Thể thao quần chúng nền tảng phát triển thể thao thành tích cao
Với quan điểm, đầu tư cho TDTT là đầu tư cho con người, cho sự phát triển đất nước, trong những năm qua, các cấp, các ngành tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều giải pháp quan trọng để đưa phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển. Thể thao quần chúng có bước phát triển sâu rộng, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thực sự đi vào chiều sâu. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu về sinh hoạt văn hóa tinh thần, trong đó có việc tập luyện TDTT của người dân trong tỉnh ngày càng tăng. Việc xây dựng thiết chế văn hóa thể thao được quan tâm đầu tư, toàn tỉnh hiện có 139/142 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 1.321/1.376 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng.
Nhờ đó, phong trào TDTT quần chúng phát triển cả về số lượng và chất lượng, các môn thể thao dân tộc dần được khôi phục. Đến hết năm 2023, tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 37%, số gia đình thể thao đạt 29,5%; Số CLB TDTT cũng gia tăng vượt trội so với các năm trước với 1.215 CLB TDTT đang hoạt động hiệu quả.
Rất nhiều giải thể thao phong trào có quy mô lớn cũng được Lâm Đồng tổ chức trong năm 2023 như: Giải Chạy địa hình Dalat Ultra Trail, thu hút gần 7 ngàn VĐV trong tỉnh, trong nước và quốc tế tham gia; Giải Chạy bộ âm nhạc thu hút gần 5 ngàn VĐV tham gia; giải chạy địa hình Lâm Đồng Trail thu hút trên 2.500 VĐV tham gia; Giải Xe đạp địa hình, Giải Laan Ultra Trail thu hút trên 2 ngàn người tham gia.
Phong trào TDTT phát triển mạnh ở tỉnh Lâm Đồng
Phong trào TDTT quần chúng phát triển là nền tảng để thể thao thành tích cao của Lâm Đồng gặt hái thành công trên các đấu trường quốc gia và quốc tế. Cụ thể trong năm 2023, thể thao Lâm Đồng đã cử 670 VĐV tranh tài tại 62 giải thể thao quốc gia, khu vực và quốc tế, giành được 334 huy chương các loại gồm 96 vàng, 89 bạc,149 đồng, đạt 159% kế hoạch Trong số HC giành được có 13 HC quốc tế gồm 6 vàng, 3 bạc, 4 đồng.
Trong năm 2023, Lâm Đồng có 20 VĐV đạt cấp kiện tướng và 40 VĐV đạt VĐV cấp I quốc gia trong các môn cờ vua, cầu lông, kickboxing, bóng bàn, cử tạ, thể hình, vật và môn võ cổ truyền. Tỉnh cũng có 20 VĐV được triệu tập vào đội tuyển quốc gia, trong đó 16 VĐV tham gia đội tuyển trẻ và 4 VĐV tham gia đội tuyển quốc gia.
Hiện nay, thể thao Lâm Đồng đang duy trì đào tạo 15 đội tuyển tỉnh và đội tuyển năng khiếu thể thao của 14 môn, gồm; bóng bàn, thể dục thể hình, cầu lông, cờ vua, khiêu vũ thể thao, điền kinh, võ cổ truyền, judo, taekwondo, boxing, bóng đá (U17, U19), cử tạ và vật dân tộc với 188 VĐV.
Phát triển thể dục, thể thao giai đoạn mới theo yêu cầu Kết luận 70-KL/TW
Để tích cực triển khai Kết luận số 70-KL/TW, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch 2714/KH - UBND nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch số 111-KH/TU ngày 12/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới. Theo đó,
Kế hoạch đã đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, trong đó, số người dân trong tỉnh tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đến năm 2030 đạt tỷ lệ trên 39% và đến năm 2035 đạt tỷ lệ trên 43% dân số ; số gia đình luyện tập thể dục thể thao đến năm 2030 đạt tỷ lệ trên 30% và năm 2035 đạt tỷ lệ trên 32% .
Đến năm 2030, toàn bộ số xã trong tỉnh đều có thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đạt chuẩn nông thôn mới và có ít nhất 1 câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở trở lên được thành lập và công nhận; đến năm 2035, toàn bộ xã, phường, thị trấn trong tỉnh có thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đầu tư, nâng cấp đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và có ít nhất 3 câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở trở lên được thành lập và công nhận.
Tỉnh cũng yêu cầu toàn bộ xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố trong tỉnh đều phải tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao theo định kỳ quy định; toàn bộ đơn vị hành chính cấp xã đều tổ chức tháng hoạt động thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân hằng năm.
Cùng với thể dục thể thao phong trào, Lâm Đồng cũng sẽ thúc đẩy thể dục thể thao trong học đường, trong đó đến năm 2030, phấn đấu trên 95% các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp và Dạy nghề trên địa bàn tỉnh có các chương trình thể thao ngoại khóa; phấn đấu trên 92% học sinh, sinh viên đạt chuẩn về tiêu chuẩn rèn luyện thân thể năm 2030 và 98% vào năm 2035.
Đối với thể thao thành tích cao; phấn đấu đến năm 2035, tỉnh tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 350 vận động viên thuộc các đội tuyển tỉnh; trong đó có 120 vận động viên đội tuyển tỉnh, 80 vận động viên đạt thành tích tại các giải vô địch quốc gia và quốc tế; tuyển chọn và đào tạo khoảng 50 huấn luyện viên tài năng. Tại các giải quốc gia, phấn đấu nâng con số huy chương giành được hằng năm từ 250 hiện nay lên 350; huy chương quốc tế giành được từ 18 hiện nay lên 27.
Để đạt được những con số như trên, Kế hoạch đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó có việc đẩy mạnh truyền thông, vận động các tầng lớp người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao. Nhất là các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh cần tích cực vận động thành viên, đoàn viên, hội viên tham gia tập luyện thể dục thể thao gắn với các Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, cơ sở” .
Cùng đó, ngành chức năng tỉnh trong thời gian tới cần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý Nhà nước về phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, trong đó có phát triển thể dục thể thao quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người dân được quyền tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi, giải trí; tăng cường xây dựng các công trình thể thao công cộng ở khu dân cư, lắp đặt các trang thiết bị tập luyện tại các khu vui chơi, giải trí, công viên; quan tâm, chỉ đạo phát triển thể thao dân tộc, thể thao giải trí, thể thao quốc phòng, các đối tượng trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật… trong hoạt động thể thao.
Các đơn vị trường học trong tỉnh cũng cần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên - giảng viên cho các cấp học, trình độ đào tạo và nghiên cứu khoa học về tâm sinh lý lứa tuổi, thể dục thể thao học đường.
Song song với các nhiệm vụ trên,Lâm Đồng sẽ tập trung phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp, hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo vận động viên tham gia thi đấu các giải khu vực, quốc gia, quốc tế; nhất là các môn thể thao Olympic trọng điểm; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị tập luyện, thi đấu hiện đại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, huấn luyện, thi đấu cho vận động viên tỉnh nhà, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Tăng cường các nguồn lực cho phát triển thể dục thể thao; rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch, mạng lưới cơ sở thể thao, thiết chế văn hóa - thể thao từ tỉnh đến cơ sở với các điều kiện đảm bảo đồng bộ và hiện đại, đạt chuẩn quốc gia, quốc tế; khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, tham gia tổ chức thi đấu và cung cấp các dịch vụ thể dục thể thao; đặc biệt là các môn thể thao gắn với phát triển du lịch...
Bài, ảnh: MH