Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa – thể thao
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác TDTT đối với sức khỏe cũng như đời sống tinh thần của nhân dân, ngành VHTT huyện Như Thanh luôn bám sát chỉ đạo cũng như định hướng của tỉnh về phát triển sự nghiệp TDTT.
Theo đó, các phong trào tập luyện TDTT trong cộng đồng được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội cũng như sở thích của nhân dân. Huyện cũng khuyến khích việc thành lập, phát triển các mô hình câu lạc bộ (CLB), tổ, đội, nhóm tập luyện TDTT trong các tầng lớp nhân dân, nhất là ở các đơn vị, cơ quan, trường học hay các cấp Hội (phụ nữ, nông dân, người cao tuổi), Đoàn thể (thanh niên, công đoàn...).
Như Thanh phấn đấu giữ vững là địa phương dẫn đầu trong số các huyện miền núi của tỉnh về TDTT
Đặc biệt, huyện tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở TDTT, đồng thời từng bước nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từ huyện đến cơ sở theo tiêu chí Nông thôn mới. Hiện 100% làng, thôn, khu phố văn hóa đã được UBND các xã, thị trấn quy hoạch đất xây dựng khu vui chơi, giải trí và hoạt động TDTT. Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện đến nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu luyện tập TDTT của nhân dân.
Theo thống kê, tính đến nay cấp huyện có 1 trung tâm hội nghị huyện, 3 nhà thi đấu, 2 bể bơi đạt chuẩn, 1 nhà tập luyện thể hình, 3 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, 2 sân tennis và một số sân pickleball mới được đưa vào hoạt động. Thiết chế văn hóa – thể thao ở cơ sở được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu vui chơi, rèn luyện TDTT của nhân dân. 14/14 xã, thị trấn có trung tâm VHTT, sân vận động được đầu tư xây mới; 159/159 thôn, khu phố có nhà văn hóa, khu thể thao. Trong đó có 126 NVH đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL; 8 sân vận động; 335 sân bóng chuyền da, bóng chuyền hơi; 72 sân cầu lông; 20 bàn bóng bàn; 3 nhà thi đấu dành cho môn cầu lông, bóng bàn và bóng chuyền hơi;..
Ngoài kinh phí nhà nước, huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ thể thao; đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực TDTT, tạo điều kiện cho các cá nhân, đơn vị tài trợ kinh phí tổ chức các giải thi đấu thể thao phong trào
Do có sự đầu tư, nâng cấp và được trang bị các thiết bị tập luyện TDTT, Trung tâm VHTT các xã, thị trấn và nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố từ huyện đến cơ sở đã phát huy công năng sử dụng. Đó chính là địa điểm để các CLB, đội nhóm TDTT duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả các môn: dưỡng sinh, cờ tướng, cầu lông người cao tuổi, bóng chuyền hơi, nhảy dân vũ... Xen lẫn những môn thể thao hiện đại, phổ biến, những môn thể thao dân tộc như: bắn nỏ, đẩy gậy, tung còn, kéo co... được duy trì, phát triển và trở thành những môn thể thao thế mạnh của nhiều địa phương. Trong đó, các đơn vị tiêu biểu của huyện về các môn thể thao dân tộc có thể kể ra như các xã: Hải Long, Xuân Khang, Phượng Nghi, Thanh Kỳ...
Trong thời gian gần đây, trước nhu cầu nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất ngày càng cao của người dân, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình CLB TDTT ở những môn thể thao mới, hiện đại như: thể dục thẩm mỹ, khiêu vũ thể thao, Dân vũ, Pickleball... cùng với đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT cũng được hình thành như: gym, yoga, zumba…
Theo chia sẻ của ông Đinh Xuân Thắng -Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện: phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại đã được các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tích cực. Đối với cấp xã, thị trấn, hàng năm tổ chức từ 200 đến 250 giải, thi đấu giao hữu TDTT; cấp huyện tổ chức trung bình từ 15 đến 20 giải thi đấu TDTT. Đến nay, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 42%; 100% trường học trên địa bàn đảm bảo việc thực hiện giáo dục thể chất, có nhiều CLB, đội TDTT như bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, dân vũ và các CLB thuộc các môn thể thao phổ biến khác... được thành lập, hoạt động thường xuyên, tạo điều kiện cho mọi người tham gia tập luyện. Trong đó, các môn thể thao dân tộc, truyền thống là thế mạnh của địa phương, bởi đã gắn bó với đời sống, sinh hoạt và văn hóa lâu đời của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.
Phát triển TDTT trong giai đoạn mới
Hướng tới mục tiêu nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; xây dựng thói quen tập luyện TDTT thường xuyên của mỗi người, mỗi gia đình và toàn dân. Trong đó, chú trọng phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi vận động dân gian được đồng bào dân tộc thiểu số yêu thích tập luyện. Trên cơ sở những kết quả đạt được, Như Thanh đặt ra các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030: số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt tỷ lệ trên 50%. Số gia đình luyện tập TDTT đạt tỷ lệ 30%. 100% số trường bậc phổ thông có CLB TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động TDTT, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên TDTT, thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa... Cùng với phát triển phong trào TDTT quần chúng, huyện từng bước nâng cao chất lượng công tác đào tạo huấn luyện VĐV các môn thể thao thế mạnh của địa phương, phấn đấu giữ vững vị trí là đơn vị dẫn đầu trong 11 huyện miền núi của tỉnh về TDTT.
Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được huyện tập trung triển khai gồm: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với sự nghiệp phát triển TDTT trong giai đoạn mới; lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ TDTT trong nghị quyết, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước lĩnh vực TDTT; tăng cường các nguồn lực cho sự nghiệp TDTT.
Theo đó, huyện tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm phát triển phong trào TDTT đảm bảo thực chất, hiệu quả, phù hợp điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm không ngừng nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sự nghiệp TDTT đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác định hướng, quản lý, phát triển TDTT. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ TDTT; Đa dạng hóa các mô hình CLB, điểm, nhóm tập luyện TDTT ở các khu dân cư. Duy trì, tổ chức các giải thi đấu thể thao từ cơ sở đến huyện.
Với sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự hưởng ứng tích cực của đông đảo nhân dân, Như Thanh sẽ từng bước hoàn thành các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong công tác phát triển TDTT theo yêu cầu Kết luận 70/KL-TW về phát triển TDTT trong giai đoạn mới và "Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" vừa được Chính phủ ban hành.
Bài, ảnh VD