You must configure this module first via "Module Settings"

Tỉnh Hòa Bình nỗ lực gìn giữ và phát triển thể thao dân tộc

Trong những năm gần đây, sự ra đời của các môn thể thao mới, hấp dẫn nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân là tín hiệu điều tích cực đối với công tác phát triển TDTT quần chúng ở các địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, vấn đề cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác gìn giữ, phát huy các môn thể thao dân tộc, thể thao truyền thống địa phương. Thể thao Hòa Bình cũng vậy!.

Phong trào rộng khắp

Hòa Bình là tỉnh có hơn 74% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng, kéo theo đó là sự hình thành của nhiều môn thể thao dân tộc. Điển hình phải kể đến các môn: Bắn nỏ, Kéo co, Đẩy gậy, Ném còn... trong cộng đồng dân tộc Mường; ném Pao, đánh Tu lu không thể thiếu trong Lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông thuộc hai xã Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu). Đối với người Mường huyện Lạc Sơn, Đánh mảng đã trở thành món ăn tinh thần quan trọng trong đời sống văn hóa và một số lễ hội...

Đẩy gậy là một trong số 3 môn thể thao dân tộc thế mạnh của tỉnh Hòa Bình

Giao lưu, thi đấu các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc là hình ảnh quen thuộc tại các huyện, thành phố trong tỉnh mỗi dịp Tết đến, Xuân về và trong các lễ hội truyền thống. Tại các lễ hội như Khai hạ dân tộc Mường, Chùa Tiên (Lạc Thủy), Mường Động (Kim Bôi), Khai mùa Mường Thàng (Cao Phong)... sau phần lễ trang trọng, phần hội luôn thu hút đông đảo sự chú ý khi nhiều trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc sẽ được tổ chức thi đấu. Qua đó, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, tạo không khí phấn khởi và gìn giữ văn hóa truyền thống.

Nếu như Kéo co là môn thể thao mang tính đồng đội cao, đòi hỏi mỗi thành viên trong đội phải đoàn kết, phối hợp ăn ý để tạo nên sức mạnh tập thể thì môn Đẩy gậy đòi hỏi sức khoẻ, kỹ, chiến thuật, tâm lý vững vàng và sự khéo léo của cá nhân mới có thể làm chủ cuộc đấu và giành chiến thắng. Không phân biệt giới tính, lứa tuổi, các môn thể thao dân tộc luôn thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo không khí tưng bừng, vui tươi, phấn khởi, gắn kết cộng đồng.

Trong những năm qua, nhiều môn thể thao dân tộc đã được tổ chức thành giải thi đấu có quy mô nhất định ở các cấp. Trong đó, giải Bắn nỏ, Kéo co, Đẩy gậy được tỉnh tổ chức thường niên; có sự đầu tư và chuẩn bị chu đáo từ lực lượng đến kỹ chiến thuật. Đây còn là 3 trong 15 môn thi đấu chính thức tại Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VII, năm 2022.

Với sự quan tâm của ngành TDTT tỉnh, việc duy trì tập luyện hiệu quả và tổ chức thi đấu thường xuyên, tỉnh đã phát huy được thế mạnh về các môn thể thao dân tộc ở đấu trường thể thao quốc gia. Trong năm 2023, các VĐV tỉnh đã giành 8 HCV, 3 HCB, 11 HCĐ, xếp thứ 3 toàn đoàn tại Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XIII, khu vực I. Bên cạnh đó, các môn thể thao dân tộc đã giúp Hòa Bình đã giành được những tấm huy chương quý giá tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX (trong đó có 1 HCV, 3 HCB môn Kéo co và 2 HCĐ môn Đẩy gậy).

Hướng đến những thành tích ấn tượng hơn nữa tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X, năm 2026, trong năm học 2024 - 2025, Trường Năng khiếu, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Hòa Bình đã mở thêm 1 lớp năng khiếu để đào tạo VĐV Đẩy gậy - Kéo co.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Việc luyện tập, thi đấu các môn thể thao dân tộc ở tỉnh Hòa Bình đã và đang có những bước phát triển vững chắc và đúng hướng. Nhiều giải pháp đồng bộ được thực hiện đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân trong việc phát triển các môn thể thao dân tộc. Theo thống kê trên địa bàn toàn tỉnh, hầu hết đều có sân chơi, bãi tập thể thao.

Các giải thể thao dân tộc luôn thu hút rất đông bà con nhân dân trong tỉnh tham gia

Ông Đào Tiến Cường, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình cho biết: Tỉnh Hoà Bình luôn quan tâm đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng - gìn giữ, phát triển các môn thể thao dân tộc. Trong đó, tổ chức giải thể thao truyền thống Bắn nỏ, Kéo co, Đẩy gậy là một trong nhiều giải pháp được tỉnh duy trì hàng năm nhằm "giữ lửa” phong trào tập luyện từ cơ sở.

Mô hình CLB các môn thể thao dân tộc cũng đang nở rộ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo thống kê của Sở VHTTDL, năm 2024, tỉnh Hoà Bình có 836 CLB TDTT. Trong đó, môn Đẩy gậy có 64 CLB và môn Bắn nỏ có 60 CLB.

Trong số các đơn vị, Tân lạc được coi là huyện có mô hình CLB phát triển nhất. Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Lạc có gần 20 CLB thể thao cơ sở, 100% trường học chấp hành tốt chương trình dạy TDTT trong nhà trường, 100% xã có đội thể thao tập luyện thường xuyên, liên tục và tích cực tham gia các giải thi đấu thể thao dân tộc cấp tỉnh, giành vị trí cao.

Không chỉ ở Tân Lạc, việc giữ gìn, phát triển các môn thể thao dân tộc được hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Các địa phương đều gắn việc giữ gìn, phát triển các môn thể thao dân tộc với Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; tuyên truyền động viên, khuyến khích người dân giữ thói quen luyện tập thể thao, nhất là các môn truyền thống.

Đặc biệt, việc nghiên cứu, phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, Thái, Mông... cũng được gắn với tổ chức hoạt động thi đấu thể thao. Điển hình là lễ hội Mường Động (Kim Bôi), lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội Gầu Tào, xên Bản, xên Mường (Mai Châu)...

Nét nổi bật trong giữ gìn, phát triển các môn thể thao dân tộc ở tỉnh Hòa Bình đó là các địa phương đã phát huy tốt vai trò của cộng đồng dân cư, người có uy tín. Do đó, tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương đã linh hoạt, vận động nhân dân tự đóng góp xây dựng sân bãi phục vụ tập luyện, giao lưu thi đấu thường xuyên. Bên cạnh đó, cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, các thiết chế thể thao tại các khu dân cư. Phong trào luyện tập, thi đấu các môn thể thao dân tộc phát triển còn là cơ sở để phát hiện, tuyển chọn nhiều VĐV nòng cốt tham gia thi đấu các môn thể thao dân tộc ở cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc.

Theo Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đào Tiến Cường: Để công tác bảo tồn, phát huy các môn thể thao dân tộc đạt hiệu quả, Sở đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà văn hóa ở khu dân cư, sân tập ngoài trời. Tập trung duy trì một số môn thể thao dân tộc như: Bắn nỏ, Kéo co, Đẩy gậy, Tung còn và môn thể thao bản sắc của dân tộc Mường là Đánh mảng. Sở cũng thường xuyên phối hợp với Cục TDTT xây dựng chương trình bảo tồn, gìn giữ, phát huy môn Đánh mảng của dân tộc Mường, môn đánh Tu lu của dân tộc Mông...

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc giữ gìn, phát triển các môn thể thao dân tộc chưa thực sự đồng đều giữa các địa phương và mới chỉ chú trọng một số môn thể thao thế mạnh. Trước xu thế phát triển của cuộc sống hiện đại, cần hơn nữa sự vào cuộc của toàn xã hội, chung sức gìn giữ, phát triển, không để các môn thể thao dân tộc bị mai một. Từ đó góp phần giữ vững bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Minh Minh, ảnh: HB

 

Ảnh trong bài
  • Tỉnh Hòa Bình nỗ lực gìn giữ và phát triển thể thao dân tộc
  • Tỉnh Hòa Bình nỗ lực gìn giữ và phát triển thể thao dân tộc