Những kết quả đã đạt được
Trong những năm qua, các cấp, các ngành huyện Thanh Miện luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác phát triển TDTT. Nhờ đó, thể thao huyện Thanh Miện đã có bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhiều CLB thể thao hình thành ở các môn như: cầu lông, bóng chuyền hơi, bóng đá, bóng bàn….Các giải thể thao quần chúng thường xuyên được quan tâm tổ chức, chất lượng được nâng cao, góp phần phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
Các hoạt động thể thao ngoài trời phát triển mạnh tại huyện Thanh Miện
Tùy theo từng độ tuổi và sở thích, mỗi người dân đều có thể lựa chọn cho mình những môn thể thao phù hợp. Với những hoạt động phong phú, đa dạng, phong trào TDTT đã tác động vào đời sống xã hội và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Công tác xã hội hoá TDTT đã tạo bước chuyển biến tích cực tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất cho thể thao, góp phần tạo điều kiện phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT của các tầng lớp nhân dân.
Đến nay huyện Thanh Miện đã có Nhà văn hóa trung tâm, sân vận động, chưa có nhà thi đấu đa năng. Đối với cấp xã, 100% các xã, thị trấn đã có nhà văn hóa, 11 trên 17 xã, thị trấn có sân vận động; 81 trên 83 thôn, khu dân cư có nhà văn hóa thể thao; 59 trên 83 thôn, khu dân cư có sân vận động. Các thiết chế văn hóa, thể thao góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, một số thiết chế văn hóa, thể thao xuống cấp, không thu hút được người dân đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, luyện tập TDTT.
Đặc biệt, trong thời gian qua huyện Thanh Miện đã có sự đầu tư kinh phí lắp đặt dụng cụ, trang thiết bị tập luyện TDTT ngoài trời. Đã có 93% số thôn, khu dân cư trên địa bàn đã lắp đặt các bộ dụng cụ tập TDTT ngoài trời và mục tiêu đến hết năm 2024 sẽ trang bị đầy đủ các dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời ở tất cả các thôn, khu dân cư.
Trung bình mỗi thôn, khu dân cư trên địa bàn huyện Thanh Miện được trang bị từ 3 đến 6 dụng cụ luyện tập TDTT tại các nhà văn hoá. Đây không chỉ là những phương tiện giúp cải thiện sức khỏe mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu của cộng đồng, tạo ra một môi trường gần gũi và thân thiện.
Tổng kinh phí đầu tư, mua sắm thiết bị khoảng 2 tỷ đồng, trong đó có gần 1,6 tỷ đồng do các ban, ngành, đoàn thể địa phương xã hội hoá và nhân dân tự nguyện đóng góp.
Mục tiêu hướng đến
Kết quả đạt được trong những năm qua là tiền đề để thể thao Thanh Miện tiếp tục hướng đến những mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn mới theo Kết luận 70-KL/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt hơn 42%, số gia đình tập luyện TDTT đạt tỷ lệ trên 39%; đến năm 2030 số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt trên 45%, số gia đình tập luyện TDTT đạt tỷ lệ trên 43%.
Phát triển thể thao trong trường học là mục tiêu hướng đến của huyện Thanh Miện trong thời gian tới
Cùng với đó, bảo đảm 100% các trường Tiểu học, THCS, THPT có đủ đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất (GDTC) theo quy định, đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Thực hiện đầy đủ, có hiệu quả nội dung, chương trình môn học giáo dục thể chất chính khóa và ngoại khóa. Áp dụng và đưa một số môn thể thao mang tính truyền thống, thế mạnh của địa phương vào chương trình học tập ngoại khóa. 100% học sinh, thường xuyên tham gia tập luyện TDTT và đạt tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại thể lực theo độ tuổi, cấp học.
Hoạt động thể thao trường học sẽ tổ chức theo hướng đa dạng, phát triển các CLB các môn thể thao trong trường học. Hoàn thiện hệ thống thi đấu thể thao, trong đó chú trọng ở cấp cơ sở, thu hút đông đảo học sinh, thầy cô giáo tham gia. Từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ GDTC và thể thao trường học. Phấn đấu đến 2030, đạt tỉ lệ đạt 60% số trường có nhà tập luyện đa năng.
Đối với TDTT trong lực lượng vũ trang, mục tiêu 100% đơn vị làm tốt công tác kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; Trên 98% cán bộ, chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực đến năm 2025. Tham gia đầy đủ các nội dung Hội thao, Hội thi, Giải thể thao do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức. Hàng năm tổ chức 3 đến 4 giải thể thao cấp huyện.
Song song với mục tiêu phát triển thể thao quần chúng, huyện Thanh Miên đặt mục tiêu đảy mạnh phát triển thể thao thành tích cao. Trong đó, mục tiêu đề ra đến năm 2025 sẽ đào tạo, huấn luyện và cung cấp cho tỉnh từ 6 - 10 VĐV. Phấn đấu tham gia đầy đủ các môn thể thao do tỉnh tổ chức. Chon, cử khoảng 200 VĐV tham gia thi đấu các giải do tỉnh tỉnh tổ chức; phấn đấu đạt trong tốp đầu toàn tỉnh.
Đến năm 2030 hướng đến đào tạo, huấn luyện và cung cấp cho tỉnh từ 60 -70 VĐV. Cử hơn 600 vận động viên tham gia thi đấu; phấn đấu đạt 120 huy chương các loại. Phấn đấu Đại hội TDTT lần thứ X xếp trong tốp đầu của tỉnh.
6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Để đạt những mục tiêu đề ra, huyện ủy huyện Thanh Miện đã để ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp để triển khai. Trong đó, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển TDTT trong giai đoạn mới. Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, quán triệt nội dung về phát triển TDTT trong giai đoạn mới thể thao gắn với các cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, cơ sở”.
Tập trung phát triển phong trào TDTT cho mọi người; xây dựng con người phát triển toàn diện. Khuyến khích phát triển TDTT quần chúng, thể thao người khuyết tật; bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc; phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tập luyện TDTT đúng cách, phù hợp lứa tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, đặc thù địa phương, đặc điểm ngành nghề và điều kiện thực tiễn của từng đối tượng tham gia tập luyện; tạo cơ hội cho mọi người dân được quyền tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu để nâng cao sức khỏe, vui chơi, giải trí.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030, Đề án “Phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc. Tổ chức phổ cập dạy và học bơi trong các cơ sở giáo tiểu học, THCS, từng bước triển khai trong các cơ sở giáo dục mầm non, chú trọng địa phương có nhiều sông, hồ,... Phát triển các loại hình câu lạc bộ TDTT trong trường học. Đồng thời, phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang tinh nhuệ, hiện đại, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đổi mới phương thức huấn luyện thể thao thành tích cao; đầu tư trọng điểm, tạo bước đột phá về thành tích trong các bộ môn thể thao trọng điểm của huyện (nội dung thi đấu có thế mạnh phù hợp với điều kiện thực tế của huyện). Khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập câu lạc bộ thể thao mang tính chuyên nghiệp, đào tạo, huấn luyện và tổ chức thi đấu thể thao chuyên nghiệp.
Cùng với đó, tập trung tăng cường nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật thể thao và đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy năng lực của các CLB. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế thể thao, tổ chức các dịch vụ TDTT, bộ thể thao chuyên nghiệp và tổ chức các giải thể thao chuyên nghiệp.
Bài, ảnh: MH