You must configure this module first via "Module Settings"

Phát triển thiết chế, cơ sở hạ tầng thể thao cần phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa

Chú trọng cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển thiết chế, cơ sở hạ tầng; thúc đẩy xã hội hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Chính trị đã đặt ra trong Kết luận số 70-KL/TW về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Ngành Thể thao Tiền Giang hướng tới trong năm 2024 cũng như những năm tiếp theo.

Đầu tư hệ thống cơ sở, vật chất TDTT trên toàn tỉnh

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp các ngành, hệ thống cơ sở vật chất TDTT của tỉnh đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tập luyện TDTT của người dân.

Cơ sở vật chất TDTT ở cấp huyện, thị xã, thành phố được các địa phương sử dụng ngân sách địa phương, nguồn hỗ trợ của tỉnh và vận động để sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới các công trình thể thao. Hiện toàn tỉnh có hơn 1.400 công trình TDTT lớn, nhỏ. Trong đó, huyện, xã quản lý 404 công trình; các công trình TDTT ở trường học và các đơn vị lực lượng vũ trang do ngành Giáo dục và Đào tạo, Quân đội, Công an quản lý; các công trình còn lại của các cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao quản lý và khai thác.

Ngoài ra, tại các huyện, thành phố, thị xã, nhiều trang thiết bị, dụng cụ tập luyện thể dục ngoài trời đã được lắp đặt để phục vụ nhân dân tại các công viên, khu dân cư và một số vị trí nơi công cộng... Các công trình này cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu tập luyện và tổ chức các hoạt động TDTT ở cơ sở.

Công tác xây dựng Trung tâm Văn hóa, Thể thao ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt với 132 trung tâm được đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách tỉnh và nguồn vốn đối ứng của các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, 70/132 trung tâm hoạt động thường xuyên, hiệu quả, chiếm tỷ lệ 55%. Những trung tâm có vị trí độc lập nằm ngoài khuôn viên UBND xã, được tổ chức hoạt động hằng ngày, như: Câu lạc bộ dưỡng sinh, võ thuật...

Hệ thống cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư 

Cùng với đó trong những năm qua, các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh đã đầu tư nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp và xây dựng mới nhiều cơ sở tập luyện TDTT, khu vui chơi giải trí phục vụ nhu cầu của người dân nông thôn. Tỉnh đã ban hành những quy định về chính sách và các danh mục khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực TDTT, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia kinh doanh hoạt động về TDTT với hơn 400 cơ sở kinh doanh hoạt động TDTT lớn, nhỏ với các môn: Bơi lội, Thể hình, Bóng đá, các môn võ, Aerobic, Yoga… đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân.

Trong các năm 2021, 2022, Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Trung tâm) đã được tỉnh đầu tư sửa chữa, với các hạng mục, như: Xây dựng mới cổng chính, cải tạo toàn bộ hàng rào xung quanh, xây dựng mới 2 sân bóng đá, nhà xe ô tô, chỉnh trang vỉa hè, sân đường bê tông, hệ thống điện tổng thể... góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo, huấn luyện VĐV.

Đặc biệt, Khu thể thao dưới nước được đầu tư xây dựng tại Trung tâm với 2 hồ bơi (hồ bơi lớn 1.091 m2 và hồ bơi nhỏ hơn 552 m2) được đưa vào sử dụng từ ngày 28-4-2022, tạo điều kiện phát triển các bộ môn thể thao dưới nước, góp phần phát triển đa dạng các bộ môn thể thao.

Đến nay, Trung tâm đã có đầy đủ cơ sở vật chất đạt chuẩn với nhà tập luyện, khu thể thao dưới nước, sân vận động, nhà thi đấu đa môn, nhà nghỉ, nhà ăn dành cho VĐV. Từ đó, Trung tâm có điều kiện phát triển đa dạng với 12 môn thể thao thành tích cao (TTC) cho 3 tuyến năng khiếu, trẻ và tuyển, gồm các môn: Bóng bàn, Bóng đá, Điền kinh, Pencak Silat, Taekwondo, Thể hình, Vovinam, Cầu lông, Boxing, Cử tạ, Bơi lội và Rowing. Trung tâm đã tiến hành tập huấn và thi đấu cho trên 200 lượt huấn luyện viên, 2.000 VĐV thể thao TTC. Đồng thời, tỉnh đã tuyển chọn, gửi các VĐV có tiềm năng, tố chất phát triển đến các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia.

Nói về công tác xã hội hóa trong công tác đầu tư, xây dựng hệ thống thiết chế TDTT, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang  cho biết: Trong những năm qua, tỉnh đã huy động được nhiều thành phần xã hội tham gia xây dựng cơ sở TDTT đều khắp trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT quần chúng phát triển. Theo đó, tỉnh Tiền Giang đã thu hút được 12 dự án đầu tư với tổng kinh phí hơn 10,7 tỷ đồng, gồm: 04 Câu lạc bộ thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ; 01 hồ bơi tại huyện Châu Thành; 01 hồ bơi và 01 phòng tập thể hình ở huyện Chợ Gạo; 01 dự án sân bóng đá mini tại huyện Gò Công Tây và 02 hồ bơi cho học sinh trong trường học tại huyện Gò Công Đông. Bên cạnh đó, tỉnh có 02 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động TDTT thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thiết chế TDTT

Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang cho biết: Hệ thống cơ sở vật chất là nền tảng quan trọng giúp phong trào TDTT quần chúng từng bước phát triển. Nhiều địa phương có nhà thi đấu thể thao đa môn, sân bóng đá cấp huyện được đầu tư xây dựng khang trang như ở các huyện Cái Bè, Chợ Gạo, Gò Công Đông…, giúp người dân có điều kiện tham gia các hoạt động TDTT, như: Thể dục dưỡng sinh, cầu lông, bóng chuyền...

Trong thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về cơ chế, chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển TDTT. Đồng thời, vận động đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao, thúc đẩy Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Tiếp tục ban hành những quy định về chính sách và các danh mục khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực TDTT, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia kinh doanh hoạt động về TDTT.

Sở VHTTDL sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất TDTT cùng với đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ, cộng tác viên TDTT các cấp. Hỗ trợ và phát triển các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT của tỉnh và các Câu lạc bộ TDTT ở cơ sở để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yêu thích thể thao có điều kiện tập luyện và sinh hoạt thuận lợi.

Việc xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất TDTT giúp số lượng người tập luyện TDTT thường xuyên và số gia đình tập luyện TDTT đều tăng; với số người tập luyện thường xuyên chiếm 35% (tăng 8% so với năm 2012), số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên chiếm 23,8% (tăng 5,2% so với năm 2012). Tổ chức thành công 13 giải thể thao cấp tỉnh, 305 giải thể thao cấp huyện, thành phố, ban, ngành cấp tỉnh, với hơn 14 ngàn lượt vận động viên tham dự.

Trong năm 2023, các đội tuyển, đội trẻ và đội năng khiếu tỉnh tham gia thi đấu 45 giải thể thao khu vực, toàn quốc, đạt 276 huy chương (60 HCV, 95 HCB và 121 HCĐ). Ngoài ra, 03 VĐV tỉnh Kiên Giang được triệu tập vào Đội tuyển Cờ Ouktrang quốc gia và đạt được một số thành tích quan trọng tại SEA Games 32, đạt 05 HCĐ, góp vào thành tích chung của Đoàn Thể thao Việt Nam; tham gia thi đấu 02 giải thể thao quốc tế, đạt 01 HCV, 02 HCB.

 

Bài, ảnh: KC

Ảnh trong bài
  • Phát triển thiết chế, cơ sở hạ tầng thể thao cần phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa