You must configure this module first via "Module Settings"

Bình Định đẩy mạnh phát triển TDTT theo Kết luận 70-KL/TW

Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước công tác TDTT của tỉnh Bình Định đã đạt được những kết quả đáng khích lệ cả về TDTT quần chúng lẫn thể thao thành tích cao. Đặc biệt, những kết quả về Thể thao thành tích cao sẽ là nền tảng để thể thao Bình Định tiếp tục bứt phá trong tương lai. Qua đó, góp phần thực hiện tốt những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển TD,TT trong giai đoạn mới.

Công tác TDTT phát triển mạnh mẽ

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, các cấp chính quyền tỉnh Bình Định luôn quan tâm, chú trọng phát triển TDTT. Đặc biệt, hiệu quả từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020” đã giúp cho công tác TDTT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ từ hoạt động TDTT phong trào đến thể thao thành tích cao. Trong đó, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ngành đối với công tác phát triển TDTT được nâng lên rõ rệt. Việc bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển TDTT ngày càng tăng cường. Các quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển TDTT được chú trọng xây dựng và triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền về TDTT được triển khai thực hiện thường xuyên, nhờ vậy nhận thức của nhân dân về vai trò, tác dụng của TDTT đối với sức khỏe được nâng cao.

Công tác GDTC và hoạt động thể thao trong trường học được quan tâm chú trọng

Chính vì vậy, hoạt động TDTT quần chúng diễn ra sôi nổi, rộng khắp, qua đó góp phần thúc đẩy phong trào TDTT ở cơ sở phát triển mạnh mẽ. Các chỉ số về TDTT gia tăng hàng năm, hiện toàn tỉnh có trên 35% dân số tham gia tập luyện TDTT, số hộ gia đình tập luyện TDTT thường xuyên đạt trên 23.5%. Các loại hình, đội nhóm tập luyện TDTT đơn môn, đa môn tăng cao, hiện trên toàn tỉnh có trên 930 CLB TDTT hoạt động thường xuyên và ngày càng thu hút đông đảo hội viên tham gia. Các CLB TDTT hoạt động trên tinh thần tự nguyên, kinh phí do các hội viên tự đóng góp để mua sắm trang thiết bị và thi đấu các giải giao hữu giữa các CLB trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, ngành VHTTDL tỉnh duy trì tổ chức các giải thi đấu thể thao từ tỉnh đến cơ sở, qua đó thu hút đông đảo các VĐV và nhân dân tham gia. Chất lượng các giải đấu được nâng cao, trong đó các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian như: Võ cổ truyền, chạy cà kheo, bắn nỏ, kéo co, nhảy bao bố... được tổ chức lồng ghép với các hoạt động lễ hội, các sự kiện văn hóa, thể thao của tỉnh. Qua đó, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, truyền thống.

Công tác GDTC và hoạt động thể thao trong trường học được duy trì đảm bảo theo quy định. Chất lượng dạy và học môn GDTC trong các cấp học ngày càng đổi mới và nâng cao chất lượng. Đến nay, 100% các trường mầm non, trường phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh thực hiện đầy đủ nội dung, chương trình GDTC nội khóa. Hoạt động TDTT ngoại khóa trong nhà trường phát triển mạnh, đa dạng, với 64,8% cơ sở giáo dục phổ thông có CLB TDTT; 100% trường đại học, cao đẳng có CLB võ cổ truyền; 88,9% các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động TDTT ngoại khóa thường xuyên. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã đưa môn Võ cổ truyền Bình Định vào giảng dạy ngoại khóa ở tất cả các cơ sở giáo dục phổ thông, qua đó đã góp phần bảo tồn và phát huy mạnh mẽ Võ cổ truyền Bình Định.

Năm 2023, Bình Định còn có nhiều VĐV được phong VĐV cấp I, kiện tướng cấp quốc gia. Dấu ấn nữa là tỉnh đã đăng cai, tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao cấp quốc gia và quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa cũng như nâng cao vị thế của thể thao Bình Định với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thể thao thành tích cao của tỉnh có bước tiến vượt bậc khi tham gia 60 giải đấu quốc gia, quốc tế và giành 342 huy chương các loại (98 HCV, 107 HCB và 137 HCĐ). Trong số 98 HCV giành được có 3 HCV (2 HCV môn Kun Bokator, môn thể thao vốn là võ cổ truyền của Campuchia và 1 HCV môn Kickboxing) tại SEA Games 32. 

Cùng với đó, hệ thống cơ sở vật chất được quan tâm, chú trọng. Các công trình TDTT trọng điểm của tỉnh như: Sân vận động Quy Nhơn, Nhà Thi đấu thể thao tỉnh,... được đầu tư sửa chữa, nâng cấp; 11/11 huyện, thị xã, thành phố đều có nhà luyện tập, thi đấu đa năng, sân vận động và các công trình TDTT khác; 106/159 xã, phường, thị trấn đã có trung tâm văn hóa - thể thao; các công trình TDTT các trường đại học, cao đẳng, đơn vị trường học, lực lượng vũ trang từng bước được đầu tư xây dựng, hoàn thiện... đáp ứng được nhu cầu tập luyện, thi đấu và phát triển TDTT trên địa bàn tỉnh.

Ông Bùi Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Định cho biết: Năm 2024, các đội tuyển thể thao thành tích cao của tỉnh sẽ tham gia khoảng 76 giải đấu do Cục TDTT tổ chức. Đây là năm bản lề để ngành TDTT tỉnh chuẩn bị lực lượng tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026. Do đó, chúng tôi tập trung trẻ hóa các đội hình, tạo điều kiện cho các VĐV trẻ tăng cường tham gia các giải đấu, đặc biệt là tham gia các giải trẻ, giải mở rộng để tăng cường cho các VĐV có điều kiện cọ xát, nâng cao chuyên môn. Hơn nữa, trong bối cảnh một số VĐV thuộc các đội tuyển đạt thành tích cao trong những năm qua đã lớn tuổi, và bị chấn thương khó hồi phục nên đã giải nghệ. Bởi vậy, chúng tôi sẽ rà soát, đánh giá và xây dựng lớp VĐV trẻ kế cận, nhằm đảm bảo tính kế thừa để chuẩn bị cho các sân chơi quốc gia và quốc tế.

Đặc biệt, để chuẩn bị lực lượng VĐV hướng tới Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026, ngay từ thời điểm này, Bình Định đã có những kế hoạch chuẩn bị cụ thể. Trong đó, tỉnh đã ban hành kế hoạch 15/KH-UBND thực hiện đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Bình Định nhằm tạo bước đột phá mạnh mẽ, góp phần xây dựng và phát triển thể thao thành tích cao ổn định, vững chắc; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các môn thể thao thế mạnh hoặc có tiềm năng để nâng cao thành tích thi đấu thể thao, thu hẹp khoảng cách trình độ đối với các địa phương, đơn vị mạnh trong toàn quốc;

Theo đó, trong năm 2024, Bình Định đào tạo 43 huấn luyện viên, 393 VĐV/16 đội tuyển tập trung ở 02 đơn vị: Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh (33HLV, 309VĐV/12 đội tuyển) và Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định (10HLV, 84VĐV/4 đội tuyển). Các đội tuyển thể thao của tỉnh sẽ tham gia 47 giải thể thao quốc gia và phấn đấu giành 205 huy chương các loại tại các giải quốc gia, 10 huy chương ở giải đấu quốc tế và 130 huy chương ở các giải CLB, khu vực.

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trên, Bình Định tập trung thực hiện một số giải pháp: Hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, huấn luyện; xây dựng lực lượng huấn luyện viên, VĐV ổn định, có tính kế thừa; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các môn thể thao thế mạnh hoặc có tiềm năng như: Võ cổ truyền, Boxing, Kickboxing, Cờ vua, Cờ tướng, Điền kinh, Bóng ném nữ, Taekwondo, Wushu, Billiards…, hoặc các môn thể thao có tiềm năng, các môn thể thao dưới nước. Đồng thời, rà soát, đánh giá lực lượng HLV, bổ sung nguồn HLV phù hợp với định hướng thể thao thành tích cao của tỉnh;

Bên cạnh đó, ngành VHTTDL Bình Định sẽ đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2020 - 2025 trên toàn tỉnh thông qua tổ chức các hoạt động như: Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; lễ khai mạc Ngày Olympic trẻ em và phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước; Ngày hội Văn hóa thể thao miền biển 2024; các giải đấu thể thao khác theo kế hoạch... Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ để phát triển thể thao phong trào và đăng cai các giải thể thao toàn quốc; tham gia các giải thể thao quốc gia, khu vực và thế giới.

Song song với các nhiệm vụ trên, ngành thể thao tập trung tham mưu UBND tỉnh xây dựng các công trình, như: Nâng cấp nhà thi đấu TDTT tỉnh; xây dựng nhà tập luyện đa môn; quy hoạch xây dựng Khu liên hợp thể thao và Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định tại Khu Kinh tế Nhơn Hội. Ngoài ra, công tác xã hội hóa cũng rất cần quan tâm và đẩy mạnh.

Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, đánh giá công tác chuyên môn đối với các đội tuyển thể thao; Tăng cường công tác đăng cai các giải thể thao quốc gia, quốc tế; đưa các môn thể thao trọng điểm vào giảng dạy trong trường học; Đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ công tác huấn luyện trong khu vực sân vận động và quy hoạch các thiết chế thể thao;..

Những giải pháp mà ngành VHTTDL Bình Định đặt ra hoàn toàn phù hợp với các điều kiện thực tiễn của địa phương cũng như yêu cầu đặt ra trong Kết luận 70-KL/TW của Bộ chính trị về đổi mới phát triển TDTT trong giai đoạn mới. Hy vọng với chủ trương đúng đắn cùng sự quyết liệt, đồng bộ và sự sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thể thao Bình Định hứa hẹn sẽ có những bứt phá mạnh mẽ trong tương lai.

Bài, ảnh Thu Hằng

Ảnh trong bài
  • Bình Định đẩy mạnh phát triển TDTT theo Kết luận 70-KL/TW