Phong trào TDTT phát triển sâu, rộng
Trong những năm qua, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh phát triển rộng khắp với nhiều thành phần tham gia, hình thức luyện tập đa dạng. Nhiều địa phương trên toàn tỉnh duy trì nhiều sân chơi phong trào chất lượng, như: Các giải đấu bóng đá sân 11 người, bóng rổ, cầu lông, bóng đá thiếu niên, nhi đồng, các môn võ thuật (karatedo, taekwondo, võ cổ truyền).
Cùng với đó, các cấp các ngành của tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ cho các hoạt động TDTT. Đến nay, tỉnh đã có sân vận động, nhà thi đấu thể thao đa năng, cụm sân bóng chuyền bãi biển, Trung tâm huấn luyện và đào tạo VĐV thể thao thành tích cao. Ngoài ra, tất cả 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh (không tính huyện Trường Sa) đều có trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao. Tỷ lệ này ở cấp xã, phường, thị trấn đạt 72%; cấp thôn, tổ dân phố đạt 55%, trong đó có 331 nhà văn hóa - khu thể thao thôn đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.
Các thiết chế thể thao đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu thể thao của người dân. Nhờ đó, phong trào TDTT của tỉnh phát triển mạnh. Đến năm 2023, tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 35,9% và đạt 36,5% số gia đình thể thao; có 480 câu lạc bộ thể thao cơ sở, 15 liên đoàn, hội câu lạc bộ cấp tỉnh. Trong năm 2023, cấp tỉnh tổ chức 18 giải thể thao, cấp huyện tổ chức 126 giải và cấp xã 896 giải. Ngành Thể thao tỉnh đã đăng cai, phối hợp tổ chức thành công 20 giải thể thao quốc gia, quốc tế, trong đó có một số giải lớn như: Giải bóng rổ chuyên nghiệp VBA; bơi biển Oceanman; Golf Khánh Hòa - Nhật Bản; Golf quốc tế Vinpearl; Marathon VnExpress Maverlous Nha Trang…, thu hút hàng nghìn VĐV, du khách tham gia thi đấu, trải nghiệm, tạo bầu không khí sôi nổi, hấp dẫn.
Công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học luôn được quan tâm, đầu tư. Trong đó, ngành thể thao đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật bơi, phòng, chống đuối nước cho hàng nghìn lượt học sinh, giáo viên, hướng dẫn viên. Tính đến nay, toàn tỉnh có 35% trường học đã thành lập câu lạc bộ TDTT các môn: Cờ vua, Võ cổ truyền, Vovinam, Taekwondo, Bóng rổ, Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Aerobic.
Phong trào TDTT người cao tuổi, trong lực lượng vũ trang, người khuyết tật… luôn được duy trì, đầu tư với các hoạt động tập luyện, rèn luyện thể chất, thi đấu tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. 100% trường thực hiện chương trình ngoại khóa và có giáo viên TDTT. Công tác giáo dục thể chất được thực hiện bằng nhiều hình thức, tích hợp nhiều hoạt động; kết hợp với thăm khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc y tế ban đầu cho học sinh. 100% trường đều tổ chức hoặc tham gia các giải TDTT, Hội khỏe Phù Đổng cấp trường, cấp thành phố. Qua đó, các trường đã góp phần phát hiện, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu thể thao để bổ sung VĐV thành tích cao cho thành phố và tỉnh.
Bóng đá là một trong những môn thể thao phát triển tại Khánh Hòa
Thể thao thành tích cao của tỉnh cũng được duy trì ổn định và đạt được những kết quả khích lệ. Năm 2023, các đội tuyển thể thao tỉnh tham gia thi đấu 68 giải quốc gia và quốc tế, đạt được 249 bộ huy chương các loại; 46 VĐV được phong cấp kiện tướng, 76 VĐV đạt cấp I quốc gia; đóng góp 25 huấn luyện viên, VĐV cho đội tuyển quốc gia các môn: Điền kinh, Bóng chuyền bãi biển, Bóng chuyền trong nhà, Taekwondo, Cử tạ, Muay Thái, Thể hình và Karatedo…
Nói về những khó khăn, tồn tại trong phát triển TDTT của tỉnh trong thời gian qua, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay: "So với mặt bằng chung cả nước, phong trào thể thao tỉnh phát triển mạnh và đạt được những kết quả đáng khích lệ, thế nhưng sự phát triển này chưa đồng đều.
Cụ thể, phong trào thể thao quần chúng chủ yếu tập trung ở các xã, phường, thị trấn trung tâm của các huyện, thị xã, thành phố; cơ sở vật chất, phương tiện tập luyện TDTT ở các địa phương còn thiếu, xuống cấp… Nhiều trường học trong tỉnh thiếu đất dành cho thể thao, số câu lạc bộ, hội, nhóm TDTT thành lập ở các trường còn ít. Cùng với đó, định mức phân bổ chi sự nghiệp TDTT các địa phương, đơn vị còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển thể thao phong trào; một số liên đoàn, hội thể thao còn thụ động trong xây dựng và triển khai phát triển chuyên môn; việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo cơ chế của tỉnh đối với cán dự án xã hội hóa ngoài công lập còn khó khăn …
Phấn đấu đạt trên 39% dân số và trên 37% số hộ gia đình thể thao vào năm 2030
Để thúc đẩy TDTT tỉnh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 206 về việc thực hiện Nghị quyết số 08 và Kết luận số 70 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới.
Theo đó, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ có trên 39% dân số và trên 37% số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh tham gia tập luyện TDTT thường xuyên. Trong đó, chú trọng phát triển các môn thể thao thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng như: Cờ vua, Cầu lông, Quần vợt, Bóng bàn, Bóng đá, Bóng chuyền, Bơi, Bóng rổ, Khiêu vũ thể thao, Aerobic, Cờ tướng, Thể dục dưỡng sinh, Điền kinh (nội dung chạy Việt dã, chạy Marathon) và các môn Võ, ....
Hàng năm, tổ chức ít nhất 20 giải thể thao cấp tỉnh; mỗi huyện, thị xã, thành phố duy trì tổ chức ít nhất 12 giải thể thao cấp huyện và mỗi xã, phường, thị trấn duy trì tổ chức ít nhất 3 giải thể thao cấp xã. 100% cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh có đủ giáo viên, hướng dẫn viên và cơ sở, vật chất đảm bảo phục vụ cho hoạt động giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.
Đối với thể thao thành tích cao, tỉnh Khánh Hòa cũng đặt mục tiêu tập trung phát triển theo chiều sâu, đề cao chất lượng; chú trọng công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV trẻ để tạo nguồn ổn định, lâu dài; ưu tiên đầu tư, phát triển đối với các bộ môn thể thao trọng điểm, chủ lực, có truyền thống và thế mạnh của tỉnh, nhằm tạo sự đột phá tại các kỳ Đại hội thể thao toàn quốc,
Tổ chức các giải thể thao gắn với du lịch thể thao; phát triển các hoạt động thể thao giải trí, nhất là các hoạt động thể thao giải trí biển, thể thao hàng không, thể thao mạo hiểm góp phần thúc đẩy du lịch, dịch vụ...
4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng
Để đạt được những mục tiêu đề ra, trong thời gian tới các cấp các ngành tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách về TDTT.
Tổ chức hướng dẫn tập luyện TDTT cho mọi đối tượng đảm bảo khoa học, hiệu quả, khích lệ mọi người dân tham gia tập luyện TDTT. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; chú trọng xây dựng, ban hành cơ chế chính sách đầu tư, phát triển thiết chế, cơ sở hạ tầng; hỗ trợ pháp lý về kinh tế thể thao, tích cực vận động, thu hút, thúc đẩy xã hội hóa; bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc y tế, nhà ở, tiền lương, trợ cấp, ưu đãi khác đối với VĐV, huấn luyện viên, nhân tài trong lĩnh vực TDTT.
Khuyến khích phát triển TDTT quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người dân được quyền tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi, giải trí. Tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn phong trào thể thao quần chúng; xây dựng các công trình thể thao công cộng ở khu dân cư, lắp đặt các trang thiết bị tập luyện tại các khu vui chơi, giải trí, công viên. Quan tâm, chỉ đạo phát triển thể thao trong lực lượng vũ trang; các đối tượng trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật trong hoạt động TDTT. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và thể thao trong trường học.
Tập trung đầu tư phát triển các môn thể thao trọng điểm có khả năng đạt thành tích huy chương tại các giải thể thao quốc gia, Đại hội thể thao toàn quốc và các giải thi đấu quốc tế; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị tập luyện, thi đấu hiện đại. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, huấn luyện, thi đấu cho VĐV thành tích cao. Chú trọng việc học tập văn hóa, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, giáo dục đạo đức, ý chí, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước cho huấn luyện viên, VĐV.
Tăng cường các nguồn lực cho phát triển TDTT, đặc biệt đẩy mạnh công tác xã hội hóa ở các cấp, các ngành, các địa phương, tập trung huy động mọi nguồn lực, vận động các doanh nghiệp đầu tư, các tổ chức xã hội tham gia vào các sự kiện thể thao, công trình thể thao, các hoạt động thể thao.
Bài, ảnh: Hồng Hạnh