You must configure this module first via "Module Settings"

Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ngày 12/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thông qua Hội nghị nhằm thảo luận, trao đổi, lắng nghe ý kiến tâm huyết của các Bộ, ngành, địa phương, các nhà quản lý, các chuyên gia, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia các doanh nghiệp để việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược một cách hiệu quả.

Tới dự Hội nghị có Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Triệu Thế Hùng; đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc các Ban, Bộ, ngành ở Trung ương; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; Cục TDTT, 63 Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh/thành, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia;

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương khẳng định: Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 15/10/2024 thực sự là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và phát triển thể thao của đất nước. Đây cũng là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, chuyên nghiệp” đến năm 2045. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược, Bộ VHTTDL đã giao cho Cục TDTT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chiến lược; đồng thời xác định nhiệm vụ cụ thể và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược.

Để triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tại Hội nghị này, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương mong muốn các đại biểu dự Hội nghị căn cứ vào mục tiêu, phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thảo luận, làm rõ các sáng kiến, đề xuất các biện pháp, giải pháp, cách thức tổ chức, lộ trình triển khai thực hiện Chiến lược sao cho hiệu quả.

Đối với các ý kiến đóng góp cho dự thảo Kế hoạch triển khai, Thứ trưởng yêu cầu tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch. Thứ trưởng cũng gợi mở một số vấn đề như các nhiệm vụ, giải pháp đã đủ so với Chiến lược chưa? Dự kiến phân công đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp đã thực sự phù hợp? Dự kiến sản phẩm đạt được có khả thi?...Đây chính là sản phẩm đầu ra của Chiến lược và lộ trình triển khai cho từng đầu công việc, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nội dung thứ ba mà Thứ trưởng đề cập đến đó là đề nghị các đại biểu thảo luận, hiến kế, đề xuất các giải pháp, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, các Hội thể thao quốc gia và các cơ quan liên quan trong việc triển khai Chiến lược nhằm đảm bảo thực hiện đúng lộ trình đã đề ra trong Chiến lược.

Tại Hội nghị, đại diện các Sở VHTTDL, Sở VHTT cũng đã trình bày những ý kiến nhằm hướng đến mục tiêu làm sao để Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được đưa vào triển khai phù hợp với thực tiễn cũng như đạt hiệu quả tối ưu.

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội chia sẻ ý kiến tại Hội nghị

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết: trong những năm qua lãnh đạo Thành phố đã luôn quan tâm đến công tác phát triển TDTT. Thành phố cũng đã có nhiều quy định nhằm phát triển TDTT, nhất là các quy định quan tâm đến chế độ, chính sách đối với các HLV, VĐV. Đặc biệt sau khi Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội thông qua, trong đó đã có những quy định tháo gỡ những vướng mắc về quản lý tải sản công và có quy định cụ thể ở điều 21 về việc phát triển văn hóa, thể thao, du lịch. Trong đó có quy định cụ thể về đầu tư nguồn lực phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng công trình thể thao hiện đại đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới; đào tạo, bồi dưỡng VĐV, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp... đã tạo cơ sở pháp lý cho thể thao Thủ đô phát triển.

Ông Đỗ Đình Hồng cũng chia sẻ về việc xây đựng thể chế và chính sách trên địa bàn Thủ đô gắn với thể chế chung của đất nước như thế nào. Đào tạo nhân lực chất lượng cao trong đó có lĩnh vực thể thao ra sao. Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, ngoài kế hoạch dài hơi, hàng năm Thành phố đều xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó mỗi năm tổ chức hơn 1.000 sự kiện thể thao uy tín góp phần quảng bá tich cực hình ảnh của Thủ đô….

Khẳng định tầm quan trọng của Chiến lược, ông Nguyễn Nam Nhân – Phó Giám đốc Sở VHTT Tp Hồ Chí Minh cho biết: việc ban hành Chiến lược là một nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay khi sức khỏe và lối sống lành mạnh đã trở thành ưu tiên hàng đầu của người dân và là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Với những thách thức từ bệnh lý xã hội, đặc biệt là các bệnh mãn tính liên quan đến thiếu vận động và lối sống thụ động, việc khuyến khích phong trào TDTT toàn dân không chỉ góp phần cải thiện thể lực, sức khỏe mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, yêu cầu nâng cao thành tích thể thao, tiệm cận với khu vực và quốc tế, là cần thiết để khẳng định vị thế và bản sắc quốc gia. Chiến lược còn đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường thể thao, thúc đẩy kinh tế thể thao và tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào phát triển cơ sở vật chất, dịch vụ thể thao, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm và góp phần tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở đó, Tp. Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa chiến lược quốc gia bằng Quyết định số 2198/QĐ-UBND, đề ra chiến lược phát triển ngành TDTT Thành phố đến năm 2035, với mục tiêu tạo nên một phong trào thể thao phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, đưa Thành phố trở thành Trung tâm thể thao lớn của khu vực Đông Nam Á.

Tp. Hồ Chí Minh cũng phân tích các yếu tố nội tại và ngoại vi của Chiến lược với sự tương quan của các yếu tố chính trị, kinh tế - xã hội và hạ tầng công nghệ để triển khai hiệu quả Chiến lược. Theo đó, Chiến lược chỉ rõ những tiềm năng phát triển thể thao Việt Nam, tuy nhiên cùng với đó là không ít thách thức từ các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội, và công nghệ. Để đề án thành công, cần sự phối hợp nhịp nhàng từ nhiều bộ, ban ngành cũng như các doanh nghiệp, cộng đồng, và các tổ chức quốc tế trong việc cung cấp nguồn lực, phát triển công nghệ và đồng đều hóa cơ hội thể thao trên cả nước.

Ôông Nguyễn Nam Nhân – Phó Giám đốc Sở VHTT Tp Hồ Chí Minh

Sau gần 3 giờ làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đã nhận được rất nhiều ý kiến tham luận, phát biểu và trao đổi sâu sắc, cởi mở, dân chủ, thẳng thắn, không chỉ phản ánh về nhận thức và quán triệt các nội dung trong Chiến lược mà còn gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, phục vụ cho các bước triển khai tiếp theo. Đặc biệt, nhiều ý kiến đã gợi mở để triển khai có hiệu quả nội dung Chiến lược phù hợp với tình hình thực tế, với từng địa phương, vùng miền, theo từng lĩnh vực. Các đại biểu cũng nhấn mạnh các vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ để phát triển kinh tế thể thao, thể thao trường học, thể thao chuyên nghiệp…

Hội nghị diễn ra vào ngày 12/11

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh “Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển biến tích cực và toàn diện cho ngành thể thao nước nhà. Chính vì vậy, để hiện thực hóa các nội dung Chiến lược, biến khát vọng và tầm nhìn thành hiện thực, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan cần tập trung thực hiện tốt năm nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Chiến lược đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành nhằm tạo thống nhất về nhận thức; hành động và hiệu quả trong thực hiện Chiến lược.

Thứ hai, trên cơ sở Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược, đề nghị các cấp, các ngành và địa phương, đơn vị xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược. Tăng cường tính chủ động, trách nhiệm; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Chiến lược; vừa bảo đảm Chiến lược được triển khai trong thực tế, vừa phát huy tối đa nguồn lực thực hiện.

Giao Cục TDTT khẩn trương tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại biểu để hoàn thiện Kế hoạch của Bộ triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ ba, chủ động nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chủ trương, chính sách, quy định đã ban hành; đồng thời đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển thể thao từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành, nhất là kinh tế thể thao.

Thứ tư, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ công tác quản lý, điều hành, huấn luyện và các hoạt động thi đấu TDTT. Tăng cường ứng dụng thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT. Khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao.

Thứ năm, nghiên cứu, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển TDTT theo đúng định hướng Quy hoạch mạng lưới cơ sở thể thao, Chiến lược đã được phê duyệt; Triển khai xây dựng các chương trình, đề án để tổ chức, thực hiện hiệu quả Chiến lược.

Nhấn mạnh rằng việc triển khai Chiến lược hôm nay mới là bước khởi đầu, chặng đường thực hiện là rất dài, với mục tiêu rất lớn, chính vì vậy, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm, ủng hộ, cùng đồng hành của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, báo đài liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược.

A.T, ảnh Văn Duy

Ảnh trong bài
  • Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
  • Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
  • Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
  • Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
  • Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045