Những chỉ tiêu phấn đấu
Để phong trào TDTT của huyện tiếp tục phát triển ổn định và đạt được những mục tiêu cụ thể, huyện Bình Sơn đã ban hành Kế hoạch số 169 – UBND về việc triển khai thực hiện Kết luận 70-KL/TW về phát triển TDTT trên địa bàn huyện. Theo đó, kế hoạch được triển khai nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của TDTT trong giai đoạn mới hiện nay. Đây cũng là bước cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của huyện, các địa phương và các đơn vị trong huyện; xác định nội dung, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kết luận 70 và Công văn số 2032-CV/TU ngày 04/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 02/5/2024 của UBND tỉnh.
Phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia
Yêu cầu được huyện đặt ra là việc thực hiện phải đạt tính hiệu quả, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Huyện tăng cường huy động sự vào cuộc, tham gia thực hiện của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Theo Kế hoạch, ra các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể đã được đưa ra như: số người tập luyện TDTT thường xuyên đến năm 2025 đạt khoảng 62.500 người, đạt 35%; số gia đình tập luyện TDTT đạt tỷ lệ trên 28%; đến năm 2030, số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt trên 40%, số gia đình tập luyện TDTT đạt tỷ lệ trên 32%.
Cùng với TDTT phong trào, Bình Sơn cũng tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất và hoạt động TDTT trong học đường. Trong đó, bảo đảm 100% trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp thực hiện đầy đủ, có hiệu quả nội dung, chương trình môn học giáo dục thể chất. Bảo đảm 100% học sinh thường xuyên tham gia tập luyện TDTT và đạt tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại thể lực theo độ tuổi. Đa dạng hóa hình thức tổ chức hoạt động thể thao trường học, phát triển các CLB, các môn thể thao. Hoàn thiện hệ thống thi đấu thể thao, trong đó chú trọng ở cấp cơ sở, thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Để đạt được các chỉ tiêu về giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học, Bình Sơn chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học môn giáo dục thể chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, huyện đặt mục tiêu phấn đấu 100% các cơ sở giáo dục phổ thông có đủ giáo viên TDTT theo quy định.
Với lực lượng vũ trang và Công an Nhân dân, toàn bộ các đơn vị đều phải tổ chức các hoạt động TDTT thường xuyên; thực hiện đủ chương trình rèn luyện thân thể cán bộ, chiến sĩ theo quy định. Đảm bảo 100% đơn vị làm tốt công tác kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thân thể và trên 97% cán bộ, chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực đến năm 2025.
Cùng với các hoạt động trên, huyện cũng từng bước hoàn thiện và nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Phấn đấu đến năm 2035, toàn bộ xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có thiết chế văn hóa, thể thao. Tại các thiết chế văn hóa, thể thao đó, sẽ từng bướctrang bị các dụng cụ tập luyện TDTT từ đơn giản nhất nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao của nhân dân trong địa bàn.
Nhiều giải pháp đồng bộ sẽ được triển khai
Để đạt được những con số như trên, Bình Sơn đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó có việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về phát triển TDTT trong giai đoạn mới; vận động các tầng lớp người dân tham gia tập luyện TDTT; các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh cần tích cực vận động thành viên, đoàn viên, hội viên tham gia tập luyện TDTT gắn với các Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”.
Cùng với đó, các ngành chức năng trong thời gian tới cần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý nhà nước về phát triển sự nghiệp TDTT. trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển TDTT quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người dân được quyền tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi, giải trí; tăng cường xây dựng các công trình thể thao công cộng ở khu dân cư, lắp đặt các trang thiết bị tập luyện tại các khu vui chơi, giải trí, công viên; quan tâm, chỉ đạo phát triển thể thao dân tộc, thể thao giải trí, thể thao quốc phòng, các đối tượng trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật… trong hoạt động thể thao.
Tăng cường triển khai cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực TDTT; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình thể thao, tổ chức các sự kiện thể thao.
Các đơn vị trường học trong tỉnh cũng cần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường thông qua việc đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy; gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống cho học sinh nhằm phát triển thể chất, rèn luyện bản lĩnh, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật trong thanh, thiếu niên.
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển môn Bơi, Võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc. Tổ chức phổ cập dạy và học bơi trong các cơ sở giáo dục phổ thông, từng bước triển khai trong các cơ sở giáo dục mầm non, chú trọng các vùng ven biển, vùng có nhiều sông, hồ, suối, kênh…; phát triển các loại hình CLB TDTT trong trường học.
Phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang tinh nhuệ, hiện đại, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung tăng cường nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật thể thao. Phát huy vai trò, năng lực của CLB TDTT; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức này để phát huy vai trò tích cực trong sự nghiệp phát triển TDTT của huyện trong giai đoạn mới. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế thể thao, tổ chức các dịch vụ TDTT, bộ thể thao chuyên nghiệp và tổ chức các giải thể thao chuyên nghiệp.
Trong thời gian tới, UBND ngay từ cấp xã cũng cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất cần thiết và hỗ trợ tổ chức hoạt động cho các CLB TDTT; đảm bảo các hoạt động thể thao được tổ chức trong một môi trường an toàn và lành mạnh; phối hợp tổ chức các sự kiện và hoạt động thể thao cộng đồng nhằm thúc đẩy tinh thần đoàn kết và sự tham gia của người dân trong các CLB TDTT; thiết lập các hệ thống theo dõi và đánh giá để đo lường hiệu quả hoạt động của các CLB TDTT và từ đó có những điều chỉnh và cải thiện phù hợp. Khi trách nhiệm của UBND cấp xã được phát huy sẽ có đóng góp tích cực vào việc xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh và phát triển bền vững thông qua các hoạt động thể thao.
Bài, ảnh KH