You must configure this module first via "Module Settings"

Thanh Hóa chú trọng công tác GDTC và hoạt động TDTT trong trường học

Giáo dục thể chất luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển TDTT trường học. Hiểu rõ điều này, trong những năm qua cùng với việc triển khai tốt các nhiệm vụ năm học, các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm thực hiện tốt các yêu cầu giảng dạy môn học GDTC theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không ngừng khuyến khích phát triển các loại hình TDTT trong nhà trường dưới nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn nhằm thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Đổi mới chương trình giáo dục thể chất

Để công tác GDTC và hoạt động TDTT trong trường học trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả, thực chất đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các nhà trường chủ động đổi mới chương tình giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả GDTC và thể thao trong trường học. Chương trình môn học GDTC về cơ bản đã bảo đảm cung cấp kiến thức, kỹ năng và duy trì thói quen tập luyện TDTT cho học sinh. Giờ học thể dục chính khóa trong nhà trường được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định với thời lượng 2 tiết/tuần.

Công tác GDTC và hoạt động TDTT trong các trường học được quan tâm, chú trọng

Đến nay, 100% trường trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo chương trình GDTC chính khóa trong trường học. Nhiều nội dung tập luyện được đưa vào các hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là các môn thể thao được học sinh yêu thích như: Võ thuật, Bơi lội, Cầu lông, Bóng đá.... Ngoài việc phát triển các môn thể thao hiện đại, tỉnh còn chú trọng bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc. Chính vì vậy, nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã đưa Vovinam - môn võ Việt vào chương trình học giảng dạy chính khóa.

Các hoạt động ngoại khóa được lồng ghép với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của học sinh và phụ huynh. Hình thức tổ chức và nội dung tập luyện TDTT của học sinh ngày càng phong phú, đa dạng và dần đi vào nền nếp. Cùng với đó, hệ thống các giải thể thao dành cho lứa tuổi học đường được duy trì ổn định, như: tổ chức giải thể thao học đường (TTHĐ), Hội khỏe Phù Đổng, các giải đấu thể thao giao hữu; duy trì các CLB, đội, nhóm TDTT…

Nhờ đó, phong trào tập luyện TDTT của học sinh các cấp học ngày càng được phát triển sâu rộng. Qua các giải thi đấu, nhiều học sinh phát huy được tố chất, kỹ năng tạo nhiều bứt phá trong các giải thi đấu thể thao và trở thành những VĐV nòng cốt của huyện, thị xã, thành phố tham gia thi đấu Đại hội TDTT cấp tỉnh và đạt thành tích cao.

Cùng với đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, ngành GD&ĐT Thanh Hóa cũng chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên giảng dạy môn học GDTC đảm bảo 100% số trường học bậc Phổ thông có đủ giáo viên và hướng dẫn viên TDTT có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập, công trình thể thao, dụng cụ tập luyện thi đấu thể thao ở trường học các cấp bước đầu được quy hoạch và đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ môn học GDTC và tổ chức các hoạt động TDTT trong trường học trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo chia sẻ của ông Đỗ Xuân Huy, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa: “Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các trường học hiện nay còn thiếu so với nhu cầu sử dụng. Một số trường, sân tập luyện TDTT ngoài trời không có hoặc có nhưng chưa bảo đảm về diện tích. Bên cạnh đó, giáo viên chuyên trách về TDTT ở một số đơn vị cũng còn thiếu, phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình và các hoạt động thi đấu tại đơn vị”.

Hướng tới hoàn thành những mục tiêu đặt ra

Để áp ứng những yêu cầu đổi mới trong lĩnh vực TDTT, công tác GDTC và hoạt động TDTT trong nhà trường là một trong những nội dung quan trọng đặc biệt quan tâm. Đây cũng chính là một trong những nội dung được đề cập trong Kết luận 70/KL-TW về phát triển TDTT trong giai đoạn mới. Trong năm học 2024 - 2025, ngành TDTT tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ về phát triển TDTT, trong đó có hoạt động GDTC và thể thao trong trường học theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra.

Ngành GD& ĐT Thanh Hóa đặt ra các mục tiêu phấn đấu đến năm 2030: 100% trường học các cấp thực hiện giáo dục thể chất chính khóa; 80% tổng số trường tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa, có các CLB, cơ sở vật chất, giáo viên và hướng dẫn viên TDTT.

Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, ngành GD& ĐT tỉnh đặt ra các giải pháp. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và thể thao trường học gắn với mục tiêu giáo dục, phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, tạo nền tảng để phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và tài năng thể thao trẻ.

Nâng cao chất lượng dạy, học thể dục chính khóa và hoạt động TDTT ngoại khóa; cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy, chú trọng nhu cầu tự chọn của học sinh; thực hiện các chương trình phát triển thể trạng và tầm vóc, giáo dục thể chất và thể thao trong trường học. Hoàn thiện hệ thống thi đấu TDTT cho học sinh, sinh viên; đổi mới nội dung, hình thức tổ chức HKPĐ cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh và tham gia HKPĐ toàn quốc; phát hiện tài năng thể thao trẻ nhằm bổ sung lực lượng kế cận cho  tuyến tỉnh, quốc gia.

Tiếp tục khuyến khích xây dựng các CLB TDTT, lớp năng khiếu thể thao trường học, thành lập Trường phổ thông năng khiếu TDTT để đào tạo, bồi dưỡng VĐV tham gia HKPĐ các cấp và VĐV kế cận cho thể thao thành tích cao. Tổ chức dạy, học bơi và phòng chống đuối nước cho học sinh; đưa các môn Võ cổ truyền, Vovinam,... các môn thể thao dân tộc phù hợp vào chương trình ngoại khóa của trường phổ thông các cấp.

Đầu tư xây dựng, xã hội hóa cơ sở vật chất TDTT trường học theo quy định; đẩy mạnh xã hội hóa cơ sở vật chất, trang bị, dụng cụ TDTT của các cơ sở giáo dục, đào tạo; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và ưu đãi về đầu tư, đất đai đối với trường tư thục, trường dân lập, miền núi.

Tăng cường công tác giáo dục, truyền thông về giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học; đảm bảo chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên TDTT. Cùng với đó, tăng cường chỉ đạo, tổ chức triển khai các chương trình phát triển giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học của tỉnh.

Bài, ảnh HKT

Ảnh trong bài
  • Thanh Hóa chú trọng công tác GDTC và hoạt động TDTT trong trường học