You must configure this module first via "Module Settings"

Xã hội hóa điều kiện cần trong phát triển thể thao ở Việt Nam

Thể dục thể thao - một trong số các lĩnh vực sớm triển khai chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước bước đầu đã huy động được một phần không nhỏ nguồn lực đầu tư từ người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Nhằm phát huy các nguồn lực của xã hội cho công tác thể dục thể thao (TDTT) và khuyến khích phát triển các hoạt động thể thao giải trí, kinh doanh dịch vụ thể thao gắn với hoạt động văn hóa, du lịch, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi Nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Việc ban hành, đổi mới cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực TDTT thời gian qua đã tạo ra hành lang pháp lý cũng như điều kiện thuận lợi cho hoạt động TDTT, các doanh nghiệp TDTT phát triển; đồng thời đã tháo gỡ được những vấn đề phát sinh cần được quản lý, hướng dẫn để các môn thể thao phát triển theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức các dịch vụ TDTT.

Cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT được quan tâm đầu tư nhiều hơn, việc kết hợp các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để xây dựng cơ sở vật chất TDTT bước đầu thu được kết quả tốt, đặc biệt là việc xây dựng các công trình thể thao, lắp đặt trang thiết bị, dụng cụ tập luyện thể thao tại công viên, nơi công cộng để phục vụ nhu cầu tập luyện của quần chúng nhân dân.

Nhiều chính sách mới về thiết chế văn hóa, thể thao, định mức sử dụng đất cho hoạt động TDTT được ban hành trong thời gian qua. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm hơn tới việc xây dựng tổ chức, bố trí cán bộ, quy hoạch đất và huy động nguồn lực phát triển TDTT trên địa bàn. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương trong thời gian qua từng bước được hoàn thiện và khai thác hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, rèn luyện thân thể của các tầng lớp nhân dân. 

Chủ trương xã hội hoá TDTT tiếp tục được đẩy mạnh trong giai đoạn qua, đã thu hút được sự tham gia tích cực của nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tham gia đầu tư cho thể thao, thông qua các hoạt động như: xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nguồn VĐV, tổ chức các hoạt động TDTT...,góp phần mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động các phong trào từ các xã, phường, thị trấn đến làng, bản, thôn, ấp, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

Mô hình “phòng tập” thể thao ngoài trời đã và đang ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu tập luyện, nâng cao sức khỏe của người dân. Việc tập TDTT tại các công viên, nơi công cộng với những thiết bị thể thao ngoài trời được đánh giá là biện pháp cải thiện sức khỏe lành mạnh, giúp người dân rèn luyện những thói quen tích cực, kết nối tốt hơn trong cộng đồng.

Đối với lĩnh vực thể thao thành tích cao, nếu trước đây việc đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao chủ yếu do các cơ quan quản lý nhà nước đảm nhận (ở cả tuyến trung ương và tuyến cơ sở) thì nay đã có sự tham gia ngày càng sâu của các thành phần ngoài công lập.

Dụng cụ tập luyện thể thao tại công viên, nơi công cộng để phục vụ nhu cầu tập luyện của quần chúng nhân dân (Ảnh: minh họa)

Đối với hoạt động tập huấn, tham dự thi đấu thể thao quốc tế trong những năm gần đây, kinh phí nhà nước chủ yếu tập trung cho công tác tập huấn và tham dự các kỳ đại hội thể thao quốc tế lớn, giải tích điểm hoặc lấy xuất trực tiếp Olympic, giải xếp hạng hạt giống Olympic và Asiad,… và các giải vô địch chính thức từng môn, việc tham gia các hoạt động thể thao quốc tế còn lại hầu hết do các liên đoàn, hiệp hội tự huy động từ nguồn xã hội hóa.

Trong các hoạt động tổ chức thi đấu thể thao, các cơ quan quản lý về TDTT, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao đã chú trọng làm tốt công tác vận động tài trợ, qua đó đã huy động được được số lượng kinh phí rất lớn ngoài ngân sách để tổ chức nhiều giải thể thao trong nước và quốc tế từ nguồn xã hội hóa.

Một số Liên đoàn hoạt động tương đối hiệu quả, có mạng lưới hội viên ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc, kết nối, tổ chức các hoạt động phong trào của môn thể thao tương đối tốt, tự chủ 100% kinh phí hoạt động (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Liên đoàn Yoga, Liên đoàn Trượt băng và Roller, Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam, Liên đoàn Bóng chuyền, Liên đoàn Cầu lông, Liên đoàn Bóng rổ, Liên đoàn Billiards…).

Thực hiện chủ trương xã hội hóa thể thao, đồng thời phát huy vai trò, năng lực của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, trong những năm qua, ngành TDTT cũng đã đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia trong việc tìm kiếm các nguồn lực (ngoài kinh phí của nhà nước) để đầu tư cho vận động viên tham gia tập huấn và thi đấu nước ngoài bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Tuy ngành TDTT đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực, sự tham gia của xã hội để tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế đều được tham gia trong lĩnh vực TDTT, song kết quả đạt được còn hạn chế.  Chính vì vậy, trong thời gian tới để đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, ngành TDTT đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp:

 Tích cực huy động, vận động các nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp để đầu tư phát triển TDTT; 

Thường xuyên rà soát, đề xuất, bổ sung các chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế quy định trong các Luật: Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Phí và Lệ phí…; hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật trong lĩnh vực TDTT; rà soát, kiến nghị sửa đổi các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực TDTT; rà soát, đề xuất chính sách về kinh tế thể thao, quyền sở hữu, chuyển nhượng, khai thác bản quyền và tài trợ… nhằm thu hút, mở rộng các nguồn đầu tư trong xã hội, tạo điều kiện phát triển TDTT; 

Hàng năm tổ chức các diễn đàn về kinh tế thể thao nhằm phát huy vai trò của Ủy ban Olympic Việt Nam, các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia trong công tác phối hợp quản lý, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên và tổ chức các hoạt động sự kiện để giảm "gánh nặng" từ ngân sách.

KC

Ảnh trong bài
  • Xã hội hóa điều kiện cần trong phát triển thể thao ở Việt Nam