Lan tỏa phong trào TDTT quần chúng
Với phương châm hướng về cơ sở, ngành VHTTDL tỉnh chú trọng phát triển các môn thể thao dễ tập, dễ học, kinh phí đầu tư sân bãi, trang thiết bị dụng cụ tập luyện đơn giản, và được đông đảo nhân dân yêu thích. Bên cạnh đó, hàng năm, nhiều giải đấu thể thao được đưa về tổ chức tại các địa phương đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, cũng như nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác TDTT đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Phát triển TDTT quần chúng theo tinh thần Kết luận 70-KL/TW
Trung bình hàng năm, trên địa bàn tỉnh có trăm giải thi đấu thể thao trong hệ thống thi đấu từ cấp tỉnh, cấp huyện được tổ chức. Bên cạnh đó, các hoạt động thể thao gắn với các ngày Lễ, Tết, ngày kỷ niệm của địa phương, dân tộc được tổ chức lồng ghép với các hoạt động văn hóa đã tạo được không khí vui tươi, phấn khởi và thu hút hàng nghìn lượt VĐV tham gia tập luyện, thi đấu, góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Với định hướng đúng đắn cùng những giải pháp phù hợp, phong trào TDTT quần chúng của Quảng Ngãi đã có những bước phát triển vững chắc. Các chỉ số về TDTT gia tăng hàng năm. Đến nay, toàn tỉnh có trên 39% số người và hơn 30% số gia đình tham gia tập luyện TD-TT.100% số trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất, 80% số trường học có các hoạt động thể thao ngoại khóa với đa dạng các môn thể thao như: Cờ vua, Cầu lông, Bóng đá, Bơi,.. Toàn tỉnh có trên 700 CLB TDTT đơn môn và đa môn hoạt động thường xuyên, thu hút ngày càng đông hội viên tham gai. Các CLB TDTT đều được thành lập trên cơ sở tự nguyện đóng góp kinh phí để tổ chức các hoạt động, mua sắm trang thiết bị tập luyện và tổ chức các giải giao hữu giữa các CLB.
Cùng với đưa thể thao về cơ sở, tỉnh còn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, như: nâng cấp, cải tạo sân vận động tỉnh. Ngoài kinh phí của nhà nước, các cấp chính quyền và ngành VHTTDL tỉnh còn đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho TDTT nhằm phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ TDTT, tài trợ kinh phí tổ chức các giải thi đấu thể thao. Theo đó, nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân tích cực đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động TD-TT như sân bóng đá mini, tennis, bóng chuyền, cầu lông, bể bơi...
Riêng hệ thống sân cỏ nhân tạo có trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi có tới có hơn 100 sân và đến nay, mô hình kinh doanh dịch vụ TDTT đã, đang có những bước phát triển mạnh mẽ, vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi, tập luyện TDTT của người dân, vừa góp phần phát triển kinh tế xã hội; đồng thời tạo môi trường lành mạnh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ CNVC, LĐ ngày càng được đầu tư. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cho công nhân, lao động. Đây chính là tiền đề để công tác TDTT của tỉnh ngày càng phát triển.
Đầu tư có trọng điểm cho Thể thao thành tích cao
Trong giai đoạn 2021-2025, trung bình mỗi năm tỉnh Quảng Ngãi đào tạo 250 VĐV năng khiếu, 85 VĐV trẻ và 88 VĐV tuyển, tập trung ở một số môn thể thao thế mạnh, trọng điểm của địa phương như: các môn Võ thuật (Boxing, Wushu, võ cổ truyền, Vovinam), Điền kinh, Cầu lông, Bóng bàn, Bơi lội… Công tác tập huấn, đào tạo VĐV thành tích cao từng bước được đổi mới và áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong huấn luyện;... Điều đó đã góp phần giúp các VĐV của tỉnh nâng cao thành tích chuyên môn tại các giải đấu quốc gia và quốc tế.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, các đội tuyển và đội tuyển trẻ của tỉnh đã tham gia 29 giải thể thao toàn quốc, đoạt 109 huy chương các loại, với 32 huy chương vàng (HCV), 26 huy chương bạc (HCB) và 51 huy chương đồng (HCĐ). Các đội năng khiếu tham gia 16 giải thể thao toàn quốc, đoạt 44 huy chương các loại, với 7 HCV, 13 HCB và 24 HCĐ. Nhiều VĐV của Quảng Ngãi đã đóng góp vào bảng vàng thành tích của Thể thao Việt Nam tại các đấu trường khu vực, châu lục như:VĐV wushu Đinh Văn Bí đoạt HCV tại SEA Games 32, VĐV Nguyễn Hồng Hải Băng đoạt HCĐ tại Giải Vô địch Boxing trẻ Châu Á năm 2023 tại Kazakhstan và VĐV Đinh Văn Tâm đoạt HCĐ tại giải Vô địch Wushu thế giới năm 2023 tại Mỹ
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Kết luận 70-KL/TW
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Liên Phương cho biết, năm 2024, Sở VH-TT&DL tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương đa dạng hóa các hoạt động TD-TT quần chúng; huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi, tạo điều kiện để phong trào TD-TT phát triển bền vững. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo vận động viên thành tích cao, đầu tư mới một số môn có tiềm năng trở thành môn thể thao mũi nhọn của tỉnh. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa đối với TD-TT, nhất là thể thao thành tích cao.
Đặc biệt, ngành VHTTD Quảng Ngãi chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về TDTT. Trong đó, Kết luận 70-KL/TW về phát triển TDTT trong giai đoạn mới được Bộ Chính trị ban hành vào tháng 3 vừa qua được xem là kim chỉ nam cho định hướng phát triển của ngành TDTT Quảng Ngãi.
Để Kết luận 70-KL/TW đi vào thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức quán triệt, phổ biến đến toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân bằng các hình thức phù hợp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, ứng dụng công nghệ số, tăng cường vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng, xây dựng các kênh truyền thông về TDTT nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng hoạt động thể chất, thông tin có liên quan cho nhân dân.
Lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về TDTT trong nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện. Lãnh đạo, chỉ đạo việc ban hành các nghị quyết của địa phương và đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan. Tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển TDTT.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thực hiện tốt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 trên địa bàn tỉnh và sớm ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người trực tiếp làm công tác TDTT. Đẩy mạnh sắp xếp, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập TDTT. Tăng cường công khai, minh bạch, thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật; kịp thời hướng dẫn xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực TDTT.
Khuyến khích phát triển TDTT quần chúng; quan tâm phát triển thể thao dân tộc, thể thao giải trí, thể thao quốc phòng, thể thao trong trường học,…
Tập trung phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao. Tăng cường việc học tập văn hoá, chính trị, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, ý chí, lòng tự hào dân tộc cho VĐV. Khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, đào tạo VĐV, huấn luyện viên, tổ chức thi đấu, chuyển nhượng VĐV hợp pháp.
Tăng cường các nguồn lực cho sự nghiệp TDTT. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch, phát triển mạng lưới thiết chế, cơ sở thể thao đồng bộ, hiện đại. Ưu tiên đầu tư một số cơ sở trọng điểm về đào tạo, huấn luyện chất lượng cao. Phát triển thị trường thể thao, thúc đẩy hợp tác công - tư…
Bài, ảnh VD