You must configure this module first via "Module Settings"

Bắc Ninh đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác lĩnh vực TDTT

Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển sự nghiệp TDTT, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh bắc Ninh luôn chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực TDTT. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy công tác TDTT của địa phương ngày càng phát triển, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển TDTT trong giai đoạn mới.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, các cấp uỷ Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã sớm có chỉ đạo về việc quy hoạch đất dành cho hoạt động TDTT; huy động các nguồn lực đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị tập luyện; phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ TDTT bằng việc tạo điều kiện về cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư cung ứng các dịch vụ TDTT. Cùng với đó, các công trình TDTT lớn như: Sân vận động, bể bơi; khu liên hợp thể thao được khai thác sử dụng hiệu quả...

Hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng đã tạo đòn bẩy cho phong trào TDTT quần chúng của tỉnh phát triển

Đặc biệt, từ năm 2020, tỉnh đã ban hành Quyết định số 272/QĐ-UBND phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Liên hợp thể thao tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, Khu liên hợp thể thao bao gồm các chức năng chính như: sân vận động phục vụ thi đấu các môn thể thao và nhà thi đấu đa năng; khu thể thao ngoài trời (các sân Bóng đá mini, Bóng chuyền, Bóng rổ, Tennis, sân tập Golf,...); khu thể thao trong nhà (các môn thể thao thi đấu dưới nước); các Trung tâm đào tạo, huấn luyện và khu nhà ở VĐV, chuyên gia, theo tiêu chí của Khu liên hợp thể thao cấp vùng thủ đô Hà Nội, phục vụ cho thi đấu quốc gia, quốc tế.

Việc quy hoạch chi tiết Khu liên hợp Thể thao của tỉnh đã đáp ứng nhu cầu tập luyện của các VĐV thể thao thành tích cao và tổ chức thi đấu các sự kiện, giải thi đấu thể thao của tỉnh và các giải quốc gia, quốc tế. Theo đó, Bắc Ninh đã chủ động hợp tác, tăng cường phối hợp đăng cai tổ chức nhiều sự kiện thể thao quy mô toàn quốc, khu vực và quốc tế, góp phần thúc đẩy thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng phát triển sâu rộng.

Ở các xã, phường thị trấn, hệ thống các thiết chế thể thao được đầu tư đồng bộ gồm: bể bơi, sân vận động, trung tâm văn hóa - thể thao, nhà tập luyện đa năng… Tại trung tâm các xã, thị trấn, khu dân cư nhiều địa phương đã xây dựng nhà văn hóa tích hợp sân thể thao theo tiêu chí của Bộ VHTTDL. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được đầu tư các trang thiết bị như: âm thanh, ánh sáng, lắp đặt dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời với nhiều trang thiết bị tập luyện đơn giản, phù hợp với nhiều đối tượng, lứa tuổi...  Với sự đồng bộ về quy mô, diện tích cũng như trang thiết bị, các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh cũng đã góp phần phục vụ các nhiệm vụ chính trị cũng như đáp ứng nhu cầu về rèn luyện sức khỏe của nhân dân.

Với phương châm: "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã hiến đất, xây dựng sân Bóng cỏ nhân tạo, các phòng tập Thể hình, Yoga… Các công trình TDTT do tư nhân đầu tư xây dựng đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về hạ tầng cơ sở, giúp cho các tầng lớp nhân dân có thêm địa điểm tập luyện TDTT, vui chơi giải trí và thúc đẩy các hoạt động kinh tế, xã hội của địa phương.

Nhờ huy động rộng rãi các nguồn lực xã hội và sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng TDTT, hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Không chỉ gia tăng về số lượng CLB, đội nhóm tập luyện TDTT, nhiều giải thi đấu thể thao nhờ nhận được sự tài trợ của các đơn vị, doanh nghiệp nên được tổ chức với quy mô ngày một lớn, giải thưởng cao, góp phần tăng tính hấp dẫn của giải, giảm đáng kể chi phí của Nhà nước.

Tỉnh cũng tích cực, chủ động trong ký kết các Chương trình phối hợp với các ngành, địa phương, các trường học trên toàn tỉnh đẩy mạnh liên kết phát hiện, tuyển chọn, đào tạo VĐV năng khiếu thể thao; đồng thời mở rộng liên kết đào tạo VĐV với các Trung tâm đào tạo VĐV quốc gia (Trung tâm HLTTQG Hà Nội, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh...) và các địa phương có phong trào TDTT phát triển mạnh như: Hà Nội, Hải Phòng… để tận dụng thế mạnh về trang thiết bị, cơ sở vật chất tập luyện, kinh nghiệm huấn luyện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo VĐV của tỉnh. Đây cũng chính là điều kiện để  thể thao thành tích cao của Bắc Ninh không ngừng phát triển và gặt hái thành công. Năm 2023, các VĐV của Bắc Ninh đã giành 279 huy chương các loại (69 HCV, 87 HCB, 123 HCĐ) tại các giải quốc gia và quốc tế. Nhiều VĐV đã được đầu tư trọng điểm và gặt hái thành công ở các giải đấu quốc gia, quốc tế như: Đỗ Tú Tùng, Hoàng Thị Kim Oanh (Cử tạ); Nguyễn Duy Tuyến (Pencak Silat), Nguyễn Văn Đương (Boxing), Nguyễn Thế Hưởng (KickBoxing), Nguyễn Văn Bảo (Vật), Nguyễn Phương Thảo (Karate)… Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bắc Ninh đã cử 23 đoàn VĐV tham gia thi đấu các giải thể thao quốc gia, quốc tế, giành 112 huy chương các loại, trong đó có 35 HCV, 34 HCB, 43 HCĐ; Đặc biệt VĐV môn Cử tạ Trịnh Văn Vinh của Bắc Ninh đã xuất sắc giành vé chính thức tham dự Olympic Paris 2024.

Bên cạnh đó, Bắc Ninh cũng tổ chức thành công các giải thể thao thường niên như: giải vô địch Vật tự do, Vật dân tộc tỉnh Bắc Ninh năm 2024; Giải chạy Nagakawa “khỏe để lập nghiệp và giữ nước” cúp Báo Bắc Ninh lần thứ XXVIII; phối hợp tổ chức thành công 03 giải thể thao quốc gia tại Bắc Ninh: Giải vô địch trẻ Đấu kiếm quốc gia năm 2024; giải vô địch các CLB Judo quốc gia năm 2024; Vòng loại giải Bóng đá hạng Nhì quốc gia năm 2024.

Song song với các nhiệm vụ đó, ngành VHTTDL tỉnh còn đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, đào tạo VĐV tài năng thể thao; thực hiện giám định khoa học đối với công tác huấn luyện TDTT, đối với VĐV năng khiếu, VĐV trình độ cao, đặc biệt là VĐV các môn thể thao trọng điểm quốc gia: áp dụng công thức tính độ tăng trưởng, tố chất thể lực, nhân trắc học, sinh lý, phân loại về đặc điểm thần kinh để ấn định môn chuyên sâu, qua đó đã phát huy năng lực sở trường của từng VĐV. Cùng với đó, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế cũng như công tác phòng, chống Doping cho VĐV cũng được quan tâm chú trọng.

Thời gian tới, Ngành TDTT tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm tăng thêm nguồn kinh phí phục vụ cho  sự nghiệp phát triển TDTT từ Thể thao quần chúng đến thể thao chuyên nghiệp, thành tích cao. Phát triển thị trường thể thao, thúc đẩy hợp tác công - tư, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, tham gia tổ chức thi đấu, đào tạo VĐV, HLV, trọng tài và cung cấp các dịch vụ TDTT. Đây cũng chính là một trong những yêu cầu quan trọng được đặt ra tại Kết luận 70-KL/TW về phát triển TDTT trong giai đoạn mới.

Tăng cường mối quan hệ hợp tác, liên kết phát triển TDTT trong nước và quốc tế. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo TDTT các cấp; nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn của ngành; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý, HLV; tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo, tập huấn VĐV; tổ chức các sự kiện, giải đấu thể thao lớn, các chương trình giao lưu, thi đấu TDTT… góp phần đưa thể thao Kinh Bắc ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu  phát triển trong giai đoạn mới.

Thực hiện sự chỉ đạo từ cấp trên, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Đề án “Phát triển Thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030; phối hợp xây dựng Đề tài khoa học “Giải pháp phát triển phong trào TDTT quần chúng tỉnh Bắc Ninh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”...

Bài, ảnh HK

 

Ảnh trong bài
  • Bắc Ninh đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác lĩnh vực TDTT