You must configure this module first via "Module Settings"

Kiên Giang sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án: "phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2021-2025"

Xác định được vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở Kiên Giang đã ban hành Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2021-2025. Đến nay, sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Sau khi đề án được ban hành và triển khai, hầu hết các địa phương đã dành quỹ đất cho việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, đồng thời đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các thiết chế hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và học tập của nhân dân. Nhờ đó, sau 2 năm thực hiện, đến nay hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở của tỉnh Kiên Giang đã có sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng hoàn thiện. 

Thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân tập luyện, vui chơi giải trí

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 01 thiết chế văn hoá cấp tỉnh đó là Trung tâm Văn hoá tỉnh - đã được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tương đối hiện đại. 13/15 huyện, thành phố có Trung tâm VHTT, đạt tỷ lệ 87%; 110/144 xã, phường, thị trấn có Trung tâm VHTT, đạt tỷ lệ 76,4%; 950/950 ấp, khu phố có Nhà Văn hoá, đạt tỷ lệ 100%; trong đó có 29/950 đạt chuẩn (tỷ lệ 3,05%). Hệ thống thiết chế phục vụ vụ cộng đồng và thanh thiếu niên, nhi đồng: 01 Nhà thiếu nhi tỉnh; 01 Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên; 10/15 Nhà thiếu nhi cấp huyện, đạt tỷ lệ 67%; 03 quảng trường và trên 20 công viên tại các huyện, thành phố.

Ngoài ra, một số công trình thiết chế văn hóa, thể thao đang triển khai thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc đầu tư mới như: Quảng trường trung tâm và tượng đài Bác Hồ ở phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, Trung tâm VHTT và Truyền thanh các huyện: U Minh Thượng, Giang Thành, Châu Thành. UBND cấp huyện đã bố trí ngân sách và lồng ghép với nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao của cấp huyện, cấp xã và ấp, khu phố. Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh đầu tư bể bơi nổi, phục vụ tập bơi gắn với công tác phòng, chống đuối nước cho thanh thiếu niên và trẻ em.

Đội ngũ cán bộ, viên chức công tác tại các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm, chú trọng đảm bảo về chuyên môn nghiệp vụ. Theo thống kê, hiện nay cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh có trình độ đại học trở lên đạt 85,16%, cao đẳng 1,29%, trung cấp 5,80%; cấp huyện cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học, cao đẳng đạt 96,99%, trung cấp 3,01%; cấp xã cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học, cao đẳng đạt 90,53%, trung cấp 9,47%. Hàng năm, Sở VHTT đã tổ chức từ 1 - 2 lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ chuyên trách, bán chuyên trách của 144 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tạo nền tảng cho xây dựng tiêu chí văn hóa nông thôn mới, tạo sự phát triển hài hòa về đời sống văn hóa với đời sống kinh tế, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và là phương tiện tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở từng bước khai thác, phát huy công năng, đã và đang mang lại hiệu quả tích cực trong việc gắn kết cộng đồng, trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, là địa chỉ thu hút đông đảo nhân dân đến vui chơi, giải trí, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, rèn luyện thể chất và là phương tiện nhằm tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh cũng đã được tăng cường quản lý theo quy chế và phân cấp cụ thể cho các cấp chính quyền địa phương.

Hàng năm, số lượt người dân đến tham gia các hoạt động của trung tâm, nhà văn hóa ngày càng tăng. Các thiết chế trên đã góp phần tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh giao và phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân.

Riêng về các thiết chế TDTT, toàn tỉnh có 11 sân bóng đá 11 người, sân điền kinh, hồ bơi (25x50m), 02 nhà thi đấu đa năng (01 nhà thi đấu tỉnh với sức chứa 3.000 chỗ ngồi); ở cấp huyện, thành phố có 02 sân vận động có khán đài, 04 sân vận động không có khán đài (ở 06 huyện); 29 nhà tập luyện và thi đấu TDTT đa năng và đơn môn được sử dụng thường xuyên; 235 sân bóng đá mini; 06 sân Quần vợt; 72 bể bơi các loại; 230 sân Cầu lông; 281 sân Bóng chuyền và 58 các loại sân tập khác. Số cơ sở kinh doanh kinh doanh hoạt động TDTT không ngừng gia tăng, đã góp phần phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT trong quần chúng nhân dân và thanh thiếu nhi tham gia. Hệ thống sân bãi, cơ sở, tụ điểm sinh hoạt TDTT do doanh nghiệp đầu tư xây dựng phần lớn đặt tại thành phố, thị xã, thị trấn và gần với Trung tâm VH-TT&HTCĐ xã đã phát huy vai trò, công năng hoạt động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua triển khai thực hiện Đề án vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập đó là: một số địa phương vẫn chưa thực hiện bổ sung quy hoạch đất cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, hoặc có quy hoạch nhưng chưa được đầu tư xây dựng, hoặc bị chuyển đổi mục đích sử dụng, hoặc chuyển đổi vị trí để lấy đất kêu gọi đầu tư lĩnh vực khác. Cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị tại một các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở của một số địa phương, chưa đầu tư đồng bộ, chưa đảm bảo đủ điều kiện tổ chức hoạt động. Có nhiều nơi các thiết chế văn hóa, thể thao xây dựng ở xa khu dân cư, không thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động để thu hút đông đảo người dân tham gia. Kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã và ấp, khu phố chủ yếu được đầu tư lồng ghép từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, kinh phí dành cho hoạt động văn hóa còn hạn chế, không đủ để tổ chức các hoạt động nên hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao  chưa đồng đều, một số thiết chế chưa phát huy hết vai trò, chức năng…

Kiên Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tiếp tục được đầu tư đồng và có ít nhất 70% thiết chế đảm bảo tiêu chí của Bộ VHTTDL;  70% ấp, khu phố có nhà văn hóa, khu thể thao được đầu tư trang thiết bị; đồng thời dành tối thiểu 30% thời gian trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em; 80% đơn vị cấp xã có Trung tâm VHTT-HTCĐ; Cấp huyện: 100% đơn vị có Trung tâm VHTT-Truyền thanh đạt chuẩn, 100% có nhà thiếu nhi, 70% đơn vị có quảng trường hoặc công viên văn hóa…

Để hoàn thành các mục tiêu trên, nhiều giải pháp sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện, trong đó tập trung hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất và tập trung huy động nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị; Tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức, bộ máy nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành các thiết chế văn hóa, thể thao; Xây dựng, nâng cao chất lượng hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh Thu Trang

Ảnh trong bài
  • Kiên Giang sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án: "phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2021-2025"