Trong những năm qua, nhờ triển khai nhiều chính sách đồng bộ trong phát triển thể thao, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết số 08, thể thao tỉnh Cao Bằng đã ghi dấu ấn trên chặng đường phát triển cả về thể thao quần chúng lẫn thể thao thành tích cao.
Hệ thống thiết chế thể thao tiếp tục được đầu tư củng cố; các cơ sở hoạt động, kinh doanh về lĩnh vực thể thao như: bể bơi, phòng tập thể hình, sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân quần vợt… phục vụ tốt nhu cầu rèn luyện sức khỏe, vui chơi, giải trí và thi đấu thể thao của người dân. Sự chung tay của một số tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong thực hiện xã hội hóa TDTT góp thêm nguồn lực quan trọng vào phát triển phong trào TDTT quần chúng. Tỉnh tổ chức thường niên nhiều giải thể thao phong trào có quy mô, cơ cấu giải thưởng, chất lượng và tính chuyên nghiệp ngày càng cao.
Cùng với thể thao hiện đại, nhiều địa phương khơi dậy và phát huy tốt các môn thể thao dân tộc như: tung còn, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, lày cỏ… Hoạt động giáo dục thể chất chính khóa và ngoại khóa trong các trường học có nhiều chuyển biến; nội dung, phương pháp giảng dạy được đổi mới theo hướng sáng tạo, thiết thực, hiệu quả. Phong trào TDTT tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh được quan tâm, tạo điều kiện phát triển với nhiều hoạt động phong phú về nội dung lẫn hình thức.
Các hoạt động luyện tập TDTT thường xuyên phong phú, đa dạng, góp phần đẩy mạnh phong trào TDTT nâng cao sức khỏe trong quần chúng nhân dân, nhiều hoạt động TDTT được tổ chức với quy mô lớn. Tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 30%, gia đình thể thao đạt 20%.
Kéo co là môn thể thao thường xuyên được tổ chức ở các Hội thao
Công tác đào tạo huấn luyện VĐV thể thao thành tích cao được quan tâm, chú trọng. Trung tâm Đào tạo, thi đấu Thể thao và Nghệ thuật tỉnh duy trì đào tạo 225 VĐV thể thao thành tích cao của 3 tuyến (đội tuyển tỉnh, đội tuyển trẻ tỉnh, đội tuyển năng khiếu tỉnh) ở 26 đội tuyển của 14 môn thể thao: khiêu vũ thể thao, điền kinh, bóng rổ, cầu lông, Pencak Silat, võ Muay, Kick Boxing, Boxing, quần vợt, cờ vua, Wushu, Karate, bóng bàn, Jujitsu. Các đội tuyển của tỉnh tham dự nhiều giải khu vực và đạt thành tích cao, vượt xa so với kế hoạch đề ra.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ngọc Văn Chắn, trong những năm qua phong trào TDTT tỉnh Cao Bằng từng bước phát triển sâu rộng, các hoạt động diễn ra bám sát theo các chỉ tiêu, kế hoạch nhiệm vụ đề ra. Nhằm tạo sức bật cho thể thao tỉnh nhà, ngành VHTTDL tỉnh chú trọng phát triển những môn thể thao mũi nhọn, quần chúng, dân tộc, học đường, phát hiện tài năng trẻ, đồng thời tích cực huy động, kêu gọi nguồn xã hội hóa để phát triển các đội tuyển thể thao thành tích cao. Bên cạnh việc huy động được sức mạnh toàn dân nâng cao phong trào luyện tập TDTT, thông qua các giải thể thao, góp phần quảng bá, giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử và tiềm năng phát triển thể thao, du lịch của tỉnh nhà.
Trong giai đoan tới, đặc biệt là triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới, tỉnh Cao Bằng đã ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai với những mục tiêu và giải pháp cụ thể. Đây được xác định là một nội dung quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà tỉnh Cao Bằng hướng đến là tập trung nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ của người dân. Xây dựng thói quen rèn luyện thân thể của mỗi cộng đồng, từng gia đình và mọi người dân trong tỉnh thông qua các hoạt động TDTT; từng bước nâng cao tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên, tỷ lệ gia đình thể thao; nâng cao thành tích thể thao, phấn đấu đạt vị trí cao ở khu vực miền núi phía Bắc và toàn quốc ở những môn thể thao có thế mạnh. Đổi mới phương thức hoạt động TDTT; đẩy mạnh xã hội hóa TDTT, phát triển thể thao chuyên nghiệp và kinh tế thể thao.
Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới tỉnh Cao Bằng sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách về TDTT; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về TDTT; phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao; tăng cường các nguồn lực cho phát triển TDTT.
Đồng thời, mở rộng mối quan hệ với các địa phương trong nước, các Trung tâm thể thao quốc gia, Trường Đại học TDTT để giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất, sân bãi, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, công tác đào tạo VĐV, huấn luyện viên, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực đào tạo và công tác tuyển chọn VĐV năng khiếu; tổ chức các hoạt động thể thao gắn với phát triển du lịch - dịch vụ, phát triển kinh tế cửa khẩu, các chương trình mục tiêu quốc gia; triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy, các Kế hoạch đã được UBND tỉnh ban hành để tiếp tục phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới.
Mục tiêu phát triển TDTT tỉnh Cao Bằng trong giai đoạn 2024-2035:
- Số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt tỷ lệ trên 35% dân số của tỉnh; số gia đình luyện tập TDTT đạt tỷ lệ trên 25% . Có ít nhất 03 VĐV được triệu tập vào đội tuyển quốc gia tham gia thi đấu tại Đại hội thể thao Đông Nam Á, Châu Á và thế giới. Đào tạo hơn 500 VĐV thể thao đội tuyển tỉnh, đội tuyển trẻ tỉnh, đội tuyển năng khiếu tỉnh; số lượng huấn luyện viên đạt chuẩn quốc gia đạt trên 85%; tham gia từ 15 giải thể thao cấp quốc gia trở lên; có từ 15 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia trở lên; đạt trên 100 huy chương các loại cấp quốc gia.
-100% học sinh, sinh viên thường xuyên tham gia tập luyện TDTT và đạt tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại thể lực theo độ tuổi. Phấn đấu có trên 90% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có câu lạc bộ TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên TDTT, thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa. Đảm bảo 100% trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và các trường cao đẳng, trung cấp thực hiện đầy đủ, có hiệu quả nội dung, chương trình môn học giáo dục thể chất. Các nhà trường có trách nhiệm tổ chức thi đấu thể thao ít nhất một lần trong mỗi năm học.
-100% các đơn vị trong lục lượng vũ trang tổ chức các hoạt động TDTT thường xuyên. Tỷ lệ đơn vị thực hiện đủ chương trình rèn luyện thân thể cán bộ, chiến sỹ theo quy định đạt trên 98%. Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định đạt trên 97%. Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ rèn luyện TDTT thường xuyên đạt trên 98%. Đảm bảo 100% các đơn vị, cán bộ chiến sỹ tham gia kiểm tra rèn luyện thể lực hằng năm theo quy định. Hằng năm Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh phấn đấu mỗi đơn vị tổ chức từ 03 hoạt động thể dục thể thao trở lên.
|
Bài, ảnh: Hồng Hạnh