You must configure this module first via "Module Settings"

Hưng Yên đẩy mạnh phát triển TDTT trong giai đoạn mới

Trong những năm qua, cùng với phát triển kinh tế xã hội, công tác TDTT luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Hưng Yên quan tâm, đầu tư. Các hoạt động diễn ra sôi nổi, rộng khắp đã góp phần nâng cao vị thế của TDTT trong đời sống xã hội, nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo tầng lớp nhân dân.

Những kết quả đã đạt được

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, thường xuyên. Việc tập luyện TDTT hàng ngày được đông đảo nhân dân tham gia tích cực, tự giác đã tạo thành phong trào rộng khắp, có nề nếp. Từ những hạt nhân phong trào đã nhân rộng thành các CLB thể thao, đội nhóm thể thao, gia đình thể thao...

Năm 2023, toàn tỉnh có hơn 2.000 CLB, điểm, nhóm TDTT duy trì hoạt động thường xuyên. Cùng với đó, hàng năm, ngành TDTT tỉnh duy trì tổ chức các giải thi đấu thể thao từ cơ sở đến cấp tỉnh, đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng. Trung bình mỗi năm có hàng trăm giải thi đấu thể thao được tổ chức đã tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân. Tính riêng trong năm 2024, có 20 giải TDTT cấp tỉnh và hàng trăm giải đấu của các ngành, đơn vị được tổ chức, góp phần phát triển phong trào thể thao chung của tỉnh.


Phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh

Công tác giáo dục thể chất được tổ chức đúng, đủ về nội dung, bảm bảo theo đúng quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Phương pháp giảng dạy môn Giáo dục thể chất có nhiều đổi mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đào tạo con người toàn diện về văn, thể, mỹ. Bên cạnh đó, các nhà trường đều đẩy mạnh công tác tổ chức các hoạt động thể thao trong trường học dưới mô hình các CLB TDTT ở một số môn phổ biến, được học sinh và phụ huynh yêu thích, ủng hộ như: Bóng đá, Cầu lông, Bóng rổ, Bơi, Karatedo….

Để giúp cho việc tập luyện và thi đấu TDTT của nhân dân, Hưng Yên đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng TDTT. Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có hơn 150 sân vận động, sân Bóng đá; 80 nhà luyện tập thể thao đơn giản; 44 bể bơi các loại; 773 sân luyện tập TDTT đơn giản và gần 100 phòng luyện tập TDTT đơn giản.

Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở cũng từng bước được hoàn thiện với các công trình như: nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi … được lắp đặt các dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời. Cùng với các nguồn lực đầu tư của nhà nước, công tác xã  hội hóa về TDTT được đẩy mạnh đã nhận được sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đầu tư cho lĩnh vực TDTT. Nhiều công trình TDTT như bể bơi thông minh, Trung tâm TDTT, phòng tập TDTT… do tư nhân xây dựng với vốn đầu tư từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng được xây dựng đã góp phần giải quyết nhu cầu về sân chơi, bãi tập cho nhân dân. Mô hình xã hội hóa TDTT không chỉ góp phần giảm gánh nặng ngân sách cho nhà nước trong việc đầu tư sân bãi mà còn tạo điều kiện cho các loại hình kinh doanh hoạt động TDTT có điều kiện phát triển. Trong đó, tập trung vào một số môn như: Bóng đá, Bơi, Thể dục thẩm mỹ, Thể hình, Yoga hay các môn võ thuật...

Có thể nói, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, cùng nhiều giải pháp hữu hiệu được triển khai đồng bộ đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT của tỉnh phát triển mạnh cả về chiều rộng lẫn bề sâu. Đến nay, số người tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh đạt tỉ lệ 36% dân số; số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên đạt 30% so với tổng số hộ gia đình. 100% trường học đảm bảo thực hiện chương trình nội khóa, 85% trường thực hiện chương trình ngoại khóa. Số cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang kiểm tra tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng rèn luyện thân thể đạt trên 98,5%.

Phong trào TDTT quần chúng phát triển đã tạo đà cho Thể thao thành tích cao của tỉnh từng bước khẳng định được vị thế của mình trên đấu trường quốc gia và quốc tế. Năm 2023, các đội tuyển của tỉnh đã tham gia thi đấu 38 giải thể thao quốc gia, giành 128 huy chương các loại; trong đó có 19 HCV, 21 HCB, 88 HCĐ. Và trong 6 tháng đầu năm 2024, các VĐV của tỉnh giành 56 huy chương các loại, gồm 11 HCV, 17 HCB và 28 HCĐ. Trong đó có 01 HCV, 01 HCB của môn Pencak Silat tại Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 (được tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam) do công của VĐV Nguyễn Thành Long (nội dung biểu diễn); VĐV Nguyễn Hữu Hùng (nội dung đối kháng hạng 43 - 46,9kg).

Phát triển TDTT trong giai đoạn mới

Những kết quả đạt được như trên đã cho thấy hướng đi đúng đắn của ngành TDTT tỉnh trong việc thực hiện những yêu cầu về mục tiêu nhiệm vụ đặt ra trong Đề án Phát triển TDTT tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Tuy nhiên, trước sự gia tăng về dân số, điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao nên hệ thống cơ sở hạ tầng về TDTT tuy đã được đầu tư, nâng cấp song chưa đáp ứng được yêu cầu. Kinh phí dành cho TDTT hạn hẹp nên chế độ dinh dưỡng cho HLV, VĐV còn thấp; chính sách đãi ngộ tài năng chưa tương xứng, nên chưa thu hút được nhiều nhân tài trong lĩnh vực thể thao thành tích cao; công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật trong huấn luyện và thi đấu thể thao chưa được triển khai sâu rộng… Đây cũng chính là những rào cản khiến công tác phát triển TDTT trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Để phát triển thể thao một cách toàn diện, hiệu quả, đáp ứng các mục tiêu về phát triển TDTT trong giai đoạn mới theo tinh thần Kết luận 70/KL-TW của Bộ Chính trị, tỉnh Hưng Yên đã đặt ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của Tỉnh về thể dục, thể thao (TDTT); lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về TDTT trong các nghị quyết, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đối với phát triển sự nghiệp TDTT; gắn chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển TDTT hằng năm và tổ chức hoạt động TDTT thường xuyên vào kế hoạch công tác hằng năm, giai đoạn của các địa phương, đơn vị.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp TDTT trong giai đoạn mới. Chú trọng xây dựng, ban hành cơ chế chính sách đầu tư, phát triển thiết chế, cơ sở hạ tầng; thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp, thể thao quần chúng, giáo dục thể chất và thể thao trường học; hỗ trợ pháp lý về kinh tế thể thao, tích cực vận động, thu hút, thúc đẩy xã hội hóa. Bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc y tế, nhà ở, tiền lương, trợ cấp, ưu đãi khác đối với VĐV, HLV, nhân tài trong lĩnh vực TDTT.

Phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp. Trong đó, khuyến khích phát triển TDTT quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người dân được quyền tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi, giải trí. Tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn phong trào thể thao quần chúng; xây dựng các công trình thể thao công cộng ở khu dân cư, lắp đặt các trang thiết bị tập luyện tại các khu vui chơi, giải trí, công viên. Quan tâm, chỉ đạo phát triển thể thao trong lực lượng vũ trang; các đối tượng trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật trong hoạt động TDTT.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giáo viên, giảng viên cho các cấp học, nâng cao trình độ đào tạo và nghiên cứu khoa học về tâm sinh lý lứa tuổi, TDTT trường học.

Để các giải pháp trên được triển khai hiệu quả, tỉnh Hưng Yên sẽ tăng cường các nguồn lực cho phát triển TDTT. Theo đó, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đảm bảo nguồn nhân lực tại các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp TDTT các cấp; tăng cường đầu tư và đảm bảo kinh phí tổ chức các hoạt động TDTT thường xuyên của từng cấp chính quyền, từng cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo cán bộ TDTT; tăng cường nghiên cứu khoa học về TDTT và liên ngành. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT.

VD

Ảnh trong bài
  • Hưng Yên đẩy mạnh phát triển TDTT trong giai đoạn mới