You must configure this module first via "Module Settings"

Huyện Tháp Mười: Phát triển sự nghiệp TDTT theo hướng toàn diện, bền vững

Những năm qua, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động TDTT luôn được các cấp chính quyền huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp quan tâm, chú trọng. Với việc đa dạng về nội dung, hình thức tập luyện, duy trì tổ chức nhiều hoạt động thi đấu, phong trào TDTT của huyện diễn ra thường xuyên, góp phần nâng cao sức khỏe, tình đoàn kết cho cán bộ, nhân dân.

Đẩy mạnh các hoạt động TDTT

Nhằm đưa phong trào TDTT phát triển sôi nổi, huyện Tháp Mười đã xây dựng kế hoạch, phát động các phong trào, triển khai nhiều môn thể thao phù hợp với từng lứa tuổi để mọi người dân có thể rèn luyện sức khỏe theo nhu cầu và sở thích. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền dưới nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác TDTT, từ đó tự giác duy trì thói quen tập luyện TDTT hàng ngày. Hằng năm, vào dịp Lễ, Tết, ngành VHTT huyện tổ chức nhiều giải thể thao phong trào như:  giải bóng chuyền hơi nam, nữ; giải cầu lông công nhân, viên chức, lao động; giải bơi thiếu niên nhi đồng; Giải bóng đá thiếu niên nhi đồng; giải cờ vua, cờ tướng... Đặc biệt, duy trì tổ chức nhiều sự kiện thể thao quy mô lớn như: Đại hội TDTT các cấp theo định kỳ, “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân” hàng năm và triển khai các chương trình phổ cập bơi, phòng chống cứu đuối nước cho trẻ em…

Nhiều CLB TDTT được thành lập và thu hút số lượng thành viên tham gia đông, trong đó có môn Bóng chuyền hơi

Để đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng, huyện vận động các cơ quan, đơn vị xã, thị trấn, tổ chức các hoạt động thi đấu, giao lưu thể thao. Nhiều đơn vị đã chủ động tổ chức các hoạt động, các giải đấu giao lưu tại địa phương; khuyến khích và đa dạng các hình thức tổ chức để thu hút người dân tham gia. Nhờ đó, các giải thi đấu thể thao, các Hội thi văn nghệ, thể thao hay giao lưu văn nghệ, thể thao trên địa bàn huyện luôn thu hút đông đảo các tầng lớn nhân dân từ cán bộ, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị đến nông dân, thanh thiếu niên và người cao tuổi…

Các hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao diễn ra sôi  nổi đã góp tạo không khí vui tươi cũng như duy trì thói quen tập luyện TDTT hằng ngày trong đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tạo sân chơi bổ ích và làm phong phú thêm đời sống tinh thần cũng như giảm thiểu các tệ nạn xã hội, mang lại cuộc sống yên vui cho nhân dân.

Cũng từ phong trào TDTT phát triển đã tạo môi trường thuận lợi để các nhà chuyên môn phát hiện, bồi dưỡng những VĐV có năng khiếu, bổ sung vào các đội tuyển thể thao thành tích cao của huyện tham gia các giải đấu cấp tỉnh, giành thành tích cao. Trong đó, chú trọng vào các môn thể thao thế mạnh của địa phương như: vovinam, judo, bóng chuyền, điền kinh, bơi lội, cờ vua, thể thao dân tộc…

Trung bình hàng năm, huyện Tháp Mười cử trên 600 lượt VĐV thi đấu từ 18 - 23 giải TDTT cấp tỉnh. Nổi bật là các kỳ Đại hội TDTT cấp tỉnh năm 2018, năm 2022, huyện Tháp Mười xếp hạng 3 và hạng 4/19 đơn vị. Thể thao học đường tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh đạt hạng Nhất toàn đoàn liên tục từ năm 2012 đến năm 2021.

Cùng với sự quan tâm, đẩy mạnh TDTT quần chúng và các môn thể thao thành tích cao, ngành thể thao của huyện không ngừng chú trọng bảo tồn và phát huy các môn thể thao truyền thống dân tộc như: đẩy gậy, kéo co, cờ tướng, bắn nỏ, đánh cù,… Đây là những môn thể thao đã gắn bó với đời sống, lao động, phong tục của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, đồng thời được đông đảo nhân dân yêu thích, tham gia tập luyện thường xuyên.

Công tác giáo dục thể chất và hoạt động TDTT trong các trường học được duy trì ổn định, nền nếp. 100% trường học thực hiện chương trình nội khóa theo quy định, nhiều trường học tổ chức các hoạt động ngoại khóa dưới hình thức các CLB TDTT. Môn học giáo dục thể chất đảm bảo kế thừa và phát triển giữa các cấp học, cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho học sinh, hình thành và duy trì thói quen tập luyện TDTT thường xuyên, gắn với giáo dục đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh, rèn luyện ý chí, phẩm chất phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi và điều kiện cụ thể của từng học sinh.

Đến nay, toàn huyện có 45,41% người dân tập luyện thể thao thường xuyên; hộ gia đình thể thao đạt 47,78% tổng số hộ (vượt chỉ tiêu tỉnh giao). Trên địa bàn huyện có khoảng 40 nhóm và 208 Câu lạc bộ TDTT duy trì sinh hoạt thường xuyên, gồm các môn: võ thuật, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt, cờ vua, cờ tướng, xe đạp.

Chú trọng về cơ sở vật chất

Để đáp ứng nhu cầu rèn luyện TDTT của nhân dân, các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực TDTT có chất lượng. Cùng với nguồn lực đầu tư từ nhà nước, huện cũng chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT. Nhờ đó đã mang lại những chuyển biến tích cực, nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã đóng góp kinh phí tham gia xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi, mua sắm  dụng cụ tập luyện TDTT.

Đến nay, huyện có 2 nhà tập luyện và thi đấu thể thao, 8 hồ bơi, 3 sân quần vợt, 25 sân cầu lông, 130 sân bóng chuyền, 2 sân bi sắt, 2 sân bóng rổ, 8 phòng bóng bàn, 18 sân tập môn điền kinh, 6 sân đá cầu, 3 sân tập thể dục dưỡng sinh, 34 sân bóng đá (11 người, 7 người và 5 người). Ngoài ra, tại các xã, thị trấn có hơn 30 điểm được trang bị dụng cụ tập TDTT ngoài trời, 25 sân tập các môn võ thuật kết hợp thể thao dân tộc, 13 nhóm luyện tập xe đạp thể thao... Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế thể thao trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư, nâng cấp từ huyện đến xã. 100% các xã, thị trấn quy hoạch đất cho TDTT, 100% xóm có sân thể thao. Các sân chơi, nhà tập luyện, từng bước đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của Nhân dân. Nhờ đó, phong trào TDTT quần chúng ở Tháp Mười phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Nhiều giải pháp sẽ được triển khai đồng bộ

Để đáp ứng yêu cầu phát triển TDTT trong giai đoạn mới theo tinh thần Kết luận 70/KL-TW, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, huyện sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, vận động mọi đối tượng quần chúng nhân dân tham gia tập luyện và thi đấu thể thao. Mở rộng, phát triển đa dạng các loại hình tập luyện và hoạt động TDTT đối với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, giúp người dân tự chọn cho mình một môn thể thao yêu thích hoặc nội dung, hình thức tập luyện phù hợp để rèn luyện hàng ngày.

Tổ chức các giải thể thao cấp huyện. Cải tiến lịch tổ chức hoạt động TDTT theo hướng tập trung khôi phục, phát triển 04 môn thể thao cơ bản, phổ biến nhất là: bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bơi lội song song với các môn có phong trào phát triển như: các môn võ và các môn thể thao dân tộc. Trong đó, chú trọng khai thác, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian, các mô hình thể thao gắn với lễ hội truyền thống, hoạt động du lịch và ngày hội văn hóa thể thao nhằm đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, hướng dẫn viên TDTT; xây dựng mạng lưới hướng dẫn viên, vận động viên làm nòng cốt cho phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn huyện; Khuyến khích thành lập câu lạc bộ TDTT phù hợp với từng ngành, địa phương. Tập trung phát triển mạnh mẽ phong trào TDTT trong trường học; tạo điều kiện hỗ trợ các lớp năng khiếu thể thao trọng điểm do Sở VHTTDL tỉnh tổ chức. Tổ chức một số giải thể thao cấp tiểu học và trung học cơ sở nhằm phát hiện, bồi dưỡng tài năng thể thao ngay từ cấp tiểu học; Xây dựng phát triển các loại hình CLB thể thao trường học, đảm bảo các trường học đều có câu lạc bộ TDTT. Phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, nông dân, phụ nữ, thanh niên, thiếu niên, người cao tuổi, người lao động…

Phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ TDTT nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân. Qua đó, góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp kinh phí tổ chức thi đấu các môn thể thao trong các dịp lễ, tết; Khuyến khích các xóm, tổ dân phố, các đoàn thể, nhà trường thành lập thêm nhiều Câu lạc bộ TDTT để có điều kiện giao lưu, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần giúp người dân phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển sự nghiệp TDTT theo hướng toàn diện và bền vững.

Bài, ảnh VD

Ảnh trong bài
  • Huyện Tháp Mười: Phát triển sự nghiệp TDTT theo hướng toàn diện, bền vững