You must configure this module first via "Module Settings"

Hà Giang nâng cao thể lực, tầm vóc thế hệ tương lai theo Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị

Thực hiện tốt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030; xây dựng hệ thống chỉ số rèn luyện, đánh giá thể lực con người Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và tỉnh Hà Giang đặt ra trong thời gian tới.

Những kết quả đạt được

Sau hơn 10 năm thực hiện Đề án, tỉnh Hà Giang đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, dân số không ngừng nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH.

Ông Nguyễn Hồng Hải-Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang cho biết: Là cơ quan thường trực có nhiệm vụ tham mưu cho tỉnh chỉ đạo thực hiện Đề án; thời gian qua, Sở thường xuyên nắm bắt thông tin, kịp thời điều chỉnh các hoạt động; nâng cao dinh dưỡng, thể chất cho trẻ em ngay từ cấp học đầu đời. Các hoạt động thể dục, thể thao (TDTT) cho mọi người đã phát triển rõ rệt cả về quy mô và chất lượng. Bên cạnh đó, tăng cường xã hội hóa trong xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện và thi đấu. Toàn tỉnh hiện có 32 bể bơi, 18 sân bóng đá cỏ nhân tạo, 18 sân tennis được xây dựng từ các nguồn tài trợ. Đồng thời, quan tâm  tổ chức nhiều giải thể thao thường niên trên địa bàn, tạo không khí rèn luyện, thi đua sôi nổi. Sau hơn 10 năm thực hiện Đề án, các chỉ số về hoạt động TDTT không ngừng tăng. Đến nay, số người tập luyện TDTT thường xuyên là 188.969, chiếm 22% dân số; có trên 530 câu lạc bộ TDTT và trên 19.000 gia đình thể thao.

Bóng rổ là môn thể thao thu hút đông đảo học sinh tham gia tập luyện

Cùng với đó, các hoạt động giáo dục thể chất học đường đã được tăng cường nhằm tận dụng “giai đoạn vàng” để phát triển thể chất cho học sinh. Các hoạt động TDTT trường học có nhiều đổi mới, góp phần tích cực vào rèn luyện, nâng cao sức khỏe cho học sinh. Đồng thời, đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ bản đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giáo dục thể chất được quan tâm tu sửa, xây dựng và mua sắm mới. Sở GD&ĐT và Sở VH,TT&DL đã ký kết nhiều chương trình phối hợp triển khai các hoạt động TDTT trong trường học; từng bước thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh.

Chế độ dinh dưỡng cho học sinh tại các trường bán trú được thực hiện tương đối hiệu quả, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thực phẩm. Ngành Giáo dục đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình Sữa học đường - cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2030 theo Quyết định số 1340 của Thủ tướng Chính phủ… Hoạt động chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số đã được đẩy mạnh. Giai đoạn 2011-2021, toàn tỉnh có trên 636.000 lượt trẻ em được khám, cấp thuốc và tư vấn dinh dưỡng; trong đó, có 28.058 trẻ suy dinh dưỡng nặng được hỗ trợ phục hồi. Hàng năm, có trên 98% trẻ em dưới 5 tuổi được quản lý và chăm sóc theo dõi tăng trưởng; trên 90% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Cùng với đó, giảm tỷ suất tử vong sơ sinh xuống còn dưới 2%. Mặt khác, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ được chú trọng, giảm tỷ suất tử vong mẹ; 89% phụ nữ sinh sản được quản lý thai nghén. Các hoạt động tiêm chủng, khám thai không ngừng tăng qua các năm…

Tiếp tục thực hiện Đề án theo Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị

Thực hiện theo Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị cũng như tiếp tục đẩy mạnh Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam, giai đoạn 2011-2030, trong giai đoạn tới, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh  tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp trọng tâm của Đề án gắn với đổi mới giáo dục thể chất; huy động nguồn nhân lực, cơ sở vật chất đầu tư các thiết chế thể thao. Tăng cường truyền thông về dinh dưỡng hợp lý và vai trò của thể thao học đường tới học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Tổ chức các hoạt động thể thao gắn liền với nội dung môn học GDTC, đa dạng hóa các hình thức vận động, khuyến khích HSSV tích cực, chủ động tham gia rèn luyện sức khỏe, phát triển thể chất; duy trì việc tập luyện thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, dạy các bài võ Cổ truyền, võ Vovinam... cho HSSV; triển khai và thực hiện nghiêm túc Thông tư số 48/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về HĐTT trong nhà trường; tăng cường tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp trường, tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp trường, thành lập đội tuyển thể thao tham gia các giải thi đấu thể thao do các cấp tổ chức.

Khắc phục khó khăn, tận dụng tối đa điều kiện hiện có của nhà trường để tổ chức thể dục buổi sáng (đối với các trường PTDT nội trú và các trường có học sinh ở bán trú) và thể dục giữa giờ hiệu quả (đảm bảo 100% các trường tổ chức thể dục giữa giờ thường xuyên cho học sinh). Tiếp tục triển khai việc tổ chức dạy võ cổ truyền dân tộc cho học sinh. Tăng cường thành lập các câu lạc bộ thể thao trong nhà trường (trong năm học 2023-2024 mỗi trườngthành lập ít nhất 02 câu lạc bộ thể thao và tổ chức hoạt động có hiệu quả).

Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong đổi mới dạy học và triển khai công tác GDTC, HĐTT; xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe trẻ em, HSSV; xây dựng và khai thác hiệu quả kho học liệu số trong hoạt động dạy học của giáo viên, và hoạt động vận động của HSSV.

Bài, ảnh: Hồng Hạnh

Ảnh trong bài
  • Hà Giang nâng cao thể lực, tầm vóc thế hệ tương lai theo Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị