You must configure this module first via "Module Settings"

Phát triển TDTT trong giai đoạn mới ở huyện miền núi Sơn Hà

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, những năm qua, phong trào TDTT quần chúng ở huyện Sơn Hà – Quảng Ngãi đã có nhiều khởi sắc và có bước phát triển mạnh mẽ. Để đáp ứng yêu cầu về phát triển TDTT trong giai đoạn mới, UBND huyện đã yêu cầu quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Kết luận 70/KL-TW một cách nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, đồng bộ từ huyện đến cơ sơ; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cùng tham gia thực hiện phù hợp với yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Nhiều kết quả đáng khích lệ

Với đặc thù là huyện miền núi, Sơn Hà còn nhiều khó khăn, nhưng xác định được tầm quan trọng của công tác TDTT, các cấp chính quyền huyện đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn huyện xây dựng các tiêu chí, nội dung và phương pháp tổ chức các hoạt động TDTT thiết thực, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội cũng như nhu cầu sở thích của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.

Hàng năm, huyện đều tổ chức tốt các hoạt động TDTT quần chúng có quy mô lớn như: Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; Hội khỏe Phù Đổng các cấp và một số giải thi đấu thể thao vào các dịp lễ, tết như: giải Việt dã, giải Bóng chuyền nam, nữ; giải Cầu lông, Bóng bàn… 

Do đại đa số người dân trên địa bàn huyện là người dân tộc thiểu số (chiếm trên 87% dân số của huyện) nên ngoài việc phát triển các môn thể thao hiện đại, huyện đặc biệt chú trọng bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi vận động dân gian như: đi cà kheo, nhảy bao bố, kéo co, bắn nỏ… Theo đó, các môn thể thao dân tộc, trò chơi vận động được huyện tổ chức lồng ghép với các hoạt động văn hóa đã tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa với thể thao trên toàn địa bàn. Bên cạnh đó, Trung tâm VH-TT huyện còn duy trì tổ chức giải thi đấu thể thao dân tộc, các Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số...Những hoạt động đó đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn huyện ngày càng phát triển.

Trang thiết bị tập luyện TDTT được lắp đặt ở nhiều nơi giúp người dân trên địa bàn huyện thuận lợi trong tập luyện TDTT

Với nền tảng phát triển thể thao quần chúng, nhiều VĐV có tiềm năng đã được tuyển chọn và trở thành những đại diện của huyện tham gia các giải cấp tỉnh. Nhiều đội tuyển của huyện đã giành thành tích cao như: đội tuyển Bóng đá giành ngôi Vô địch tại Đại hội TDTT tỉnh năm 2022; đội tuyển Võ cổ truyền huyện thường xuyên tham gia các giải toàn quốc và giành nhiều thứ hạng cao.

Cùng với việc tổ chức các giải đấu, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động TDTT cũng được huyện quan tâm đầu tư. Huyện luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho TDTT thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các địa phương trên địa bàn huyện đều dành quỹ đất phù hợp cho xây dựng thiết chế văn hóa, TDTT. Hệ sống sân bãi phục vụ cho nhu cầu tập luyện và thi đấu TDTT từng bước được đầu tư xây dựng.

Hiện nay, ngoài Trung tâm VH-TT huyện còn có 02 Trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã (Sơn Thành và Sơn Hạ). Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2015-2020, huyện đầu tư cơ bản 06 sân bóng đá 11 người tại các xã: Sơn Kỳ, Sơn Bao, thị trấn Di Lăng, Sơn Thành, Sơn Hạ, Sơn Nham; 03 sân Bóng đá mi ni cỏ nhân tạo tại 2 xã: Sơn Hạ (01 sân), Di Lăng (02 sân); 4 nhà thi đấu đa năng tại các trường THCS, THPT và Tiểu học: Sơn Hà, Quang Trung, Phạm Kiệt và Di Lăng I. Bên cạnh đó, nhiều dụng cụ tập luyện thể dục ngoài trời phục vụ người dân cũng được lắp đặt ở các công viên, nơi công cộng (công viên Di Lăng, công viên mi ni xóm Bến xe, trước trường TH Di Lăng I, công viên Sơn Kỳ, công viên Sơn Thành, công viên Sơn Linh, khu thể thao Sơn Thành, khu thể thao Sơn Hạ).

Với nhiều giải pháp đồng bộ cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện được đầu tư xây dựng đã giúp cho phong trào TDTT quần chúng của huyện có những khởi sắc. Số người tập luyện TDTT thường xuyên gia tăng hàng năm trung bình ở mức 1.5%- 1.8%. Các hoạt động TDTT quần chúng diễn ra sôi nổi, thường xuyên đã, đang làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần củng cố, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó của cộng đồng dân cư. Đồng thời, giúp phát hiện các tài năng thể thao từ cơ sở bổ sung lực lượng vào các đội tuyển thể thao thành tích cao của huyện và của tỉnh.

Những mục tiêu, nhiệm vụ được đặt ra trong giai đoạn mới

Ngay khi có Kết luận 70 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới, huyện Sơn Hà đã nhanh chóng ban hành Kế hoạch 109/KH-UBND nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác TDTT trong giai đoạn mới. Các cấp, các ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ để cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của huyện, các địa phương và các đơn vị trong huyện.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn cũng như tiềm năng phát triển, Sơn Hà đặt mục tiêu đến năm 2025, số người tập luyện TDTT thường xuyên trên địa bàn huyện đạt 50%, số hộ gia đình thể thao đạt tỷ lệ 40%. Ngoài việc duy trì tổ chức các giải thể thao quần chúng trong dịp lễ, tết, huyện còn đẩy mạnh công tác phối hợp với các đơn vị như: Hội nông dân, Liên đoàn Lao động, Hội liên hiệp phụ nữ… tổ chức các giải thể thao mở rộng (dự kiến bình quân tổ chức được 06 giải thể thao/năm).

Bên cạnh đó, không ngừng chăm lo, phát triển công tác giáo dục thể chất và các hoạt động TDTT trong trường học. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của đông đảo nhân dân, huyện đặt mục tiêu phấn đấu 100% trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp thực hiện đầy đủ nội dung, chương trình môn học giáo dục thể chất của từng cấp học. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 70% trường tiểu học, trường THCS và 100% trường THPT có sân tập đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Cùng với đó, công tác TDTT trong lực lượng vũ trang được đảm bảo, với 98% chiến sĩ kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực; 100% đơn vị làm tốt công tác kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; 90% cán bộ chiến sĩ biết bơi…

Ngoài việc chú trọng phát triển phong trào TDTT quần chúng, huyện cũng đặt ra yêu cầu phát triển các môn thể thao thành tích cao, trong đó tập trung phát triển 2 nhóm môn thể thao trọng điểm: Nhóm 1: là những môn có thứ hạng ở các giải thi đấu cấp tỉnh như: Bóng đá, Võ thuật, Bóng chuyền,... và Nhóm 2: Cầu lông, Bóng bàn, Điền kinh,… - đây là những môn có phong trào phát triển rộng, cần thiết đào tạo.

Để hoàn thành những mục tiêu trên, UBND huyện cũng đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển TDTT trong giai đoạn mới; đẩy mạnh sắp xếp, chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập TDTT theo hướng tự chủ, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ và kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực TDTT. Triển khai cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực TDTT; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình thể thao, tổ chức các sự kiện thể thao. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển TDTT cho mọi người và thể thao thành tích cao; tăng cường nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật thể thao; đẩy mạnh xã hội hóa; phát huy năng lực của các CLB, hội nhóm thể thao, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Bài, ảnh KH

Ảnh trong bài
  • Phát triển TDTT trong giai đoạn mới ở huyện miền núi Sơn Hà