You must configure this module first via "Module Settings"

Thể thao Kiên Giang tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 70-KL/TW của Bộ chính trị

Những năm gần đây, ngành Thể dục Thể thao (TDTT) Kiên Giang đã có nhiều chuyển biến rõ nét cả về thể thao phong trào lẫn thể thao thành tích cao. Hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực; hệ thống cơ sở vật chất, công tác xã hội hóa hoạt động TDTT có những bước phát triển góp phần tăng cường sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Để hoạt động TDTT tiếp tục phát triển sâu rộng, Kiên Giang đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV. Mới đây, tỉnh đã ban hành Kế hoạch 237-KH/TU nhằm thực hiện Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị  về phát triển TDTT trong giai đoạn mới.

Đổi mới hoạt động quản lý nhà nước về TDTT

Mục đích của kế hoạch 237-KH/TU là nhằm hướng đến việc nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, Đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của TDTT trong việc nâng cao sức khỏe, thể lực, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội nói chung của tỉnh. Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của nhà nước về TDTT. Lấy phong trào TDTT quần chúng làm nền tảng để phát triển thể thao thành tích cao; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội để phát triển TDTT.

Theo đó, kế hoạch tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp chính như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước đối với sự nghiệp phát triển TDTT. Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về TDTT vào trong Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cấp ủy và UBND các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu các địa phương, cơ quan trong tỉnh triển khai lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển và các hoạt động TDTT vào chương trình, kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện. 

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa là củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn về TDTT từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh; nâng cao hiệu quả sử sụng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực TDTT; triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách đầu tư phát triển thiết chế, cơ sở vật chất TDTT; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người trực tiếp làm công tác TDTT; triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc y tế, nhà ở, tiền lương, trợ cấp, ưu đãi đối với VĐV, HLV từ tuyến năng khiếu đến tuyến tỉnh.

Hoạt động thể thao phong trào phát triển rộng khắp (Ảnh: Sở VHTTDL Kiên Giang)

Bên cạnh đó, ngành TDTT tỉnh tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả “Kế hoạch phát triển thể lực, tầm vóc của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025 – 2030” phù hợp với điều kiện thực tế. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ số trong sự nghiệp TDTT, mở rộng hợp tác, giao lưu trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Kiên Giang đến cộng đồng trong và ngoài nước.

Song song đó là chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến về kiến thức, kỹ năng, lợi ích của hoạt động thể chất, rèn luyện thân thể trong nhân dân. Đồng thời, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, Đảng viên tham gia tập luyện TDTT. Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, cá nhân trong việc tham gia luyện tập TDTT gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”….

Lấy TDTT quần chúng làm nền tảng phát triển...

Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động TDTT quần chúng là xu hướng tất yếu mang tính toàn diện trong chiến lược phát triển TDTT của tỉnh Kiên Giang đến năm 2030. Đồng thời cũng là nhiệm vụ quan trọng mà ngành TDTT tỉnh hướng tới nhằm thực hiện có hiệu quả Kết luận số 70 của Bộ Chính trị.

Trên cơ sở đó, theo định kỳ hàng năm, ngành Văn hóa và Thể thao từ tỉnh đến các huyện, thành phố chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đồng loạt tổ chức các hoạt động TDTT, sự kiện, hội thi văn nghệ - thể thao, hội thao, ngày hội, giải đấu thể thao mừng Đảng, mừng Xuân; hưởng ứng kỷ niệm các ngày lễ lớn; Tháng hoạt động TDTT cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; Lễ khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em và phát động toàn dân tập luyện môn Bơi, phòng, chống đuối nước; hưởng ứng Ngày quốc tế Yoga…

Nhiều giải thể thao quần chúng được nhân dân yêu thích cũng đang phát triển nở rộ như: Phong trào chạy bộ, đi bộ, Yoga, thể dục dưỡng sinh, các môn võ thuật (Vovinam, Karate, Taekwondo, Võ cổ truyền), Bóng chuyền hơi, Bóng đá mini, Cầu lông, Đá cầu, Xe đạp… Với ưu điểm ít tốn kém về đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi, trang thiết bị, phù hợp với nhiều đối tượng nên nhiều người tự chọn cho mình một môn thể dục hoặc thể thao phù hợp để tập luyện thường xuyên, đúng cách nhằm tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật.

Theo số liệu thống kê mới nhất, số người tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh hiện đạt 34%; tỷ lệ học sinh, sinh viên hàng năm đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt 100%; toàn tỉnh có 1.011 giáo viên giáo dục thể chất đạt trình độ đào tạo bài bản, trong đó có 16 thạc sĩ, 744 cử nhân.

Bên cạnh việc tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động TDTT quần chúng, hình thành thói quen tập luyện TDTT thường xuyên của nhân dân, trong Kế hoạch 237-KH/TU của tỉnh cũng đã nhấn mạnh đến việc: duy trì, phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian nhằm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong hoạt động TDTT. Đẩy mạnh phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ TDTT, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng tổ chức TDTT cơ sở...

Tiếp tục phát triển Thể thao trường học, tạo nền tảng để phát hiện tài năng trẻ cho Thể thao tỉnh và thể thao nước nhà. Để làm tốt việc này, ngành TDTT tỉnh Kiên Giang xác định phải tập trung huy động nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện TDTT trong các trường học, nhất là các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Có chính sách đãi ngộ hợp lý để phát huy năng lực đội ngũ giáo viên TDTT, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên cho trường học.

Nâng cao chất lượng đào tạo VĐV  thể thao đỉnh cao

Hiện nay Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh đang đào tạo, bồi dưỡng cho 23 đội tuyển năng khiếu, đội tuyển trẻ và đội tuyển tỉnh với 188 VĐV ở 12 môn thể thao, gồm: Điền kinh, Cờ vua, Quần vợt, Cử tạ, Bắn cung, Bóng chuyền bãi biển, Vovinam, Karate, Canoeing, Bóng đá, Bóng chuyền nam, Bơi lội.

Được biết, từ nay tới cuối năm 2024, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác liên kết tuyển chọn và huấn luyện, củng cố, bổ sung VĐV nhằm nâng cao chất lượng và thành tích của thể thao Kiên Giang tại các giải đấu trong nước và quốc tế.

Ngoài các môn tập trung đào tạo, huấn luyện tại địa phương, ngành TDTT tỉnh chỉ đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh tiếp tục liên kết với Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Cần Thơ đào tạo 3 môn: Cử tạ, Bắn cung, Bóng chuyền bãi biển; với Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo 2 môn Karate và Điền kinh; với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng đào tạo môn đua thuyền Canoeing; với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đào tạo môn Vovinam. Đây là cơ sở, cơ hội để VĐV tỉnh Kiên Giang được học hỏi, tiếp cận với đội ngũ huấn luyện, môi trường tập luyện chuyên nghiệp mang tầm quốc gia.

Các VĐV được gửi tập huấn tại các tỉnh sẽ được tạo điều kiện về địa phương tham gia thi đấu các giải thể thao trong nước và quốc tế mà tỉnh tham gia;  được tạo điều kiện học tập văn hóa; các HLV được đảm bảo điều kiện về chỗ ăn, nghỉ, tập luyện… Bên cạnh đó, tỉnh cũng tham gia hỗ trợ về công tác trọng tài, điều hành thi đấu các giải thể thao ở các địa phương; trao đổi tài liệu, văn bản quản lý nhà nước, huấn luyện chuyên môn, chương trình, đề án… về TDTT với các Trung tâm các tỉnh. 

Ngoài ra, các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia cũng hỗ trợ rất nhiều cho ngành TDTT tỉnh Kiên Giang trong việc hợp tác quốc tế, đào tạo, tập huấn, chuyển nhượng VĐV ở một số môn thể thao (nếu có); mở lớp đào tạo chuyên môn, đặc biệt là đào tạo ngắn hạn bồi dưỡng kiến thức cho HLV, trọng tài… về công tác xây dựng kế hoạch tuyển chọn, huấn luyện VĐV và tổ chức các giải thể thao;triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên lĩnh vực quản lý huấn luyện; thực hiện huấn luyện các kỹ năng chuyên môn thuộc lĩnh vực thể thao thành tích cao; phối hợp tuyên truyền, giáo dục cho lực lượng cán bộ quản lý, bác sĩ (hoặc nhân viên y tế), HLV, VĐV về công tác phòng, chống Doping…

Điểm đáng chú ý trong kế hoạch 237-KH/TU nhằm thực hiện có hiệu quả Kết luận số 70-KL/TW của tỉnh Kiên Giang đó là tỉnh đã nêu cao vai trò của việc tăng cường các nguồn lực cho sự nghiệp TDTT. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế thể thao, thúc đẩy hợp tác công-tư, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, tham gia tổ chức thi đấu đào tạo VĐV, HLV, trọng tài và cung cấo các dịch vụ TDTT. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án liên doanh, liên kết, cho thuê đối với các cơ sở thể thao công lập theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập, hoạt động của các Liên đoàn, Hiệp hội TDTT, từng bước thúc đẩy phát triển đa dạng, nâng cao chất lượng các môn TDTT trên địa bàn tỉnh.

N.H

Ảnh trong bài
  • Thể thao Kiên Giang tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 70-KL/TW của Bộ chính trị