You must configure this module first via "Module Settings"

Thái Nguyên không ngừng nâng cao chất lượng GDTC và hoạt động thể thao trường học

Nâng cao chất lượng Giáo dục thể chất (GDTC) và hoạt động thể thao trường học là một trong những yêu cầu được đặt ra trong Kết luận 70/KL-TW về phát triển TDTT trong giai đoạn mới. Chính vì vậy, việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn học GDTC và tổ chức các hoạt động TDTT trong trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang được các cấp, các ngành liên quan triển khai thực hiện.

Đổi mới nội dung dạy và học môn GDTC

GDTC được xác định là môn học có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực cho học sinh. Đồng thời, GDTC cũng đóng vai trò tạo ra một nền văn hóa thể chất tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, ý thức kỷ luật, tinh thần tập thể và tính đồng đội cho học sinh. Để hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện cả về đức - trí - thể - mĩ, việc nâng cao chất lượng môn học GDTC và tổ chức các hoạt động TDTT trong trường học là yêu cầu cấp thiết. Thông qua môn học GDTC và các hoạt động TDTT trong trường học nhằm tạo cho học sinh, sinh viên sự hứng thú với môn học; hình thành kỹ năng vận động, ý thức tự giác tập luyện TDTT rèn luyện sức khỏe, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho lứa tuổi học đường.

Để từng bước đưa môn học này phù hợp với từng cấp học và độ tuổi học sinh, qua đó giúp khuyến thích học sinh học tốt môn GDTC, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã bám sát các văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh; phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương ban hành hướng dẫn thực hiện công tác GDTC, hoạt động thể thao vào dịp đầu các năm học. Cùng với đó, Sở đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường tiểu học, THCS, THPT chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên GDTC đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả chương trình môn học GDTC thuộc chương trình giáo dục phổ thông.

Đa dạng các hoạt động TDTT trong trường học dưới hình thức các CLB (Ảnh: L.Khoa)

Ngành GDĐT tỉnh cũng đã yêu cầu các trường, cấp học tăng cường triển khai hoạt động ngoại khóa; linh hoạt lựa chọn, xây dựng chủ đề dạy học trên cơ sở phù hợp với tình hình của đơn vị, năng khiếu và sở thích của học sinh, giúp học sinh yêu thích môn học và luyện tập tích cực, thường xuyên hơn.

Với sự quyết liệt, sát sao của ngành GDĐT tỉnh trong chỉ đạo cũng như giám sát chặt chẽ các nội dung yêu cầu về đổi mới GDTC và hoạt động TDTT đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Đến nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng kế hoạch, phân phối chương trình và thực hiện giảng dạy đầy đủ chương trình theo đúng quy định của Bộ GDĐT. Nhiều trường học đã xây dựng kế hoạch giảng dạy các nội dung tự chọn đảm bảo phù hợp với cơ sở vật chất của nhà trường, đặc thù của địa phương và đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Cùng với đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn GDTC, 100% trường học đã xây dựng kế hoạch bổ sung cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ môn học. Năm học 2023-2024, các phòng GDĐT đã bổ sung 135 bộ cột bóng rổ, 37 bàn bóng bàn cho các trường tiểu học, THCS để tổ chức dạy và học. Đội ngũ giáo viên giảng dạy môn GDTC được chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ. Hiện nay, toàn tỉnh có có 519 giáo viên GDTC (cấp tiểu học: 212 giáo viên, cấp THCS: 146 giáo viên, cấp THPT: 161 giáo viên); trong đó, 100% tốt nghiệp đúng chuyên ngành, có trình độ đại học trở lên, 9 giáo viên có trình độ thạc sĩ. Hàng năm, đội ngũ giáo viên giảng dạy môn GDTC được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như trang bị những kiến thức mới về phương pháp, kỹ năng dạy bơi, cứu đuối; kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích...

Đa dạng các hoạt động thể thao trong trường học

Ngoài đổi mới, nâng cao chất lượng môn GDTC, ngành GDĐT tỉnh còn chú trọng phát triển phong trào thể thao học đường. Theo đó, các trường học trên địa bàn tỉnh cũng mở rộng mô hình các CLB TDTT, trong đó tập trung vào các môn thể thao được học sinh yêu thích như: Cầu lông, Bóng rổ, Bóng đá, Bóng bàn, Bóng chuyền, Điền kinh…

Đoàn VĐV Thái Nguyên đã xếp vị trí thứ 3 HKPĐ toàn quốc khu vực II và xếp thứ 9/63 tỉnh, thành ngành (Ảnh: LKhoa)

Hàng năm, 100% các trường học trên địa bàn tỉnh  đều duy trì tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp trường, với 6-8 môn thể thao được đưa vào chương trình thi đấu; 100% huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức hội khỏe Phù Đổng cấp huyện với 7-11 môn thi đấu; đối với cấp tỉnh tổ chức 2 năm 1 lần, với sự tham gia của hàng nghìn VĐV đến từ 9/9 phòng GDĐT. Cùng với đó, nhiều trường học duy trì tổ chức các giải thi đấu thể thao vào các ngày Lễ, Tết, ngày kỷ niệm như ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3), ngày Nhà Giáo Việt Nam (20/11)... qua đó tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên. Thông qua đó, nhiều gương mặt xuất sắc được lựa chọn bổ sung vào đội tuyển của tỉnh tham dự HKPĐ toàn quốc và giành thành tích cao. Gần nhất, tại HKPĐ toàn quốc lần thứ X / 2024, đoàn VĐV học sinh tỉnh Thái Nguyên đã thi đấu xuất sắc giành 27 HCV, 23 HCB, 73 HCĐ, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành trên bảng xếp hạng huy chương của Đại hội. Kết quả này, giúp đoàn VĐV học sinh tỉnh Thái Nguyên vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ xuất sắc cùng với 10 tỉnh, thành có thành tích xuất sắc nhất.

Nói về công tác GDTC và hoạt động TDTT trong trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Đức Thịnh- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: căn cứ vào phân phối chương trình, các nhà trường, cấp học trên địa bàn tỉnh luôn thực hiện đầy đủ các nội dung của môn học GDTC. Hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện học sinh, các cấp học, trường học có đủ đội ngũ giáo viên dạy thể dục. Hầu hết các trường có đủ sân tập, một số trường được đầu tư xây dựng nhà đa năng, khá đầy đủ các trang thiết bị và dụng cụ phục vụ môn học.

Trước yêu cầu nhiệm vụ về phát triển TDTT trong giai đoạn mới, ngành GDĐT tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy hoạt động thể chất cũng như thể thao học đường ngày càng phát triển. Qua đó, hướng tới mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: 90% số trường cao đẳng, đại học, trung cấp và dạy nghề thực hiện chương trình TDTT ngoại khóa và con số này sẽ đạt 95% vào năm 2030.

Phấn đấu trên 90% học sinh, sinh viên đạt chuẩn về tiêu chuẩn rèn luyện thân thể năm 2025 và 98% vào năm 2030. 100% số trường thuộc cấp học phổ thông có CLB TDTT; có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động TDTT; có đủ giáo viên và hướng dẫn viên TDTT.

Thực hiện tốt hoạt động TDTT ngoại khóa, phấn đấu đến năm 2025 đạt từ 75%-80% và đến năm 2030 đạt tỷ lệ 85-90% tổng số trường.

HP

Ảnh trong bài
  • Thái Nguyên không ngừng nâng cao chất lượng GDTC và hoạt động thể thao trường học
  • Thái Nguyên không ngừng nâng cao chất lượng GDTC và hoạt động thể thao trường học