You must configure this module first via "Module Settings"

Huyện Cầu Kè - Trà Vinh: điểm sáng trong phát triển thể thao trong trường học

Giáo dục thể chất cùng các hoạt động TDTT trong trường học tại huyện Cầu Kè - Trà Vinh đã có những bước phát triển mới trong những năm gần đây, góp phần không nhỏ cho mục tiêu đào tạo toàn diện học sinh, sinh viên.

Chú trọngcông tác giáo dục thể chất và thể thao trường học

Cầu Kè hiện có 18 trường tiểu học, 12 trường THCS-PTDTNT, 01 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên và 03 trường THPT. Tất cả các trường học đều có sân tập thể dục và trang thiết bị đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT cho học sinh.

Chương trình về giáo dục thể chất không ngừng được đổi mới, không chỉ cung cấp kiến thức mà còn dạy kỹ năng cho học sinh; hình thành và duy trì thói quen tập luyện TDTT thường xuyên cho các em; gắn với giáo dục đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh, rèn luyện ý chí, phẩm chất phù hợp với đặc điểm thể chất, tâm sinh lý, lứa tuổi và điều kiện cụ thể của học sinh; giúp các em vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào hoạt động thường ngày, nhằm nâng cao sức khỏe và hoàn thiện thể chất.

Lãnh đạo Phòng giáo dục các huyện, Ban Giám hiệu các trường học trên địa bàn huyện luôn quan tâm đến công tác giáo dục thể chất và hoạt động TDTT học đường, phát huy được hiệu quả của các công trình TDTT tại đơn vị. Cùng đó, nhờ đẩy mạnh xã hội hóa với nhiều hình thức đa dạng đã mang thêm sức sống cho thể thao trường học. Các trường học cũng thường xuyên đưa ra nhiều giải pháp để đổi mới nội dung, hình thức tổ chức hoạt động thể thao trường học theo hướng đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của từng địa phương, từng trường; phù hợp đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi và trình độ đào tạo của học sinh; phù hợp với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. 

Các môn thể thao đã được đưa vào chương trình dạy học ở các trường học hiện nay là: bóng đá, điền kinh, đá cầu, nhảy cao, nhảy xa, cầu lông... các em học sinh có thể đăng ký các môn theo sở thích của mình. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động TDTT sôi nổi cũng được tổ chức cho giáo viên và học sinh trong nhà trường như: Hội thao chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày Truyền thống học sinh, sinh viên 09/01 hay Hội khỏe Phù Đổng... Đây là dịp để học sinh đua sức, tranh tài, qua đó động viên khuyến khích các em tham gia học tập, rèn luyện TDTT, nâng cao thể lực, sức khỏe, góp phần giáo dục toàn diện nhân cách học sinh, đồng thời đánh giá công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.

Điểm nhấn trong các hoạt động TDTT dành cho lứa tuổi học đường là Hội khỏe Phù Đổng các cấp (cấp trường được tổ chức hàng năm, cấp huyện 02 năm tổ chức một lần). Tại Hội khỏe Phù Đổng huyện Cầu Kè lần thứ XXII tổ chức tháng 1/2024 đã diễn ra thành công, với sự tham gia của trên 1.000 vận động viên, tranh tài ở 09 môn thi đấu gồm: điền kinh, bóng bàn, bóng đá nam, bóng chuyền nam, cờ vua, cầu lông, đá cầu, kéo co và đẩy gậy. Đâylà ngày hội thể thao lớn của tuổi trẻ học đường nhằm tiếp tục duy trì và đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, khơi dậy tiềm năng TDTT ở lứa tuổi học sinh, thúc đẩy phong trào TDTTở các trường học.

Thể thao trường học huyện Cầu Kè được quan tâm đầu tư trong thời gian qua

Thông qua Hội khỏe Phù Đổng, huyện đã tuyển chọn những vận động viên thi đấu có thành tích cao, tiếp tục bồi dưỡng, chuẩn bị tham dự Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hùng Cường, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cầu Kè cho biết: Để phát triển phong trào TDTT trong trường học, Phòng GD&ĐT huyện Cầu Kè đã cụ thể hóa các văn bản của các cấp về hoạt động thể thao trong nhà trường gửi đến các trường học trên địa bàn huyện. Chỉ đạo các trường tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục thể chất bằng nhiều nguồn lực khác nhau, đặc biệt là đẩy mạnh công tác xã hội hóa,; khuyến khích các trường học thành lập CLB TDTT với những môn thể thao phù hợp với sở thích, năng khiếu của học sinh; nâng cao chất lượng môn học giáo dục thể chất tại nhà trường, thường xuyên tổ chức các hoạt động TDTT nhằm tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em học sinh...

 

Cùng với đó, huyện cũng đặc biệt chú trọng công tác giáo dục kỹ năng sống, phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước cho trẻ em. Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh Trà Vinh đầu tư hồ bơi để trang bị kỹ năng bơi lội cho học sinh. Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai thực hiện Đề án “Dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho học sinh trên địa bàn huyện” giai đoạn 2023 - 2025, với tổng kinh phí thực hiện gần 630 triệu đồng. Theo đó, mỗi năm huyện sẽ tổ chức từ 30 - 40 lớp, với khoảng 500 - 600 học sinh được dạy bơi miễn phí. Riêng trong dịp hè này sẽ mở 20 lớp cho 500 học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở, thời gian diễn ra từ ngày 16/6 đến ngày 16/8. Ngoài thời gian mở phục vụ dạy bơi cho các em học sinh, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện còn hỗ trợ dạy bơi miễn phí cho người dân có nhu cầu tham gia tập luyện tại hồ bơi.

Đẩy mạnhphát triển thể thao trường học theo Kết luận số 70-KL/TW

Phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời thực hiện nhiệm vụ trọng tâm theo Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển TD,TT trong giai đoạn mới, ngành GD&ĐT huyện sẽ tiếp tục duy trì, đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học, bảo đảm yêu cầu phát triển toàn diện, góp phần nâng cao thể trạng học sinh trong thời đại mới. Trọng tâm là đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức, các lực lượng; xây dựng và nhân rộng các mô hình CLB để học sinh có điều kiện tham gia nhằm phát triển khả năng, sở trường...

Cùng đó, ngành cũng sẽ tham mưu tỉnh đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học môn giáo dục thể chất còn thiếu trong các trường học, trong đó chú trọng đến vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cơ sở trường học để ưu tiên cho những công trình thiết yếu dành cho giáo dục thể chất và hoạt động TDTT trường học.

 

Đối với công tác giáo dục kỹ năng sống, phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước cho trẻ em, huyện sẽ tiếp tục mở thêm nhiều lớp học bơi, tạo điều kiện cho các em học sinh được tham gia vào các hoạt động bổ ích cũng như góp phần thúc đẩy những việc làm thiết thực, ý nghĩa của các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Cầu Kè thông tin: để thực hiện có hiệu quả Đề án “Dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho học sinh trên địa bàn huyện” giai đoạn 2023 - 2025, chúng tôi sẽ tiếp tục kết hợp với các điểm trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của việc tập luyện môn bơi, các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, qua đó để phụ huynh và các em học sinh thấy được lợi ích của việc học bơi để đăng ký học bơi.

 

Bài, ảnh: Hồng Hạnh

Ảnh trong bài
  • Huyện Cầu Kè - Trà Vinh: điểm sáng trong phát triển thể thao trong trường học