You must configure this module first via "Module Settings"

Thực hiện Kết luận 70/KL-TW: huyện Tuy phước – Bình Định đẩy mạnh phát triển TDTT theo hướng toàn diện

Trong những năm qua, phong trào TDTT trên địa bàn huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào thành tích chung của thể thao tỉnh. Đến nay, tỷ lệ người dân tham gia tập luyện TDTT trên địa bàn huyện đã đạt 35%, tỷ lệ gia đình thể thao đạt 31% đã cho thấy sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo của huyện.

Đa dạng phong trào TDTT quần chúng

Nhằm thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng phát triển, huyện đã xây dựng kế hoạch, phát động các phong trào, triển khai phổ biến nhiều môn thể thao phù hợp với từng điều kiện, lứa tuổi để mọi người dân có thể tập luyện nhằm nâng cao sức khỏe, thể lực. Đồng thời, huyện cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, lợi ích của TDTT, từ đó vận động người dân lựa chọn môn thể thao phù hợp để tập luyện hàng ngày.

Hàng năm, bên cạnh hoạt động văn hóa - văn nghệ, các ngành, địa phương thường xuyên tổ chức giao lưu, thi đấu thể thao nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các tầng lớp nhân dân. Trong đó, nhiều sự kiện, giải đấu thể thao có quy mô lớn như Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; các giải thể thao mừng Đảng, mừng Xuân; Hội khỏe Phù Đổng, Đại hội TDTT các cấp cũng được huyện tổ chức rất bài bản. Trung  bình mỗi năm có từ 20-25 giải thể thao cấp huyện, hàng trăm giải thi đấu thể thao cấp xã, phường… được tổ chức.

Huyện chú trọng phát triển các môn thể thao thế mạnh, trong đó có võ cổ truyền

Các hoạt động TDTT được tổ chức đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, thu hút đông đảo người dân tham gia. Bên cạnh phát triển các môn thể thao hiện đại như: Bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn,... huyện còn chú trọng phát triển các môn thể thao truyền thống như: Kéo co, Đẩy gậy và đặc biệt là Võ cổ truyền – môn thể thao thế mạnh của huyện. Phong trào luyện tập võ thuật cổ truyền luôn được các thế hệ tiếp nối phát triển. Nhiều võ đường được hình thành và đi vào hoạt động thu hút nhiều võ sinh theo học. Trong đó phải kể đến những võ đường có truyền thống và bề dày thành tích như: CLB võ thuật chùa Long Phước, võ đường Phi Long Vịnh, Phi Long Vinh…

Công tác giáo dục thể chất trong nhà trường cho học sinh và hoạt động rèn luyện sức khỏe thân thể được chú trọng đảm bảo yêu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục &  Đào tạo. 100% nhà trường giảng dạy thể thao trong chương trình, nhiều trường có hoạt động ngoại khóa thường xuyên. Phong trào TDTT trường học phát triển, VĐV học sinh trong huyện cũng đã giành nhiều thành tích cao tại các kỳ Hội khỏe Phù Đổng, Đại hội TDTT… Qua các giải thể thao phong trào, các kỳ Hội khỏe Phù Đổng, Đại hội TDTT các cấp cũng đã giúp địa phương tuyển chọn được những VĐV năng khiếu vào đội tuyển thể thao nòng cốt tham gia giải cấp tỉnh và giành nhiều thành tích cao.

Một trong những điểm nhấn góp phần thúc đẩy công tác TDTT của huyện chính là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cũng như thiết chế văn hóa – thể thao được đầu tư, nâng cấp đồng bộ. Nhiều công trình phục vụ tập luyện, thi đấu TDTT được nâng cấp, sửa chữa. Hiện toàn huyện có 01 Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao; 01 nhà thi đấu đa năng và 01 sân vận động được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách huyện; 100% các xã, thị trấn đều có Trung tâm Văn hoá – Thể thao xã, Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn được đầu tư các trang thiết bị bàn ghế, hệ thống âm thanh, ánh sáng tủ sách… Các Khu thể thao được quy hoạch và đầu tư xây dựng đảm bảo về quy mô, diện tích theo tiêu chí của Bộ VHTTDL.

Cùng với nguồn kinh phí nhà nước, huyện cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều tổ chức, cá nhân đã đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng các cơ sở tập luyện TDTT như: sân Bóng đá mini cỏ nhân tạo, hồ bơi, sân Cầu lông, Bida… Toàn tỉnh còn có 67 công trình TDTT do tư nhân quản lý.

Trong xu thế phát triển hiện nay, khi đời sống người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu tập luyện thể thao càng được quan tâm nhiều hơn và khi đó các loại hình kinh doanh dịch vụ TDTT cũng được hình thành. Đến nay, trên toàn huyện có 77 cơ sở kinh doanh các loại hình dịch vụ TDTT. Các Trung tâm tập luyện TDTT do tư nhân đầu tư được xây dựng đã đáp ứng nhu cầu vui chơi, rèn luyện sức khỏe của người dân. Nhiều CLB văn hóa, thể thao được thành lập và thu hút đông đảo hội viên tham gia như: Bóng đá, Bida, Yoga, Dân vũ… Huyện cũng tăng cường kêu gọi các tổ chức các nhân đầu tư kinh phí để tổ chức các giải thi đấu thể thao. Điển hình trong năm 2024, huyện cùng với các đơn vị liên quan đã tổ chức thành công Giải việt dã chinh phục tháp Bánh Ít lần thứ I từ nguồn xã hội hóa. Giải đấu được tổ chức với mục đích tạo sự mới mẻ và thử thách cho VĐV tham gia giải; đồng thời kết hợp quảng bá du lịch địa phương, qua đó gắn với trách nhiệm bảo vệ giá trị văn hóa lịch sử, và phát huy vai trò “mỗi công dân là một đại sứ du lịch” đến người dân.

Theo kế hoạch, năm 2025, UBND huyện Tuy Phước sẽ tổ chức giải “ Cồn Chim Half Marathon” với quy mô 1.500 VĐV tham gia, gồm 3 cự ly thi đấu 5 km, 10 km, 21 km và 2 cự ly dành cho VĐV nhí là 600 m và 1,2 km. Được biết BTC cũng sẽ huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để nâng tầm quy mô và phần thưởng cho giải. 

Nhiều nhiệm vụ được triển khai

Phát huy những kết quả đã đạt được, lãnh đạo huyện và ngành thể thao đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030: Số người dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 49%, số hộ gia đình thể thao đạt 38%. Công tác GDTC và  hoạt động thể thao trong trường học đảm bảo 100% số trường thực hiện theo quy định của Bộ GDĐT, 75% số trường có hoạt động thể thao ngoại khóa. Hoạt động rèn luyện thể lực trong các lực lượng vũ trang đạt 100% theo quy định…

Để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn hiện nay theo tinh thần Kết luận 70/KL-TW, huyện Ủy, UBND huyện Tuy Phước đã ban hành kế hoạch phát triển TDTT với những nội dung, cụ thể.

Theo đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng; ứng dụng công nghệ số xây dựng các kênh truyền thông về TDTT; cung cấp kịp thời các kiến thức, kỹ năng hoạt động thể chất phù hợp với từng đối tượng.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai tổ chức thực hiện công tác phát triển TDTT. Tạo cơ hội cho mọi người dân tham gia thực hiện, biểu diễn thi đấu thể thao. Đổi mới công tác GDTC, thể thao trường học và lực lượng vũ trang. Chú trọng phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao. Phát hiện, đào tạo VĐV thể thao, nhất là các môn thể thao Olympic, môn trọng điểm.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư, phát triển thiết chế, cơ sở hạ tầng, thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao, thể thao quần chúng, GDTC và thể thao trường học.

Tăng cường nguồn lực cho sự nghiệp TDTT. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch, phát triển mạng lưới thiết chế, cơ sở thể thao đồng bộ, từng bước hiện đại. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực TDTT.

Bài, ảnh VD

Ảnh trong bài
  • Thực hiện Kết luận 70/KL-TW: huyện Tuy phước – Bình Định đẩy mạnh phát triển TDTT theo hướng toàn diện