You must configure this module first via "Module Settings"

Thể thao thành tích cao Đà Nẵng vững vàng vươn tầm

Những năm qua, thể thao thành tích cao Đà Nẵng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ khi gặt hái được nhiều thành công trên các đấu trường. Để có được thành tựu nổi bật đó là nhờ sự quan tâm, đầu tư đúng hướng của thành phố. Trong đó, tăng cường, nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ cho các huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) trong công tác tập luyện và thi đấu, cũng như thực hiện hiệu quả quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao qua từng giai đoạn được xác định là "chìa khóa vàng" đem đến những kết quả tích cực cho ngành văn hóa, thể thao Đà Nẵng.

Chỉ tính riêng trong năm 2024, với sự nỗ lực và quyết tâm của những người làm thể thao Đà Nẵng, mục tiêu huy chương tại đấu trường quốc gia năm 2024 sớm hoàn thành. Đây là nền tảng vững vàng để thể thao thành tích cao thành phố xây dựng kế hoạch hướng đến Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X và SEA Games 33.

Dấu ấn về thành tích

Những năm qua, thể thao thành tích cao Đà Nẵng luôn khẳng định vị thế khi xếp trong top đầu tại các giải vô địch quốc gia. Năm 2022, tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, đoàn thể thao thành phố xếp thứ 5 toàn đoàn với 34 HCV, 42 HCB, 50 HCĐ. Năm 2023, các VĐV của Đà Nẵng giành 218 HCV, 212 HCB, 290 HCĐ tại các giải trong nước và quốc tế. Trong đó ở sân chơi SEA Games 32 các VĐV Đà Nẵng giành 8 HCV, 5 HCB, 5 HCĐ. Tiếp nối thành công, từ đầu năm 2024 đến nay, thể thao thành tích cao Đà Nẵng tham dự hơn 100 giải cấp quốc gia ở 36 môn và mang về 216 HCV, 202 HCB, 271 HCĐ. Dù các VĐV còn thi đấu một số giải quốc gia vào 2 tháng cuối năm 2024, nhưng đến thời điểm này, thể thao thành tích cao Đà Nẵng đã vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm là giành 180 bộ huy chương.

Thể thao thành tích cao Đà Nẵng gặt hái được nhiều dấu ấn về thành tích

Đáng kể, những môn thi đấu thành công, để lại dấu ấn về thành tích kể từ đầu năm tới nay, nổi bật phải nhắc đến là các VĐV Taekwondo tạo được ấn tượng khi giành 4 HCV, 5 HCB, 3 HCĐ tại giải vô địch nhóm tuổi trẻ và vô địch các CLB. Các VĐV môn Bơi đóng góp 23 HCV, 15 HCB, 13 HCĐ tại 3 giải từ đầu năm đến nay gồm: vô địch quốc gia hồ 25m, vô địch nhóm tuổi trẻ và vô địch trẻ. Tại giải vô địch Võ cổ truyền quốc gia 2024 vừa kết thúc, đội tuyển Đà Nẵng cũng đạt thành tích xuất sắc với 3 HCV, 3 HCB, 4 HCĐ, xếp thứ nhì toàn đoàn. Bên cạnh đó, các môn Điền kinh, Cử tạ, Canoeing, Rowing, Taekwondo, Boxing, Thể hình, Bóng rổ… đều giành những tấm HCV quý giá.

Hướng đến đỉnh cao thành tích mới                    

Thành tích nổi bật từ đầu năm đến nay chính là động lực để Thể thao Đà Nẵng đặt mục tiêu cao hơn ở những giải quan trọng sắp tới. Cụ thể, ngoài các giải vô địch quốc gia, Đà Nẵng hướng đến hai giải đấu quan trọng là SEA Games 33 năm 2025 tại Thái Lan và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X tại TP. Hồ Chí Minh năm 2026.

Nói về mục tiêu của thể thao thành tích cao cho những đấu trường quan trọng diễn ra trong thời gian tới, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Huấn luyện và đào tạo VĐV TDTT Đà Nẵng Trần Đỗ Quang cho biết: thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển lực lượng VĐV các môn thể thao có thế mạnh của thành phố, hướng tới mục tiêu đạt thành tích cao tại các kỳ đại hội thể thao toàn quốc, các giải vô địch quốc gia, quốc tế, ngoài việc tuyển chọn, đào tạo VĐV, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện thì việc cải thiện, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất là một trong những yếu tố cần được quan tâm. Cùng với thành phố, trung tâm tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các VĐV trong quá trình tập luyện. Nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của trung tâm là chuẩn bị tốt lực lượng tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026; có kế hoạch chuẩn bị lực lượng VĐV thành tích cao tham dự các giải vô địch quốc gia, đóng góp lực lượng cho đội tuyển Việt Nam thi đấu ở những giải đấu lớn của khu vực, châu Á và thế giới.

Được biết, để cụ thể hóa những mục tiêu đặt ra, cũng như duy trì vị thế và số lượng huy chương giành được tại 2 đấu trường thể thao lớn là Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ X và SEA Games 33, trong thời gian tới ngành văn hóa, thể thao Đà Nẵng tiếp tục đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao thế mạnh như: Đua thuyền, Karate, Điền kinh, Taekwondo, Bơi...

Mở rộng mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao

Nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao, trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã hết sức quan tâm đến công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và mở rộng các điều kiện để phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố. Coi việc mở rộng mạng lưới cơ sở văn hóa - thể thao là nền tảng cho sự phát triển của thể thao thành tích cao.

Đà Nẵng tập trung đầu tư mở rộng thiết chế văn hóa, thể thao 

Theo đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã đã từng bước được quy hoạch, nâng cấp, đầu tư, xây dựng; kinh phí hoạt động, bộ máy tổ chức và hoạt động nghiệp vụ cũng được các ngành liên quan hướng dẫn cụ thể. Hoạt động của các thiết chế từng bước được cải thiện, ngày càng thu hút được người dân đến vui chơi, tập luyện; từ đó, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Để thực hiện và hoàn thành tốt mục tiêu của quy hoạch, qua đó tạo đòn bẩy, tạo nền tảng vững chắc để phát triển thể thao thành tích cao, tới đây UBND thành phố Đà Nẵng hướng tới triển khai thực hiện hiệu quả một số giải pháp trên địa bàn thành phố như: Ưu tiên, lựa chọn bố trí đất đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa thể thao ở vị trí, địa điểm phù hợp, thuận lợi trong hoạt động vui chơi giải trí của nhân dân.

Đối với các địa điểm thay đổi mục đích sử dụng thì bố trí địa điểm thay thế. Đất bố trí để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phải phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, xây dựng nhà ở và các công trình văn hóa, thể thao khác nhằm tạo ra môi trường thân thiện, thuận lợi phục vụ nhân dân khai thác và sử dụng hiệu quả…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hoàn chỉnh từng Trung tâm VHTT. Khảo sát nhu cầu của người dân địa phương và tham khảo ý kiến các cơ quan liên quan để đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp, hiệu quả. Quan tâm đầu tư thay thế những trang thiết bị cũ, lạc hậu, duy tu, sửa chữa công trình theo định kỳ; cải tạo, nâng cấp các Trung tâm VHTT hiện có.

Cùng với đó, khai thác sử dụng có hiệu quả các cơ sở vật chất được đầu tư, giao quản lý, sử dụng, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở giúp tăng cường nguồn thu của đơn vị, để tiến dần đến việc đảm bảo tự chủ về tài chính.

Được biết, Đã Nẵng cũng không ngừng đa dạng hóa nội dung, khuyến khích mạnh mẽ sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp để tăng cường nguồn xã hội hóa cho việc xây dựng các công trình văn hóa, thể thao đáp ứng ngày cao nhiều hơn nhu cầu của thành phố. 

Có thể nói, việc nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế vận hành của các cấp các ngành; có chính sách, cơ chế thuận lợi, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng, phát triển TDTT; quản lý và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với quy định của pháp luật chính là những bước đi hiệu quả để thể thao thành tích cao Đà Nẵng tiếp tục vươn xa trong tương lai.

B.K, ảnh: Đà nẵng Online

Ảnh trong bài
  • Thể thao thành tích cao Đà Nẵng vững vàng vươn tầm
  • Thể thao thành tích cao Đà Nẵng vững vàng vươn tầm