You must configure this module first via "Module Settings"

Bình Dương phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao

Thực hiện Quyết định số 2164/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, trong nhiều năm qua, tỉnh Bình Dương đã chú trọng tập trung xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó, tạo ra sự thay đổi lớn về cảnh quan đô thị cũng như góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, TDTT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

Thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư

Do đặc thù là một trong những tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất trên cả nước, bởi vậy ngoài việc đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ nhân dân, công nhân lao động luôn được các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt được đặt ra nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển TDTT.

Theo thống kê, hiện 9/9 huyện, thị đều có trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao; 60% xã phường có trung tâm văn hóa, thể thao học tập cộng đồng. Bên cạnh hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao do ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng, các Khu công nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể chính trị cũng đầu tư xây dựng một số thiết chế như: Khu công nghiệp Mỹ Phước (thị xã Bến Cát) đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng nhà hát sân khấu ngoài trời phục vụ công nhân lao động cụm khu công nghiệp Mỹ Phước; Cụm sân bóng đá KCN Mỹ Phước với 06 sân đạt tiêu chuẩn và hằng năm đều duy trì tổ chức Đại hội TDTT cơ sở các Khu công nghiệp Mỹ Phước.

Thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư tạo điều kiện cho phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh mẽ 

Liên đoàn Lao động tỉnh đã đầu tư xây dựng công trình “Trung tâm Văn hóa Thể thao công nhân lao động Bình Dương” tại thành phố Thuận An, trên khu đất rộng 2,3 ha với tổng số vốn đầu tư ban đầu là 72,8 tỷ đồng. Đây là công trình lớn có ý nghĩa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho CNLĐ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn ngoài khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao như: Trung tâm Văn hóa, Trung tâm thể thao cộng đồng, Nhà thi đấu đa năng, hồ bơi, sân bóng đá, bóng chuyền, … tiêu biểu có các đơn vị như: Công ty Becamex; Công ty Cao su Dầu Tiếng; Công ty Cao su Phước Hòa; Công ty Cấp thoát nước và Môi trường; Công ty Vật liệu và Xây dựng Bình Dương; Nhà máy Toa xe Dĩ An, Công ty Becamex, Công ty Thanh Lễ...…để phục vụ công nhân lao động tại đơn vị.

Ông Lê Văn Thái - Phó Giám Đốc Sở VHTTDL Bình Dương cho biết: Ngoài các công trình đã dược đầu tư xây dựng, trong quy hoạch của tỉnh cũng như của ngành đã tích hợp đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Cụ thể, các địa phương đã lập quy hoạch để đầu tư xây dựng và có phân kỳ đầu tư từ nay đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.

Thúc đẩy các hoạt động văn hóa, thể thao phát triển

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được đầu tư đã góp phần thúc đẩy các hoạt động TDTT quần chúng của tỉnh ngày càng phát triển. Các chỉ số về phát triển TDTT gia tăng hàng năm. Đến năm 2023, số người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn tỉnh đạt trên 38%, số hộ gia đình tập luyện TDTT thường xuyên đạt trên 31,5%. Trong đó, số thanh niên công nhân lao động đạt trên 40.000 người, chiếm 3% tổng số công nhân toàn tỉnh. Các môn thể thao được yêu thích tập luyện chủ yếu là: chạy bộ, đi bộ buổi sáng, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn,…

Hằng năm ngành VHTTDL từ tỉnh đến cơ sở tổ chức hơn 500 cuộc thi đấu thể thao cho các đối tượng nhất là học sinh, sinh viên và công nhân lao động. Ngoài ra, có hàng ngàn hoạt động văn nghệ, thể thao do các cấp công đoàn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức cho công nhân dưới hình thức hội thi, hội diễn, giải giao hữu…

Toàn tỉnh có trên 1000 CLB thể thao cơ sở các môn, phục vụ nhu cầu tập luyện cho các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, một số môn thể thao phát triển mạnh như bóng chuyền, bóng đá (hiện đã có hơn 300 đội bóng chuyền, gần 1.500 đội bóng đá phong trào)

Phong trào TDTT quần chúng đã tạo đà cho thể thao thành tích cao của tỉnh phát triển mạnh mẽ. Năm 2023, các đội thể thao của Bình Dương đã thi đấu và giành được 692 huy chương đạt 141%; có 285 VĐV đẳng cấp quốc gia (139 kiện tướng, 146 cấp I).

Hiện, Bình Dương đang tập trung đào tạo 28 môn thể thao, với 876 VĐV (313 VĐV tuyến tuyển; 246 VĐV tuyến trẻ và 317 VĐV tuyến năng khiếu). Nhiều VĐV của Bình Dương đã tạo nên lịch sử tại các giải thể thao quy mô thế giới như: Bao Phương Vinh (vô địch giải vô địch Billiards carom 3 băng Thế giới và 2 HCĐ giải vô địch Châu Á); Hồ Huy Bình (HCV giải vô địch Thể hình Thế giới lần thứ 14) và Trương Hoàng Long (HCB giải vô địch trẻ Thể hình Thế giới tại Hàn Quốc); Lại Lý Huynh (1 HCV, 2 HCB giải vô địch Cờ tướng Thế giới tại Mỹ, 01 HCB, 1 HCĐ Asiad 19); Trịnh Thị Kim Thanh và Trần Thị Diễm Trang (HCV giải vô địch Bi sắt châu Á tại Malaysia và HCV tại giải vô địch Bi sắt Thế giới tại Thái Lan), Dương Đức Bảo (HCV tại giải vô địch trẻ Muay Thế giới)....

Đặc biệt, các VĐV Bình Dương còn đạt thêm 5 chức vô địch Thế giới các môn: Bida, Cờ tướng, Thể hình, Bi sắt, Muay. Đây cũng là 5 danh hiệu cao quý mà thể thao Bình Dương đạt được lần đầu tiên trong lịch sử, trong đó môn Bida, Cờ tướng và Bi sắt lần đầu tiên thể thao Việt Nam đạt được chức vô địch thế giới.

Bài, ảnh VD

Ảnh trong bài
  • Bình Dương phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao