Thể thao TP. Hồ Chí Minh vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Những năm qua, với vị thế là địa phương đầu tàu trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt ở lĩnh vực Thể dục Thể thao (TDTT), Thành phố Hồ Chí Minh luôn đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của toàn ngành Thể thao nước nhà. Trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thành phố tiếp tục khơi dậy truyền thống năng động, sáng tạo, phát huy hiệu quả các nguồn lực nhằm đồng hành cùng cả nước hiện thực hóa khát vọng bứt phá phát triển, tương xứng với tầm vóc, sứ mệnh.

Nhân dịp thành phố mang tên Bác đang tích cực chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), phóng viên Trang tin Thể dục Thể thao Việt Nam (www.tdtt.gov.vn) đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Nam Nhân – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP. Hồ Chí Minh về công tác phát triển TDTT trong chặng đường của 5 thập kỷ qua cũng như những định hướng phát triển trong thời gian tới.

Thưa ông! Xin ông chia sẻ đôi nét về những dấu ấn đáng nhớ của chặng đường phát triển hoạt động TDTT Thành phố trong 50 năm qua?

Có thể nói, chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển của TDTT TP. Hồ Chí Minh là một hành trình đáng tự hào, đầy nỗ lực và đổi mới không ngừng. Những dấu ấn đậm nét được đánh dấu ở 4 cột mốc lịch sử đáng nhớ:

Ngay từ những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, Thành phố đã sớm nhận thức tầm quan trọng của thể thao trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Việc thành lập Trường Nghiệp vụ TDTT vào năm 1977 là một dấu ấn tiêu biểu, không chỉ đào tạo vận động viên mà còn là một mô hình giáo dục thể thao xã hội chủ nghĩa điển hình dành cho thanh thiếu niên. Trong suốt thập niên 80, thể thao TP. Hồ Chí Minh liên tục gặt hái nhiều thành tích nổi bật, đóng góp mạnh mẽ vào phong trào thể thao cả nước.

Ông Nguyễn Nam Nhân - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TP. Hồ Chí Minh

Sau thời kỳ đổi mới (1986), thể thao Thành phố bước sang một giai đoạn phát triển năng động, khi tư duy “xã hội hoá” được hình thành và triển khai sớm. TP. Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong trong việc vận động nguồn lực xã hội để phát triển thể thao, thành lập nhiều liên đoàn thể thao, tổ chức thành công nhiều giải đấu quốc tế — như những “chiếc chìa khoá” mở ra cánh cửa hội nhập với thể thao thế giới.

Bước vào thiên niên kỷ mới (từ năm 2000), thể thao Thành phố tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu khi không ngừng phát hiện và bồi dưỡng lớp VĐV kế cận, kế thừa xứng đáng thế hệ vàng trước đó. Đặc biệt, thể thao trong khu vực dân lập phát triển mạnh mẽ, đặt nền móng cho một thị trường thể thao năng động, từng bước hình thành tư duy về kinh tế thể thao hiện đại.

Hiện nay và trong tầm nhìn đến năm 2035, thể thao TP. Hồ Chí Minh đang kiên định theo đuổi mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, hướng đến đẳng cấp Olympic. Chúng tôi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo vào công tác huấn luyện thể thao hiện đại, đồng thời giữ vai trò dẫn dắt cả nước trong phát triển kinh tế thể thao. Đó là một hành trình bền bỉ, sáng tạo và không ngừng đổi mới – phản ánh tinh thần năng động, tiên phong của thể thao TP. Hồ Chí Minh.

Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, có quy mô cấp quốc gia. Vậy ở lĩnh vực TDTT, thành phố đã có những kế hoạch tổ chức gì nhằm hướng tới sự kiện quan trọng này?

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước – một dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng của dân tộc, ngành TDTT TP. Hồ Chí Minh đã và đang triển khai mạnh mẽ, sôi nổi nhiều hoạt động ý nghĩa, lan tỏa từ cấp thành phố đến các quận, huyện.

Với tinh thần đổi mới, hội nhập và hướng đến phục vụ cộng đồng, hàng loạt hoạt động TDTT đã diễn ra sôi động trên khắp địa bàn thành phố, tạo nên không khí hào hứng, thu hút đông đảo người dân tham gia, đồng thời thể hiện rõ vai trò của thể thao trong đời sống văn hóa, tinh thần hiện đại.

Nổi bật trong chuỗi hoạt động là Cuộc đua xe đạp tranh Cúp Truyền hình TP. Hồ Chí Minh lần thứ 37 năm 2025 với chủ đề “Non sông liền một dải”, được tổ chức quy mô lớn, nối dài từ Bắc vào Nam, thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất dân tộc, ý chí vươn lên mạnh mẽ của thể thao nước nhà. Bên cạnh đó, chương trình diễu hành mô tô – xe đạp phong trào cũng tạo hiệu ứng truyền thông sâu rộng, cổ vũ mạnh mẽ phong trào rèn luyện sức khỏe trong mọi tầng lớp nhân dân.

Cùng với đó, Thành phố còn tổ chức chuỗi biểu diễn TDTT đặc sắc trong chương trình “Sắc màu Thành phố Bác” với sự góp mặt của nhiều môn thể thao hiện đại và truyền thống, diễn ra cả trên đường bộ và đường thủy – mang đến những màn trình diễn sinh động, đầy sắc màu văn hóa và tinh thần thể thao. Các hoạt động gắn kết giữa thể thao – văn hóa – du lịch như phục vụ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc cho thấy vai trò kết nối của thể thao trong đời sống đô thị hiện đại.

Đặc biệt, ngành TDTT thành phố còn chú trọng chiều sâu phát triển thông qua việc tổ chức Hội thảo Khoa học chuyên đề “Thể thao TP. Hồ Chí Minh: Vươn tầm quốc tế – Đón đầu công nghệ – Kiến tạo kinh tế thể thao”, cùng các hội nghị tuyên truyền, họp mặt báo chí nhân Ngày Thể thao Việt Nam, hay tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, góp phần nâng cao nhận thức và lan tỏa giá trị thể thao trong toàn xã hội.

Những HLV, VĐV tiêu biểu qua các thời kỳ đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Thể thao TP. Hồ Chí Minh

Song song với các hoạt động cấp Thành phố, các địa phương trong Thành phố cũng đã tích cực hưởng ứng bằng nhiều chương trình phong phú và gần gũi với cộng đồng. Từ chương trình đồng diễn TDTT tại Quận 1, giải Lân Mai Hoa Thung tại huyện Nhà Bè, giải Bóng đá năng khiếu tại Quận Phú Nhuận, đến các liên hoan thể dục dưỡng sinh tại Quận 4 và Quận 8, hay hội thao người khuyết tật tại Quận Tân Bình..., tất cả đã tạo nên một bức tranh sinh động về một phong trào thể thao rộng khắp, nhân văn và đầy sức sống.

Các hoạt động TDTT không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện thể chất, mà còn góp phần gắn kết cộng đồng, lan tỏa lối sống lành mạnh, phòng chống tệ nạn xã hội và xây dựng môi trường sống văn minh. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành thể thao với các ngành văn hóa, giáo dục, y tế, đoàn thể... đã khẳng định vị thế và vai trò không thể thiếu của thể thao trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố mang tên Bác.

Có thể nói, chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP. Hồ Chí Minh đã chứng minh được sức mạnh của một nền thể thao quần chúng phát triển bền vững, năng động, hiện đại – góp phần vun đắp tinh thần yêu nước, khơi dậy khát vọng cống hiến và hướng tới một xã hội khỏe mạnh – đoàn kết – văn minh.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Thể thao TP. Hồ Chí Minh có những kế hoạch, định hướng phát triển như thế nào, thưa ông?

Thể thao TP. Hồ Chí Minh trong những năm qua đã có những bước phát triển rõ nét, cả về quy mô, chất lượng phong trào và thành tích thể thao đỉnh cao. Chúng tôi luôn xác định TP. Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm thể thao lớn của cả nước, mà còn có sứ mệnh tiên phong, góp phần định hình vị thế của thể thao Việt Nam trong khu vực và trên đấu trường quốc tế.

Trong thời gian tới, tất cả các đề án, chương trình phát triển thể thao Thành phố sẽ tiếp tục bám sát Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời xây dựng lộ trình phù hợp với đặc thù đô thị lớn, năng động và hội nhập như TP. Hồ Chí Minh.

Cụ thể, chúng tôi sẽ tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào 22 môn thể thao thế mạnh của Thành phố, đặc biệt là các môn có tiềm năng phát triển thành tích cao, hướng tới đấu trường châu Á, Olympic và quốc tế. Việc tránh dàn trải trong phân bổ nguồn lực là chủ trương nhất quán để đảm bảo tính hiệu quả, bền vững và tạo bước đột phá về thành tích.

Song song với thể thao thành tích cao, Thành phố đang triển khai tái cấu trúc toàn diện hệ thống phong trào thể thao quần chúng, phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Trọng tâm là phát huy tiềm năng sẵn có về hạ tầng thể thao, kinh tế đô thị, cơ sở xã hội hóa, qua đó thúc đẩy mô hình kinh tế thể thao, nâng cao giá trị gia tăng từ các hoạt động thể dục thể thao, đồng thời tích cực kết nối với các ngành như văn hóa, giáo dục, du lịch, nhằm tạo ra những sản phẩm dịch vụ thể thao hiện đại, gần gũi, hấp dẫn người dân và du khách.

TP. Hồ Chí Minh cũng chủ động tiên phong phát triển các môn thể thao mới, thể thao giải trí, thể thao điện tử, thể thao số hóa..., phù hợp với xu hướng của thế giới và thị hiếu của giới trẻ đô thị.

Đối với thể thao thành tích cao, ngoài việc tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện, tuyển chọn và đào tạo lực lượng vận động viên trẻ, Thành phố xác định ứng dụng công nghệ, khoa học thể thao và trí tuệ nhân tạo (AI) là yếu tố then chốt để rút ngắn khoảng cách trình độ chuyên môn so với các nền thể thao tiên tiến. Chúng tôi đang từng bước xây dựng hệ thống dữ liệu huấn luyện số hóa, triển khai các trung tâm hỗ trợ công nghệ thể thao, tăng cường hợp tác quốc tế và phát triển đội ngũ chuyên gia, HLV chất lượng cao.

Tóm lại, định hướng phát triển thể thao TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới là: chuyên nghiệp – hiện đại – hội nhập – có chiều sâu – lấy người dân làm trung tâm và thành tích quốc gia, quốc tế làm mục tiêu dẫn dắt. Chúng tôi tin rằng, với sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, thể thao TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục bứt phá, giữ vững vai trò tiên phong trong cả nước và vươn ra khu vực.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này và xin được chúc cho thể thao TP. Hồ Chí Minh tiếp tục vươn mình mạnh mẽ, giữ vững vị trí là một trong những lá cá cờ đầu của thể thao Việt Nam!

N. Hương thực hiện, Ảnh: NVCC

Ảnh trong bài
  • Thể thao TP. Hồ Chí Minh vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
  • Thể thao TP. Hồ Chí Minh vững tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc