|
Phong trào TDTT của Phú Thọ không ngừng phát triển (Ảnh: TK) |
Thực hiện di chúc thiêng liêng của Người, 40 năm qua, ngành TDTT cả nước đã không ngừng nỗ lực đạt nhiều thành tựu trên đấu trường quốc tế. Cùng đồng hành với sự nghiệp cách mạng của đất nước, sự nghiệp TDTT nói chung và của tỉnh Phú Thọ nói riêng đã không ngừng phát triển, đưa vị thế của thể thao Việt Nam ngang tầm với các nước có phong trào TDTT mạnh trong khu vực.
Mặc dù là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng còn hạn chế chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư cho các hoạt động TDTT, hệ thống trang thiết bị lạc hậu..., song được sự quan tâm của lãnh đạo ngành, sự chỉ đạo tích cực của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự đoàn kết, sáng tạo, nhiệt tình, tận tụy của đội ngũ cán bộ, viên chức trong toàn ngành, công tác TDTT của tỉnh đã không ngừng phát triển, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Giai đoạn 1969- 1975: Ngành TDTT đã phát động sâu rộng phong trào tập luyện TDTT rèn luyện thân thể trong toàn quân và nhân dân với mục tiêu “khoẻ để lao động và bảo vệ Tổ quốc”, trọng tâm và nội dung chủ yếu là phong trào 5 môn phối hợp “Chạy, Nhảy, Bơi, Bắn, Võ”. Trong khí thế hào hùng chống đế quốc Mĩ xâm lược, phong trào “luyện vai trăm cân, chân ngàn dặm” để “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Phong trào tập luyện, thi đấu 5 môn phối hợp, gồm:“Chạy, Nhảy, Bơi, Bắn, Võ" được phát triển mạnh mẽ ở mọi nơi, mọi lúc. Phong trào đã có tác dụng tích cực trong việc chuẩn bị thể lực cho thanh niên Phú Thọ thực hiện “3 sẵn sàng” gia nhập quân đội, xung phong cùng “chiếc gậy Trường Sơn” nô nức ra mặt trận.
Giai đoạn 1976-1985: Thể thao Phú Thọ cũng chuyển mình theo xu thế chung của cả nước. Chiến lược về phát triển TDTT Phú Thọ được hình thành theo định hướng thể thao cho mọi người, thể thao thành tích cao, vừa phát triển các môn thể thao hiện đại và các môn thể thao truyền thống. Theo đó, vào những năm 80 của thế kỷ 20, thể thao Phú Thọ có sự phát triển mạnh mẽ theo phương thức Nhà nước và xí nghiệp cùng đầu tư. Các giải thể thao phong trào được hình thành được duy trì và đi vào nề nếp ổn định như: Giải Việt dã tranh Cúp Hùng Vương; Giải Bóng chuyền nông thôn; Hội thao CNVC lao động; Giải Bóng đá tuổi học đường; Giải Điền kinh trong nhà trường...
Giai đoạn từ 1986 đến nay: Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gướng Bác Hồ vĩ đại” ngày càng phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia góp phần tích cực vào việc phát triển chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Tỷ lệ số người thường xuyên tham gia luyện tập TDTT tăng đều theo các năm. Hiện, toàn tỉnh đạt khoảng 21,5% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên. Số gia đình thể thao đạt 15,7 % tăng từ 1 - 1,5 % mỗi năm. Số các CLB TDTT ở cơ sở tăng nhanh, mỗi năm có hàng trăm CLB với nhiều hoạt động phong phú, đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để mọi người được tập luyện, vui chơi.
Thể thao thành tích cao thành tích cao của Phú Thọ cũng đã đạt được những kết quả vượt bậc. Năm 1997, trong các giải thi đấu quốc gia và Khu vực, Phú Thọ chưa có VĐV nào đoạt huy chương, 3 năm sau (2000), các VĐV Phú Thọ đã giành 17 huy chương các loại, trong đó có 5 VĐ đạt Kiện tướng, 16 VĐV cấp I quốc gia và năm 2008, số huy chương mà các VĐV Phú Thọ đạt được đã tăng lên đột biến với 79 huy chương (18 HCV, 22 HCB, 39 HCĐ). Bên cạnh việc khẳng định vị thế thể thao của mình đối với các tỉnh bạn, đã có không ít VĐV Phú Thọ đoạt huy chương ở các giải Vô địch khu vực Đông Nam Á và các kỳ SEA Games 23, 24
Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, 40 năm qua, các thế hệ cán bộ, VĐV, HLV... đã tận tâm, tận lực không ngại khó khăn, gian khổ, vượt qua mọi thử thách và giành được những thành tích quan trọng, góp phần thúc đẩy sự nghiệp TDTT của tỉnh phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Trung Kiên