TDTT phát triển nhưng chưa đồng đều
Trong những năm qua, công tác TDTT của tỉnh Bắc Giang đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thu hút được đông đảo người dân thuộc nhiều tầng lớp và độ tuổi tham gia. Điểm nhấn là cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” luôn nhận được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Bắc Giang tập trung phát triển TDTT theo Kết luận 70/KL-TW
Với những hoạt động phong phú, đa dạng, phong trào TDTT quần chúng đã lan tỏa tới khắp các khu dân cư từ thành thị đến nông thôn, từ khối các cơ quan nhà nước tới trường học, hộ gia đình... Hàng năm, ngành TDTT tỉnh duy trì tổ chức các giải thi đấu thể thao từ cấp tỉnh đến cơ sở. Các giải thi đấu thể thao không chỉ là sân chơi bổ ích cho các VĐV mà còn là món ăn tinh thần được đông đảo nhân dân đón xem, cổ vũ.
Theo Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang, đến nay toàn tỉnh có 38,5% số người tập TDTT thường xuyên; gần 56000 gia đình thể thao; trên 2.700 CLB thể thao.
Thể thao thành tích cao của tỉnh có bước phát triển tiến bộ. Công tác đào tạo VĐV được hình thành ổn định theo 3 tuyến: năng khiếu, đội tuyển trẻ và đội tuyển (khoảng 400 VĐV). Thành tích thi đấu, số huy chương đạt được trong các giải quốc gia, khu vực, quốc tế của thể thao Bắc Giang năm sau đều cao hơn năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bắc Giang đã đăng cai tổ chức 06 giải thể thao quốc gia, tổ chức 10 giải thể thao cấp tỉnh và nhiều hoạt động thể thao khác. Phong trào TDTT quần chúng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Thể thao thành tích cao tiếp tục duy trì và phát triển, trong đó đoàn VĐV Bắc Giang tham gia thi đấu 25 giải quốc gia, 03 quốc tế, giành được 123 Huy chương các loại (24 HCV, 38 HCB, 61 HCĐ), có 36 lượt VĐV đạt kiện tướng, 64 lượt VĐV đạt cấp 1 quốc gia.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, phong trào TDTT quần chúng vẫn còn những tồn tại như phát triển chưa đồng đều; thiếu điều kiện về sân bãi, trang thiết bị phục vụ tập luyện nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi; sự chênh lệch về hưởng thụ giá trị, lợi ích từ hoạt động TDTT có khác biệt lớn giữa các vùng miền và tầng lớp, đối tượng nhân dân...
Đảm bảo 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện Kết luận 70/KL-TW
Trước thực trạng đó, Bắc Giang đã ban hành kế hoạch số 144 về việc triển khai thực hiện Kết luận 70 của Bộ Chính trị với những mục tiêu, giải pháp phù hợp.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, phong trào thể thao quần chúng, tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 40%. Tỷ lệ hộ gia đình tập luyện TDTT phấn đấu đạt 23%; 100% đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố, trên 98% đơn vị cấp xã, phường, thị trấn tổ chức Đại hội TDTT định kỳ; trên 85% đơn vị cấp xã tổ chức Tháng hoạt động TDTT cho quần chúng và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân hằng năm. 100% các trường học có ít nhất 01 CLB thể thao, hoạt động TDTT ngoại khóa được duy trì hoạt động thường xuyên; phấn đấu trên 85% học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể và tiêu chuẩn đánh giá xếp loại thể lực của học sinh, sinh viên hằng năm.
Về thể thao thành tích cao, hằng năm tham gia thi đấu giành từ 220 - 250 huy chương các loại, trong đó có 08-10 huy chương quốc tế; đóng góp từ 20-25 VĐV vào các đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia, có từ 70 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ XI năm 2030 phấn đấu xếp trong tốp 15 tỉnh, thành phố và ngành toàn quốc về tổng sắp huy chương và xếp thứ nhất các tỉnh miền núi.
Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra, kế hoạch xác định rõ 5 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp đối với công tác phát triển TDTT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển TDTT; khuyến khích phát triển TDTT quần chúng; quan tâm phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao và tăng cường các nguồn lực cho sự nghiệp phát triển TDTT.
Ngành TDTT tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện tốt cơ chế chính sách về TDTT đã ban hành; rà soát, kịp thời xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền thuộc lĩnh vực TDTT phù hợp với điều kiện của địa phương. Quan tâm các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với HLV, VĐV nhất là những VĐV tài năng thể thao thành tích cao. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, lãnh đạo, người trực tiếp làm công tác TDTT. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Cùng với đó, đổi mới công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học gắn với mục tiêu giáo dục phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, sức khỏe, văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.Tập trung phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao, chú trọng công tác tuyển chọn đào tạo VĐV thể thao; tập trung đào tạo các môn thể thao trọng điểm, mũi nhọn của tỉnh…
Tỉnh cũng quan tâm bố trí hợp lý nguồn lực nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư vào các thiết chế, cơ sở hạ tầng, công trình TDTT và công tác đào tạo, huấn luyện, thi đấu thể thao đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp TDTT của tỉnh; tăng cường đầu tư mua sắm trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng yêu cầu phục vụ cho công tác huấn luyện Thể thao thành tích cao; phát triển thị trường thể thao, thúc đẩy hợp tác công – tư; khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, tham gia các giải thể thao
Ban cán sự Đảng, UBDN tỉnh và lãnh đạo UBND tỉnh phải chỉ đạo cụ cụ thể việc triển khai kế hoạch; nghiên cứu lồng ghép phân bổ nguồn lực phù hợp để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển TDTT trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh hàng năm và các giai đoạn; tăng cường công tác quản lý nhà nước về TDTT; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về phát triển TDTT trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia tập luyện TDTT, rèn luyện sức khỏe. Tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội về các chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển TDTT.
Bài, ảnh HP