Bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về TDTT
Thực hiện các chủ trương,chính sách của Đảng, Nhà nước về TDTT, trong đó đặc biệt là Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị và gần đây nhất là Kết luận 70-KL/TW về phát triển TDTT trong giai đoạn mới. Chính quyền, ngành TDTT tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền, các điều kiện về hạ tầng cơ sở vật chất và yếu tố nguồn nhân lực làm công tác TDTT có trình độ chuyên môn… Qua đó, từng bước đưa các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước về TDTT đi vào cuộc sống.
Với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như cách thức tổ chức đa dạng, phù hợp. Không chỉ chú trọng phát triển các môn thể thao hiện đại, phổ biến như: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông,... các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được bảo tồn và phát triển như: Đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, tung còn...Các hoạt động thi đấu thể thao quần chúng được tổ chức lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh luôn diễn ra sôi nổi, hấp dẫn và nhận được sự quan tâm, hưởng ức tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển
Nhiều hoạt động TDTT có quy mô lớn thu hút hàng ngàn đến vài ngàn người tham dự như Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, Đại hội TDTT các cấp, Hội khỏe Phù Đổng…
Một trong những điểm nhấn trong phong trào TDTT quần chúng đó là việc triển khai thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với các phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới,…đã có sức lan tỏa rộng rãi trong nhân dân, từ thành thị đến nông thôn và vùng sâu, vùng xa.
Đến nay, toàn tỉnh đạt 43% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, số gia đình thể thao ngày một nâng lên, Số CLB TDTT, đội nhóm tập luyện TDTT gia tăng mạnh hàng năm. Hiện toàn tỉnh có trên 550 CLB, 1 liên đoàn thể thao, 48 hội thể thao cấp huyện duy trì hoạt động có hiệu quả
Chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng về TDTT
Mặc dù nguồn kinh phí dành cho TDTT còn hạn hẹn, nhưng trong những năm qua Yên Bái đã không ngừng nỗ lực trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho TDTT. Những công trình thể thao khang trang, hiện đại đảm bảo cho việc đăng cai tổ chức các cuộc thi đấu thể thao quy mô toàn quốc như: sân vận động, nhà thi đấu, các sân quần vợt… đã tạo diện mạo cho thể thao Yên Bái có điều kiện phát triển. Không chỉ ở cấp tỉnh, ở các huyện, thị xã, thành phố, hệ thống các sân bãi TDTT cũng được xây dựng, tập trung ở các môn như: Bóng chuyền, Bóng đá, Cầu lông, Bóng bàn, Quần vợt... không ngừng được củng cố và nâng cấp. Công tác quy hoạch đất dành cho TDTT đã, đang tiếp tục được hoàn thiện.
Trong xu thế phát triển của xã hội, nhận thức của người dân ngày càng tăng, cùng với tốc độ gia tăng dân số đã khiến nhu cầu về sân chơi, bãi tập cho hoạt động TDTT cũng tăng theo. Và để có thêm nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động sự chung tay đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Nhiều công trình có vốn từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng do tư nhân đầu tư xây dựng như sân Bóng đá có nhân tạo, bể bơi cố định, sân Quần vợt, phòng tập Thể hình, Yoga… được hình thành và hoạt động hiệu quả.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, ngành Yên Bái đã đã thẩm định, tham mưu kịp thời cho 28 tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh dịch vụ TDTT theo đúng quy định của pháp luật. Các loại hình kinh doanh dịch vụ TDTT ra đời không chỉ góp phần giải quyết nhu cầu về sân chơi, bãi tập phục vụ nhân dân mà còn đóng góp đáng kể trong việc giải quyết công ăn việc làm cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Cùng với các nguồn đầu tư từ nhà nước, sự chung tay của các tổ chức cá nhân đã góp phần làm cho hệ thống cơ sở vật chất về TDTT của tỉnh từng bước hoàn thiện. Toàn tỉnh hiện có 5 nhà tập luyện thi đấu thể thao, 1 sân vận động, gần 50 sân Bóng đá mini, trên 20 sân Quần vợt, gần 30 bể bơi… Trong đó, có nhiều sân bãi của tư nhân đầu tư và quản lý, khai thác với các môn như: Bóng đá, Bóng chuyền, Quần vợt, Cầu lông, nhà tập Thể hình. Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cũng từng bước được đầu tư xây dựng, các trang thiết bị tập luyện TDTT được lắp đặt tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã góp phần tạo điều kiện để người dân tham gia tập luyện TDTT thuận lợi.
Đặc biệt, từ năm 2023 đến nay, Yên Bái đã, đang triển khai xây dựng khu liên hợp TDTT tỉnh với quy mô 29,56ha, gồm một tổ hợp các công trình thể thao cơ bản đáp ứng đủ tiêu chuẩn tổ chức thi đấu của tỉnh, quốc gia và được khai thác cho nhiều đối tượng (thể thao quần chúng, thể thao phong trào; đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao...). Khu liên hợp TDTT tỉnh dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm 2030 hứa hẹn sẽ mang đến cho thể thao Yên Bái nhiều khởi sắc mới trong tương lai.
Đầu tư trọng điểm cho Thể thao thành tích cao.
Cùng với đẩy mạnh phát triển TDTT quần chúng, ngành TDTT tỉnh Yên Bái không ngừng nỗ lực trong công tác huấn luyện, đào tạo VĐV thành tích cao, hướng tới mục tiêu nâng cao vị thế của thể thao Yên Bái trên bình diện quốc gia.
Với phương châm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và tránh dàn trải, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh thường xuyên duy trì đào tạo 140 VĐV ở 3 tuyến (50 VĐV tuyển tỉnh, 60 VĐV tuyển trẻ, 30 VĐV năng khiếu) của 10 môn, gồm: Bóng rổ, Bóng ném, Cầu mây, Đá cầu, Võ vovinam, Võ cổ truyền, Cử tạ, Điền kinh, Đua thuyền và Đẩy gậy. Đây cũng chính là những môn thể thao mũi nhọn, thế mạnh của tỉnh từng gặt hái nhiều thành công ở các giải quốc gia và quốc tế.
Trung bình hằng năm thể thao Yên Bái đều giành từ 50-55 huy chương các loại tại các giải đấu quốc gia và quốc tế, có từ 17-20 VĐV cấp kiện tướng, 30-40 VĐV cấp I quốc gia, 4 đội hạng A toàn quốc về các môn Bóng chuyền, Cầu mây, Bóng rổ, đóng góp cho đội tuyển quốc gia từ 8-10 VĐV tham gia thi đấu và giành huy chương tại các giải quốc tế.
Để nâng cao thành tích thi đấu cho VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh, ngoài việc đảm bảo các tiêu chí tuyển chọn VĐV, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, công tác huấn luyện, đào tạo không ngừng được đổi mới, sáng tạo cho phù hợp với thực tiễn cũng như điều kiện của địa phương. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, VĐV các đội tuyển thể thao thành tích cao của tỉnh Yên Bái đã tham gia thi đấu 10 giải toàn quốc đạt 37 huy chương các loại . Trong đó, có 10 HCV, 6 HCB, 21 HCĐ. Đóng góp vào bảng vàng thành tích của thể thao Yên Bái phải kể đến các VĐV môn Vovinam (7 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ), Đá cầu bãi biển (1 HCV, 6 HCĐ), Võ cổ truyền (1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ), Điền kinh (2HCV, 1 HCB, 1 HCĐ), Đua thuyền – VĐV Lý Thị Hải Yến của Yên Bái đã cùng đội tuyển trẻ Rowing quốc gia, đạt 2 HCĐ ở nội dung thuyền 4 mái chèo đơn U19, thuyền 4 mái chèo đơn U23 tại giải Vô địch Đông Nam Á trẻ U19, U23 và Vô địch Đông Nam Á diễn ra tại Việt Nam. Đây là kết quả đáng khích lệ, cho thấy hướng đi đúng đắn của ngành TDTT trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển TDTT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030.
Dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành, công tác TDTT của tỉnh Yên Bái đã, đang có bước phát triển mạnh mẽ. Trong đó các hoạt động TDTT quần chúng lẫn thể thao thành tích cao từng bước có những khởi sắc, để lại nhiều dấu ấn thành tích tại các giải quốc gia. Đây cũng chính là kết quả đáng khích lệ, khẳng định hướng đi đúng đắn của ngành TDTT tỉnh trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra theo Kết luận 70-KL/TW về phát triển TDTT trong giai đoạn mới.
KH