You must configure this module first via "Module Settings"

Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030

Thực hiện chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển thể thao thành tích cao của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn mới, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Đề án Phát triển Thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030.

Theo đó, đề án được chia làm 2 giai đoạn với mục tiêu giai đoạn 2024 – 2026, tỉnh Bắc Giang hình thành và ổn định hệ thống đào tạo VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh theo 4 tuyến: Học sinh năng khiếu thể thao, đội tuyển năng khiếu, đội tuyển trẻ, đội tuyển tỉnh với số lượng từ 500 – 550 VĐV và trên 100 học sinh năng khiếu thể thao.

Vovinam là môn thể thao được tập trung đầu tư phát triển 

Tập trung đầu tư cho các môn thể thao có thế mạnh của tỉnh, trong đó chú trọng đầu tư phát triển các môn thể thao mũi nhọn, truyền thống của tỉnh, các môn thể thao có trong chương trình thi đấu Đại hội Thể thao toàn quốc, SEA Games, ASIAD, Olympic; nâng cao thành tích các môn thể thao mà VĐV Bắc Giang có thế mạnh, có sự phát triển ổn định về số lượng và chất lượng, trong đó tập trung các môn thể thao trọng điểm, được chia thành 3 nhóm: Nhóm 1: Điền kinh, Cờ vua, Cầu lông, Đá Cầu, Vật; Nhóm 2: Wushu, Jujitsu, Cờ tướng, Cầu mây, Cử tạ, Boxing; Nhóm 3: Đẩy gậy, Vovinam, Quần vợt, Judo, Golf.

Hàng năm, tham gia thi đấu giành từ 200 – 230 huy chương các loại, trong đó có 6-8 huy chương quốc tế, đóng góp từ 15-20 VĐV vào các đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia, có từ 50 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X – 2026 phấn đấu đứng từ 15 – 17/65 tỉnh, thành, ngành về tổng sắp huy chương và xếp vị trí thứ nhất các tỉnh miền núi toàn quốc.

Giai đoạn 2027- 2030, tiếp tục duy trì phát triển các môn thể thao thế mạnh giai đoạn trước, duy trì hệ thống đào tạo VĐV tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT từ 550 – 600 VĐV và gần 200 học sinh năng khiếu thể thao cơ sở. Hàng năm tham gia thi đấu giành từ 220 – 250 huy chương các loại, trong đó có 8-10 huy chương quốc tế, đóng góp từ 20-25 VĐV vào các đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia; có từ 70 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ XI năm 2030 phấn đấu trong tốp 15 các tỉnh, thành phố và ngành tham dự Đại hội trong bảng tổng sắp huy chương và tiếp tục xếp thứ nhất các tỉnh miền núi.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Đề án đặt ra các nhiệm vụ: Nghiên cứu, xây dựng ban hành hệ thống chính sách, chế độ đối với HLV, VĐV thể thao phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình thực tế của tỉnh. Bổ sung, tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ HLV, VĐV thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án. Chuẩn hóa đội ngũ HLV, các tiêu chuẩn tuyển chọn, đánh giá trình độ tập luyện của VĐV, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo, thi đấu.

Tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện VĐV các môn thể thao trọng điểm, mũi nhọn, xây dựng lộ trình đào tạo VĐV các môn thể thao Olympic, Asiad. Đầu tư cao, có trọng tâm đối với những môn thể thao có thế mạnh, những VĐV có khả năng tranh chấp huy chương tại các giải quốc gia, khu vực và quốc tế.

Từng bước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng nhu cầu cho công tác huấn luyện, tập luyện, thi đấu các môn thể thao; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác huấn luyện, tập luyện của VĐV đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất cho việc tập luyện của các môn thể thao.

Cùng với đó là 3 nhóm giải pháp sẽ được triển khai đồng bộ. Trong đó, nhóm giải pháp về cơ chế chính sách sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung một số chính sách đặc thù đãi ngộ đối với HLV, VĐV giành được huy chương Olympic, ASIAD, SEA Games; ưu tiên cao đối với các môn thể thao trọng điểm; ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề, tuyển dụng vào biên chế đối với HLV, VĐV đạt thành tích cao. Đẩy mạnh xã hội hóa đối với thể thao thành tích cao; huy động các nguồn lực cho công tác xã hội hóa đối với thể thao thành tích cao của tỉnh, vận động các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tài trợ cho thể thao thành tích cao.

Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực và chuyên môn: xác định TDTT quần chúng là nền tảng, là cơ sở để phát hiện và tuyển chọn VĐV vào các đội tuyển thể thao của tỉnh, vì vậy, các huyện, thành phố và các ngành liên quan cần tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia tập luyện TDTT trong đó lựa chọn các môn thể thao phù hợp với thế mạnh từng địa phương, đơn vị nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển chọn, đào tạo về thể thao thành tích cao của tỉnh; hàng năm tổ chức từ 20-25 giải thể thao cấp tỉnh trong đó có các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh phù hợp với với lứa tuổi tuyển chọn những môn hiện đang đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT.

Đối với thể thao thành tích cao, nâng cao chất lượng trong công tác tuyển chọn, ổn định mô hình đào tạo VĐV thể thao thành tích thể thao theo 4 tuyến để bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa và lâu dài. Hàng năm có kế hoạch thuê HLV giỏi, chuyên gia để huấn luyện cho VĐV có khả năng tranh chấp huy chương ở các giải Quốc gia, khu vực và quốc tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo tuyến năng khiếu thể thao ở cơ sở.

Cùng với đó, Bắc Giang tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất, công trình thể thao và đầu tư trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu các môn thể thao thành tích cao và đăng cai tổ chức các giải cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Theo đó, trong giai đoạn 2024-2026, tỉnh sẽ xây dựng Sân vận động tỉnh (bao gồm cả sân Điền kinh) theo lộ trình; khu tập luyện và thi đấu thể thao dưới nước (bể bơi theo tiêu chuẩn quốc gia); xây dựng các nhà tập tại khu quy hoạch sân vận động phục vụ cho đội tuyển của một số môn như Vật, các môn Võ. Xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác huấn luyện thể thao thành tích cao như: Nhà tập thể lực, phòng xông hơi hồi phục, trang bị dụng cụ kiểm tra y sinh… Mua sắm các trang thiết bị tập luyện chung và chuyên môn cho các đội tuyển thể thao của tỉnh.

Giai đoạn 2027 – 2030, tiếp tục khai thác có hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất hiện có; đồng thời, đẩy nhanh lộ trình xây dựng Sân vận động tỉnh, khu tập luyện và thi đấu thể thao dưới nước; Tăng cường đầu tư mua sắm, bổ sung trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng yêu cầu phục vụ cho công tác huấn luyện thể thao thành tích cao.

Ngoài ra, ngành VHTTDL Bắc Giang sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, hợp tác phát triển thể thao thành tích cao, ứng dụng khoa học - công nghệ, y học trong phát triển thể thao thành tích cao…

Việc triển khai Đề án phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030 được xây dựng và triển khai thực hiện nhằm đưa thể thao thành tích cao của tỉnh phát triển xứng tầm và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát huy nhân tố con người là trung tâm làm lành mạnh môi trường văn hóa, lối sống trong cộng đồng dân cư, phát triển nhân tài, nâng cao vị thế tỉnh Bắc Giang với các tỉnh, thành, ngành trong cả nước, khu vực và quốc tế. Nội dung cũng như nhưng mục tiêu, giải pháp được đặt ra trong đề án được triển khai sẽ góp phần cụ thể hóa Kết luận 70/KL-TW về phát triển TDTT trong tình hình mới vừa được Bộ Chính trị ban hành.

Bài, ảnh Hồng Liên

Ảnh trong bài
  • Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030