You must configure this module first via "Module Settings"

Hà Nam triển khai thực hiện Kết luận số 70KL-TW về phát triển TDTT trong giai đoạn mới

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, công tác thể dục, thể thao của tỉnh Hà Nam đã có những bước chuyển biến đáng khích lệ. Trong đó, phong trào TDTT quần chúng đã có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, qua đó góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như nguồn nhân lực có chất lượng cao của địa phương.

Lan tỏa phong trào rèn luyện TDTT

Tại Hà Nam, trung bình mỗi năm có từ vài trăm giải thể thao lớn, nhỏ từ tỉnh, đến cơ sở xã, phường, trường học, cơ quan được tổ chức. Trong đó, hàng năm, ngoài việc duy trì hệ thống giải thể thao các cấp theo định kỳ, ngành VHTTDL tỉnh đã hướng dẫn cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thể thao nhân dịp các ngày Lễ, Tết, các Hội thi, Hội thao, các giải giao lưu văn hóa, thể thao…

Các hoạt động TDTT quần chúng được tổ chứ dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú về nội dung đã nhận được sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân. Các môn thể thao được đông đảo nhân dân yêu thích và duy trì thói quen tập luyện hàng ngày như: đi bộ, bóng chuyền da, bóng chuyền hơi, thể dục dưỡng sinh

Phong trào TDTT trong trường học, lực lượng vũ trang, thanh thiếu niên, công nhân viên chức, phụ nữ và người cao tuổi được quan tâm phát triển đều, góp phần nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần cho người dân. Các tiêu chí về rèn luyện TDTT được chú trọng trong chỉ tiêu về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, gắn với tiêu chí xây dựng Nông thôn mới ở các làng, xã trong tỉnh. Nhiều giải TDTT quần chúng thường xuyên được tổ chức.

Nhờ đó các chỉ số về TDTT gia tăng hàng năm. Đến năm 2023, tỷ lệ dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên trên địa bàn tỉnh Hà Nam đạt 33,2%, gia đình thể thao đạt gần 25% số hộ gia đình. Toàn tỉnh có gần 1.300 câu lạc bộ TDTT và khoảng 1.645 điểm, nhóm tập luyện TDTT hoạt động thường xuyên.

Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về TDTT. Bên cạnh đó, là sự nỗ lực của toàn ngành, cùng sự chung tay của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, nhà tài trợ trong việc tổ chức các hoạt động TDTT đã góp phần làm cho phong trào TDTT, nhất là thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh phát triển sôi động.

Đẩy mạnh Xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT là một trong những nhiệm vụ được đặt ra trong việc triển khai thực hiện Kết luận 70 KL-TW về phát triển TDTT trong giai đoạn mới (Ảnh VD)

Cùng với đó, các cấp chính quyền luôn chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho tập luyện TDTT. Đến nay, ngoài hệ thống các công trình TDTT có quy mô, đạt chuẩn như: Nhà thi đấu, sân vận động, bể bơi,… toàn tỉnh gần 1.170 sân TDTT trong cơ quan, đơn vị, công trình công lập và hàng trăm sân TDTT tận dụng khác. Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế Văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở tương đối đồng bộ và ngày càng được hoàn thiện.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 01 Nhà thi đấu đa năng đã hoàn thiện, phục vụ đăng cai tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch quốc gia, quốc tế, 01 Nhà văn hoá trung tâm tỉnh, 01 Sân vận động, 01 Nhà hát Chèo, 01 Nhà Bảo tàng; 03 nhà văn hoá huyện, 01 sân vận động thành phố; 04 nhà thi đấu, 67 nhà tập thể thao, 37 hồ bơi, 146 sân bóng đá, 648 sân bóng chuyền, 36 sân quần vợt, 290 sân cầu lông, 66/116 nhà văn hoá xã (đạt 56,89%), 1061 thôn, làng, tổ phố có nhà văn hóa độc lập và nhà văn hoá liên tổ (đạt 85,98%), có 110 thôn, làng tổ phố sinh hoạt ở đình, chùa nâng tổng số thôn, làng, tổ phố có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt cộng đồng, đạt 94,8%, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, TDTT của nhân dân. Đây chính là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển.

Cùng với những kết quả đạt được, công tác phát triển TDTT trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, tồn tại. Trong đó, nguồn nhân lực cán bộ chuyên môn phụ trách lĩnh vực TDTT ở cấp huyện phụ còn thiếu và yếu; cán bộ văn hóa xã hội cấp xã kiêm nhiệm; số cộng tác viên TDTT không nhiều. Kinh phí tổ chức các giải thi đấu thể thao hạn hẹp nên chất lượng chưa cao; Công tác giáo dục thể chất, thể thao trong trường học còn nhiều bất cập, chưa phát huy hết tiềm năng.

Đẩy mạnh phát triển TDTT theo kết luận số 70/KL-TW

Trước thực tế trên, trong năm 2024 ngành VHTTDL tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ để triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy công tác TDTT của địa phương ngày càng phát triển. Đặc biệt, Sở VH, TT&DL đã xây dựng dự thảo Kế hoạch về việc thực hiện Kết luận thực hiện Kết luận số 70/KL-TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới.

Kế hoạch nêu rõ phải đưa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về TDTT vào nghị quyết, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai nhiệm vụ phát triển TDTT.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, ứng dụng công nghệ số, tăng cường vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng, xây dựng các kênh truyền thông về TDTT nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng hoạt động thể chất, thông tin có liên quan cho nhân dân.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực TDTT; thực hiện tốt các chiến lược, đề án, kế hoạch, chương trình phát triển TDTT của Trung ương; xây dựng kế hoạch phát triển TDTT trên địa bàn tỉnh Hà Nam trong giai đoạn mới phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khung pháp lý về kinh tế thể thao, quyền sở hữu, chuyển nhượng, khai thác bản quyền và tài trợ, thúc đẩy xã hội hóa đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp TDTT trong giai đoạn mới; rà soát, bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc y tế, nhà ở, tiền lương, trợ cấp và các ưu đãi khác đối với vận động viên, huấn luyện viên, nhân tài thể thao của tỉnh.

Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người trực tiếp làm công tác TDTT, nhất là cấp cơ sở; nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong trường học; bảo đảm các trường phổ thông có đủ giáo viên thể dục đạt chuẩn về trình độ, số lượng theo quy định; sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, nguồn nhân lực hiện có, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở công lập về TDTT trong toàn tỉnh, tăng chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp TDTT đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, tăng cường các nguồn lực xây dựng, nâng cấp các thiết chế TDTT từ cơ sở đến cấp tỉnh trên cơ sở phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện có.

Tích cực thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; thúc đẩy hợp tác công - tư, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân: đầu tư, phát triển thiết chế, cơ sở hạ tầng, thành lập cơ sở kinh doanh hoạt động TDTT; cung cấp các dịch vụ TDTT trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động các liên đoàn thể thao của tỉnh, từng bước chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho các liên đoàn thể thao thực hiện…

VD

 

Ảnh trong bài
  • Hà Nam triển khai thực hiện Kết luận số 70KL-TW về phát triển TDTT trong giai đoạn mới