Phát triển đồng đều
Trong những năm qua, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có những khởi sắc, với nhiều thành quả đáng ghi nhận, góp phần đẩy mạnh, lan toả phong trào tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe trong đời sống nhân dân.
Ngày chạy Olympic hàng năm của thành phố thu hút các ngành, lĩnh vực thanh gia
Cùng với tập trung phát triển kinh tế-xã hội, công tác TDTT của thành phố không ngừng phát triển rộng khắp tới mọi đối tượng, địa bàn kể cả vùng sâu, vùng xa và hải đảo, trở thành nhu cầu thiết thực trong đời sống nhân dân. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho TDTT từng bước được cải thiện, cơ bản đáp ứng một phần nhu cầu tập luyện, thi đấu TDTT…
Nhờ đó, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển và đạt được những kết quả đáng biểu dương. Tính đến hết năm 2023, Hải phòng đạt tỷ lệ trên 37% số người tập luyện TDTT thường xuyên; tỷ lệ gia đình tham gia tập luyện TDTT đạt 24%; số lượng CLB TDTT tăng lên hơn 2000 CLB…
Năm 2024, ngành Văn hóa và Thể thao thành phố tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; … cũng tham mưu ban hành các Nghị quyết của HĐND thành phố như Xây dựng Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển TDTT thành phố Hải Phòng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 để phù hợp với yêu cầu phát triển TDTT trong tình hình mới. Đặc biệt, bám sát chỉ đạo của Bộ chính trị về việc triển khai Kết luận 70/KL-TW về phát triển TDTT trong giai đoạn mới, Hải Phòng sẽ tập trung phát triển, nâng cao chất lượng các hoạt động TDTT quần chúng; thể thao trong trường học; thể thao trong lực lượng vũ trang cho đến thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp; dịch vụ TDTT cũng như hạ tầng cơ sở phục vụ cho thể thao.
Chỉ tiêu cụ thể đặt ra là tỷ lệ dân số tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đến năm 2030 đạt 39-40%; tỷ lệ hộ gia đình tham gia tập luyện TDTT đến năm 2025 đạt 25-27%, đến năm 2030 đạt 28-30%. Số lượng CLB thể thao cũng tăng nhanh qua các năm, mục tiêu đạt 2800 CLB vào năm 2025 và 2900 CLB vào năm 2030.
Cùng với đó, Hải Phòng tập trung phát triển thể thao trường học, theo đó, tỷ lệ trường trên địa bàn thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa đạt tỷ lệ 100%; Tỷ lệ trường học thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa đến năm 2025 đạt 98-99% và đạt 100% vào năm 2030. Tỷ lệ học sinh phổ thông các cấp được đánh giá về xếp loại thể lực theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo đến năm 2025 đạt tỷ lệ 100%.
Đối với TDTT trong lực lượng vũ trang, đặt mục tiêu đạt 99% từ năm 2025; duy trì từ 13-14 môn thể thao tập luyện thường xuyên trong lực lượng vũ trang, gồm: Cầu lông, Quần vợt, Bóng chuyền, Bóng đá, Bơi lặn, Bóng bàn, Bắn súng; các môn phối hợp của thể thao quốc phòng; Chạy việt dã, Võ thuật, Cờ vua, Cờ tướng, Điền kinh.
Điểm rèn luyện thể chất tại NTĐ quận Kiến An
Mô hình, thiết chế thể thao cho công nhân, lao động là một "điểm sáng"
Để đẩy mạnh phong trào TDTT trong công nhân viên chức, lao động, Liên đoàn lao động thành phố luôn tích cực phát động, triển khai các hoạt động thể thao tại các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp... Đây cũng chính là một trong những "điểm sáng" rất đáng ghi nhận của thành phố Hải Phòng.
Theo đó, Liên đoàn lao động thành phố Hải phòng đang triển khai mô hình Điểm rèn luyện thể chất Công đoàn. Đây là mô hình mới trong hệ thống Công đoàn cả nước, giúp tạo không gian để người lao động nâng cao sức khỏe sau những giờ làm việc căng thẳng. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, sự ủng hộ của các doanh nghiệp, cho đến nay, Liên đoàn lao động thành phố đã xây dựng được khoảng 150 điểm rèn luyện thể chất Công đoàn.
Điểm rèn luyện mới và quy mô nhất hiện nay chính là điểm rèn luyện thể chất tại khuôn viên sân nhà thi đấu quận Kiến An. Đây là công trình đầu tiên được Liên đoàn lao động thành phố triển khai lắp đặt, đưa vào sử dụng. Công trình được lắp đặt từ tháng 11/2023, hoàn thiện trong tháng 12/2023. Sau thời gian đưa vào hoạt động thí điểm, đến nay, mỗi ngày, điểm luyện tập thu hút hơn 200 lượt người tham gia tập luyện tại đây, trong đó có nhiều đoàn viên công đoàn, người lao động, học sinh, sinh viên sử dụng để rèn luyện sức khỏe thường xuyên.
Ông Vũ Ngọc Thức, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động - Liên đoàn lao động TP Hải Phòng cho biết: với mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động, đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", giai đoạn 2024-2025, Liên đoàn lao động thành phố dự kiến triển khai 150 điểm rèn luyện thể chất công đoàn tại các khu công nghiệp, khu nhà trọ, sân thể thao có đông công nhân lao động. Mỗi điểm dự kiến lắp đặt hệ thống máy tập thể thao cố định với trị giá 150 triệu đồng/điểm. Tổng kinh phí đầu tư các điểm rèn luyện thể chất công đoàn lên tới 20 tỉ đồng.
Cũng trong năm 2024, Liên đoàn lao động thành phố Hải Phòng đã nghiên cứu xây dựng, triển khai nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể chất đoàn viên như thành lập Trung tâm phục hồi sức khỏe đoàn viên, phối hợp triển khai nhiều giải TDTT trong công nhân, viên chức lao động.
Ngoài triển khai các mô hình, thiết chế, Liên đoàn lao động thành phố Hải Phòng cũng chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp chính quyền, chuyên môn đồng cấp đầu tư các thiết chế tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tạo môi trường rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe.
Điển hình như tại Công ty TNHH LG Display (Khu công nghiệp Tràng Duệ) hiện có hơn 24.000 lao động, trong đó có lao động ngoại tỉnh, lao động nước ngoài. Ngay từ ngày đầu thành lập, công đoàn công ty xác định nhiệm vụ chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng. Từ đó, công đoàn công ty đã thành lập các CLB Bóng đá, Vũ đạo, tổ chức sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng, trình diễn theo chương trình riêng hoặc lồng ghép vào các các chương trình nội bộ của công ty, giúp người lao động có cơ hội được thể hiện năng khiếu và đam mê của mình. Công đoàn đề xuất lãnh đạo công ty xây dựng 2 sân Bóng đá, 1 phòng tập Gym, 1 phòng thể thao, 1 sân Bóng bàn… thu hút hàng nghìn lượt người lao động tập luyện mỗi ngày.
Thể thao học đường cũng được phát triển
Hay như tại Công ty Cổ phần Tập đoàn VLC, lãnh đạo Tập đoàn cùng lãnh đạo các đơn vị thành viên đã xây dựng đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT. Các đơn vị đầu tư xây dựng sân Cầu lông, sân Bóng chuyền, khu tập Aerobic, nhà nghỉ giữa ca cho công nhân lao động, xây dựng căng tin phục vụ công nhân lao động điểm tâm ăn sáng, nghỉ giữa giờ.
“Hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí lành mạnh giúp mỗi công nhân tạo lập nếp sống văn hóa, yêu lao động, có ý thức phấn đấu vươn lên. Thông qua hệ thống thiết chế văn hóa dành cho công nhân sẽ tạo điều kiện cho người lao động tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT, vui chơi giải trí, giảm thấp nhất nguy cơ vướng vào các tệ nạn xã hội trong công nhân lao động” - đại diện công đoàn công ty cho biết.
Những kết quả trên có được là nhờ sự đồng lòng, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành luôn tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện công tác TDTT. Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về lợi ích của tập luyện TDTT, vận động quần chúng nhân dân lựa chọn một môn thể thao để rèn luyện, từng bước nâng cao sức khỏe về thể chất và ý chí. Đặc biệt quan tâm tạo nhiều phong trào thi đua sôi nổi, sân chơi lành mạnh, bổ ích về TDTT với mục đích thu hút đông đảo người dân tham gia…
Hoa Phượng, ảnh: SVHTT