Từng bước nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ Thể thao từ nguồn kinh phí xã hội hóa
Cũng như nhiều tỉnh khác, nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các hoạt động thể thao Tuyên Quang còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã cùng nhau chung tay chung sức để từng bước nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện TDTT phục vụ nhu cầu tập luyện của người dân cũng như công tác huấn luyện cho các VĐV thành tích cao của tỉnh.
Chính sự chung sức chung lòng đó đã mang đến cho Thể thao Thành Tuyên diện mạo mới. Số lượng chất lượng các sân chơi thể thao được xây dựng từ nguồn xã hội hóa ngày càng tăng nhanh. Theo thống kê, toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 2.995 công trình thể thao đang sử dụng cho hoạt động TDTT trên địa bàn, trong đó có 41 nhà tập luyện, thi đấu thể thao, 1.387 sân Bóng chuyền, 280 sân Bóng đá mini, 596 sân Cầu lông, 29 sân Quần vợt, 32 bể bơi, 391 SVĐ không có khán đài và 239 sân chơi, bãi tập khác.
Hệ thống cơ sở vật chất Thể thao phát triển đồng bộ đã đáp ứng được nhu cầu luyện tập Thể thao của nhân dân trong tỉnh.
Một minh chứng tiêu biểu cho thấy hiệu quả của công tác xã hội hóa là Trung tâm vui chơi thể thao Thành Tuyên (FMC Sports) xã Lưỡng Vượng - thành phố Tuyên Quang do Công ty cổ phần lâm sản và khoáng sản Tuyên Quang đầu tư xây dựng. Trung tâm này có tổng diện tích gần 15.000m2, gồm có sân bóng nhân tạo, bể bơi,... Mỗi ngày tại sân đều diễn ra từ 4 đến 5 trận thi đấu Bóng đá; các bể bơi luôn đông kín người trong những ngày hè…
Hay như bể bơi Phúc Bảo tại thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) luôn có khoảng 100 người tham gia tập luyện. Bể bơi được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2017, với diện tích 750m2, vốn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Bể đảm bảo 6 làn bơi đủ tiêu chuẩn thi đấu, có 1 bể bơi phụ với đầy đủ nhà phao, cầu trượt dành cho trẻ em học bơi...
Theo ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: công tác xã hội hóa TDTT thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều giải thi đấu thể thao cấp tỉnh và cấp huyện được các doanh nghiệp tài trợ đã làm tăng tính hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tới xem và cổ vũ. Nhiều cá nhân và doanh nghiệp cũng chủ động đầu tư xây dựng sân bãi với quy mô từ lớn đến nhỏ, tập trung vào sân Bóng đá mini cỏ nhân tạo, bể bơi, phòng tập thẩm mỹ - thể hình, phòng tập võ…góp phần thúc đẩy phong trào thể thao trong tỉnh phát triển.
Bóng chuyền là môn thể thao thu hút đông đảo người dân tham gia tại tỉnh Tuyên Quang
Nhờ có nguồn kinh phí xã hội hóa mà hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện thể thao được nâng lên đáng kể, đây chính là tiền đề để thu hút ngày càng đông người dân tham gia tập luyện thường xuyên. Đến nay, toàn tỉnh đạt 33% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên. Các môn thể thao được đông đảo người dân lựa chọn tham gia tập luyện là: Chạy, Đi bộ, Thể dục dưỡng sinh, Cầu lông, Cờ tướng, Võ thuật, Bóng đá, Bóng chuyền.... Nhiều CLB còn có người hướng dẫn như CLB sức khỏe ngoài trời, CLB Cầu lông, Bóng bàn, Bóng chuyền...
Hàng năm, ngành thể thao tỉnh còn phối hợp với các đơn vị tổ chức các giải thể thao quần chúng; tổ chức lồng ghép thi đấu các môn TDTT vào các hoạt động, sự kiện lớn của tỉnh. Hiện nay, mỗi năm tỉnh có trên 200 giải Thể thao quần chúng được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh tổ chức, thu hút đông đảo người dân tham gia góp phần lan tỏa cuộc vận động “ Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trên toàn tỉnh.
Không chỉ phát triển phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao tỉnh Tuyên Quang cũng có những bước phát triển lớn mạnh. Hiện tại, Tuyên Quang đang tập trung đào tạo 7 môn Thể thao trọng điểm gồm: Bóng đá, Wushu, Muay, Pencak Silat, Đua thuyền, Vật, Võ cổ truyền.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: 10 năm trở lại đây, các VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh đã vượt qua các đối thủ “nặng ký” và mang về những tấm HCV tại các giải đấu lớn. Có thể khẳng định, thể thao Tuyên Quang đang có những bước phát triển mang tính đột phá, từng bước khẳng định vị thế của mình.
Phát triển Thể thao trong giai đoạn mới theo Kết luận 70-KL/TW
Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng thể thao tỉnh Tuyên Quang xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển Thể thao trong giai đoạn mới theo Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, các cấp, các ngành trong tỉnh đã họp bàn nhằm xây dựng những giải pháp để có thể đưa thể thao tỉnh phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Mục tiêu tiên quyết mà tỉnh đặt ra là tập trung phát triển song song: vừa phát triển TDTT quần chúng vừa nâng cao thành tích của Thể thao đỉnh cao.
Để đạt được mục tiêu này, theo kế hoạch, tỉnh sẽ tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, Chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển TDTT trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về TDTT trong Nghị quyết, Chiến lược, Quy hoạch, Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh phát triển điều kiện cơ sở vật chất là một trong những giải pháp phát triển của thể thao tỉnh Tuyên Quang
Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Đề án phát triển phong trào TDTT quần chúng, Đề án phát triển Thể thao thành tích cao tỉnh, Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030... Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển thiết chế thể thao; bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với HLV, VĐV, nhân tài trong lĩnh vực Thể thao; tạo cơ hội cho người dân được quyền tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu Thể thao để nâng cao sức khỏe, phát triển phong trào TDTT người cao tuổi, người khuyết tật...; bảo tồn và phát triển các môn Thể thao dân tộc; nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và Thể thao trường học, thể thao trong lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo VĐV và thành tích thi đấu thể thao đỉnh cao của tỉnh. Đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Chú trọng việc học tập văn hóa, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, giáo dục đạo đức, ý chí, lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước cho HLV, VĐV; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, y học thể thao trong tuyển chọn, đào tạo VĐV thể thao thành tích cao.
Và để làm được điều này, công tác xã hội hóa tiếp tục đóng vai trò then chốt. Tỉnh sẽ tích cực vận động, tạo cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp TDTT của tỉnh.
Bài, ảnh: MH