Năm 2011, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Thể thao (AMMS) và Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về Thể thao (SOMS) lần đầu tiên được tổ chức tại Indonesia đã thống nhất tổ chức AMMS định kỳ 2 năm một lần. Theo cơ chế luân phiên và thực hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, năm 2025, Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Thể thao lần thứ 8 (AMMS 8) và các hội nghị liên quan, gồm: Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Thể thao + Nhật Bản lần thứ 5 (AMMS + Nhật Bản 5) và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Thể thao + Trung Quốc lần thứ 2 (AMMS + Trung Quốc 2).
Hội nghị với chủ đề: “Định hướng thể thao góp phần phát triển bền vững” dự kiến diễn ra trong 08 ngày trong tháng 10 năm 2025 (bao gồm cả thời gian tổ chức Hội nghị Quan chức cấp cao Thể thao ASEAN lần thứ 16 (SOMS 16) và thời gian đón tiễn các đoàn quốc tế) tại Hà Nội.

Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thể thao ASEAN lần thứ 7
Hội nghị được tổ chức nhằm trao đổi Chương trình hành động ASEAN về thể thao, tập trung vào phát triển thể thao chuyên nghiệp, khoa học thể thao, kinh tế thể thao, bình đẳng giới trong thể thao, bảo tồn và phát huy các môn thể thao truyền thống; thành lập Trung tâm Thể thao thành tích cao ASEAN, thể thao và sức khỏe, thể thao hướng tới các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ; xây dựng phương hướng phát triển, thúc đẩy hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thể thao thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng ASEAN về Thể thao phù hợp với nguyên tắc và mục tiêu của Hiến chương ASEAN; Thúc đẩy hợp tác TDTT giữa các quốc gia thành viên ASEAN với các nước đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế.
Đồng thời, thông qua Hội nghị, Việt Nam sẽ thể hiện vai trò thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trên cương vị quốc gia thành viên ASEAN trong cơ chế hợp tác chuyên ngành; quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế, tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau trong Cộng đồng ASEAN.
Hội nghị dự kiến tập trung thông qua 03 Tuyên bố chung, gồm: Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Thể thao lần thứ 8; Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Thể thao + Nhật Bản lần thứ 5; Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Thể thao + Trung Quốc lần thứ hai và thông qua một số Báo cáo, Văn kiện liên quan khác của Hội nghị.
Hội nghị lần này cũng nhằm đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động về thể thao ASEAN giai đoạn 2021-2025; trao đổi phương hướng, kế hoạch hoạt động thể thao ASEAN giai đoạn sau 2025; Thông qua kết quả Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về Thể thao lần thứ 15 và 16 (SOMS 15 và 16); Kế hoạch hợp tác Thể thao ASEAN + Nhật Bản trong các lĩnh vực: Phụ nữ và Thể thao, Giáo dục thể chất và Thể thao dành cho người khuyết tật, mục tiêu phát triển bền vững thông qua Bóng đá; Kế hoạch hợp tác Thể thao ASEAN + Trung Quốc trong các lĩnh vực: Tăng cường sức khỏe và tập luyện Thể thao; khu Thể thao ASEAN; các môn thể thao truyền thống; Kế hoạch hợp tác Thể thao ASEAN với các đối tác khác như Hàn Quốc, liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA), tổ chức phòng chống Doping thế giới (WADA) và khu vực (SEARADO).
Hội nghị dự kiến sẽ có sự tham dự của 100 đại biểu quốc tế, bao gồm: Bộ trưởng/Thứ trưởng Thể thao hoặc người đứng đầu Cơ quan thể thao thuộc các quốc gia thành viên ASEAN và Timor Leste (quốc gia quan sát viên của ASEAN), quan chức cấp cao ASEAN về thể thao cùng các đại diện thể thao các nước ASEAN, Timor Leste; Ban Thư ký ASEAN; đoàn lãnh đạo Bộ, quan chức cấp cao phụ trách thể thao của Nhật Bản và Trung Quốc; đại diện các tổ chức quốc tế, các nước đối thoại có liên quan của ASEAN.
Việt Nam cũng góp mặt khoảng 100 đại biểu gồm: đại diện lãnh đạo Chính phủ tham dự và phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Thể thao; Bộ trưởng Bộ VHTTDL chủ trì Hội nghị AMMS 8, các Hội nghị liên quan và các cuộc họp song phương trong thời gian diễn ra Hội nghị; 01 Thứ trưởng Bộ VHTTDL làm Trưởng Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị; đại diện các cơ quan liên quan của Bộ VHTTDL; đại biểu khách mời tham dự Hội nghị là đại diện lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành khác...
Việc đăng cai tổ chức Hội nghị là nghĩa vụ của Việt Nam, là cơ hội góp phần nâng cao vị thế và thể hiện vai trò của Việt Nam trong hợp tác ASEAN về Thể thao nói riêng và trong xây dựng Cộng đồng ASEAN và quan hệ giữa ASEAN với các đối tác nói chung. Ngoài ra, việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị góp phần triển khai thực hiện các Văn kiện của Đảng và Nhà nước như: Kết luận số 59-KL/TW của Bộ Chính trị về Định hướng tham gia ASEAN đến năm 2030; Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 3 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025. Bên cạnh đó, việc đảm nhận vai trò chủ trì Hội nghị cũng góp phần giúp Việt Nam tranh thủ kinh nghiệm, nguồn lực từ các đối tác và cộng đồng quốc tế, từ đó góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước và khu vực.
KC, Ảnh: Cục HTQT Bộ VHTTDL