, giải Vật truyền thống huyện Quảng Trạch.

Công tác xây dựng cơ sở vật chất nhằm phục vụ cho công tác XHH tại Quảng Bình những năm gần đây có bước phát triển mạnh. Đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng các công trình TDTT như sân Bóng chuyền; Bóng đá, Cầu lông, Quần vợt, Nhà tập đơn giản... Đến nay toàn tỉnh có 10 nhà tập thể thao đơn giản, 15 sân Quần vợt (năm 2007 xây mới 6 sân với trị giá khoảng 3 tỷ đồng), 251 sân bóng đá, 831 sân bóng chuyền, 170 sân cầu lông, nhằm đáp ứng cho nhu cầu tập luyện của cán bộ và đông đảo quần chúng nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác XHH TDTT trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn gặp phải một số khó khăn như: mức độ XHH phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, các địa phương, có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Cơ chế chính sách khuyến khích phát triển XHH các hoạt động TDTT còn thiếu và chưa đồng bộ, nên trong tổ chức thực hiện bộc lộ sự lúng túng, hiệu quả thấp, chưa khuyến khích được các cơ sở TDTT ngoài công lập phát triển... công tác vận động, tuyên truyền để các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đầu tư vào lĩnh vực TDTT chưa được quan tâm đúng mức.

Phát huy những kết qủa đã đạt được, khắc phục mọi khó khăn. Cùng với sự nỗ lực, cố gắng của ngành TDTT Quảng Bình chắc chắn trong thời gian tới công tác XHH tại Quảng Bình sẽ có nhiều khởi sắc hơn nữa.

Nguyễn Văn Tuynh

Ảnh trong bài
  • Một số kết quả đạt được từ công tác xã hội hoá TDTT tại Quảng Bình