You must configure this module first via "Module Settings"

Hà Nội tập trung phát triển mạng lưới văn hóa, thể thao cơ sở

Với vai trò là Thủ đô của cả nước, là nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở văn hóa, thể thao quan trọng, Hà Nội đang đặt ra các yêu cầu về phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao sao cho xứng tầm để hướng tới xây dựng một Thủ đô: “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”... Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm tại Hội nghị công bố quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ VHTTDL vừa tổ chức.

Bám sát Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ, Sở VHTT Hà Nội đã xây dựng phương án phát triển hạ tầng, cơ sở văn hóa, thể thao Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung này cũng đã được cập nhật vào Quy hoạch chung Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.

Theo chia sẻ của Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng: Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đề ra, Hà Nội đã đưa ra các phương án phát triển thiết chế văn hóa, thể thao trong những năm tới, tập trung vào các nội dung chính như: đầu tư tu bổ, tôn tạo, mở rộng 22 di tích trọng điểm như khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, khu di tích Cổ Loa, di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt do Thành phố và quận, huyện quản lý.

Cùng với đó, xây dựng thiết chế văn hóa tiêu biểu của Thủ đô có quy mô xứng tầm là trung tâm phát triển văn hóa của cả nước và trong khu vực. Đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao có quy mô, giá trị gắn với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa và yêu cầu hội nhập quốc tế. Sẽ tiến tới xây dựng công trình văn hóa mới tiêu biểu, xứng tầm với vị thế của Thủ đô và là trung tâm của vùng Đồng Bằng Sông Hồng như Nhà hát thành phố Hà Nội, Nhà hát múa rối Thăng Long, Cung văn hóa thể thao Thanh niên…

Trong lĩnh vực TDTT, Hà Nội tập trung xây mới các công trình thể thao đạt tiêu chuẩn quốc tế tại khu vực phía Bắc, hình thành tổ hợp thể thao mang tính chất liên kết vùng của thành phố ở phía tây, phía Nam. Mở rộng, nâng cấp Trung tâm VĐV cấp cao Hà Nội tại Mỹ Đình theo hướng hiện đại.

Hà Nội tập trung đầu tư  cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở (Ảnh: HNM)

Bên cạnh đó, ngành VHTT Hà Nội tiếp tục chỉnh trang, nâng cấp, cải tạo các công trình thể thao hiện có như: SVĐ Hà Đông, trung tâm Đua thuyền Hồ Tây, SVĐ Hàng Đẫy và một số khu thể thao, nhà thi đấu của các quận, huyện, thị xã... để đáp ứng yêu cầu tập luyện, đào tạo và thi đấu của các VĐV, HLV.

Theo mục tiêu phát triển về xây dựng mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao đã đặt ra, Hà Nội, phấn đấu đến năm 2030: 100% các quận, huyện, thị xã có Trung tâm Văn hoá, Thể thao cấp huyện; 100% thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa đáp ứng tiêu chí theo quy định của Bộ VHTTDL; 75% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa; 100% khu công nghiệp có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt văn hóa phục vụ công nhân, người lao động. Hoàn thiện mạng lưới cơ sở thể thao tiến tới đảm bảo mỗi quận, huyện, thị xã có đủ sân vận động, nhà thi đấu, bể bơi và khu vui chơi ngoài trời phục vụ người dân trên địa bàn. Ngoài ra, Hà Nội phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao ngoài công lập nhằm thu hút nguồn lực của khu vực tư nhân để phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, thể thao của Thủ đô.

Để đảm bảo định hướng phát triển theo đúng lộ trình, chỉ đạo tại Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Chính phủ, Hà Nội đã xác định rõ cần tập trung đầu tư vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục đầu tư hơn nữa cho văn hóa, thể thao từ nguồn ngân sách để phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao; Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và điều chỉnh cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở văn hóa, thể thao và tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao…

Việc xây dựng và ban hành Quyết định về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng con người Việt Nam, tạo sự chuyển biến to lớn đối với phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và đảm bảo phát triển bền vững của đất nước ta trong thời kỳ mới.

Hai Quy hoạch này được ban hành cùng với Luật Thủ đô đã được Quốc Hội phê chuẩn, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội để thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo chỉ đạo tại Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Chính phủ. Đây là cơ hội để thành phố Hà Nội phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, thể thao, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô.

N.H

Ảnh trong bài
  • Hà Nội tập trung phát triển mạng lưới văn hóa, thể thao cơ sở