Xác định xã hội hóa là giải pháp phát triển bền vững cho hoạt động TDTT, góp phần giảm chi cho ngân sách nhà nước và làm phong phú, sôi nổi các hoạt động thể thao, tỉnh Bắc Ninh đã tích cực vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ và hỗ trợ kinh phí tổ chức các hoạt động TDTT.
Để công tác xã hội hóa TDTT được triển khai hiệu quả, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế, tạo điều kiện và khuyến khích các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các công trình thể thao. Nhờ đó, không ít đơn vị, doanh nghiệp có điều kiện đã tích cực đầu tư xây dựng các công trình TDTT, vừa phục vụ nhu cầu tập luyện của đơn vị vừa tổ chức khai thác kinh doanh hiệu quả… góp phần mang lại luồng sinh khí mới cho phong trào TDTT.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển. Các cơ sở TDTT bán công, dân lập, tư nhân được hình thành dưới hình thức Trung tâm TDTT, Trung tâm thể dục thẩm mỹ, Trung tâm thể dục thể hình, hay các doanh nghiệp tư nhân đa ngành kết hợp dịch vụ thể thao… Toàn tỉnh hiện có hơn 2.160 CLB, điểm, nhóm luyện tập TDTT thường xuyên, thu hút hàng vạn người tham gia; có 7 liên đoàn thể thao cấp tỉnh và hơn 300 cơ sở, điểm tập TDTT ngoài công lập; tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên đạt 39,3% và gia đình thể thao đạt 33,5%; 100% trường học bảo đảm chương trình giáo dục thể chất và thực hiện tốt các hoạt động thể thao ngoại khóa; trên 99% cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn về rèn luyện thân thể.
Nhiều giải đấu thường niên được tổ chức đều gắn với thương hiệu của các nhà tài trợ như: Giải chạy Nagakawa “Khỏe để lập nghiệp và giữ nước” Cúp Báo Bắc Ninh; giải bóng đá Thanh niên Bắc Ninh-Cúp Truyền hình, giải bóng chuyền nữ Quốc tế Cúp LienViet Post Bank, Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng…
Ở lĩnh vực thể thao thành tích cao, công tác xã hội hóa cũng được tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Khuyến khích các cá nhân, tổ chức tự túc lo kinh phí tham gia các giải thể thao quốc gia, quốc tế ở các môn Võ cổ truyền, Vật, Cầu lông, Cờ vua, Quần vợt, Judo... Ngoài ra, một số CLB, hay môn thể thao dù chưa nhận được sự đầu tư toàn diện của tỉnh cũng đã tự đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, đào tạo VĐV, tự túc kinh phí tham gia các giải thể thao.
Phong trào bóng chuyền hơi được thúc đẩy ở Phú Thọ
Tại Phú Thọ, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, việc huy động các nguồn lực xã hội đã thúc đẩy phong trào TDTT phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Các địa phương đều có hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế TDTT đáp ứng nhu cầu tập luyện của nhân dân. Nhiều địa phương, đơn vị đã khắc phục khó khăn về diện tích sân chơi, bãi tập, chủ động đầu tư thiết bị, tận dụng khoảng không gian trống trong khuôn viên trụ sở, đơn vị để làm sân tập luyện, thi đấu.
Xác định phong trào TDTT quần chúng là nền tảng quan trọng để phát hiện nhân tố mới cho thể thao thành tích cao của tỉnh, các cơ quan, đơn vị đều quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa thể thao. Nhiều CLB như: bóng chuyền da, bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng bàn, quần vợt được thành lập ở các cơ quan, đon vị để cán bộ, công nhân viên tham gia tập luyện.
Tại các huyện Đoan Hùng, Yên Lập, Thanh Sơn, Thanh Thủy, nhiều xã có 100% khu dân cư thành lập được các đội bóng chuyền hơi nam - nữ; các nhà văn hóa đều có sân chơi thể thao. Một số giải thể thao phong trào như Việt dã Báo Phú Thọ - cúp Hùng Vương, Cây vợt trẻ Báo Phú Thọ - cúp VNPT; giải bóng đá nam phong trào tranh cúp Hùng Vương; giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng Cúp Truyền hình... đều nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ kinh phí tổ chức giải đấu.
Song song với đó, phong trào TDTT học đường phát triển cũng nhờ một phần không nhỏ vào công tác xã hội hóa. Các trường học trên địa bàn tỉnh đều quan tâm đầu tư dụng cụ tập luyện đa dạng, phong phú, nhiều sân tập, nhà đa năng được sửa chữa, xây mới.
Tại Hà Nam, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT đã mang lại những kết quả tích cực. Nhiều đơn vị, cá nhân đầu tư xây dựng, lắp đặt các loại hình bể bơi, xây dựng sân cỏ nhân tạo, xây nhà thi đấu, nhà văn hóa, sân bóng đá, bàn bóng bàn, đầu tư dụng cụ tập luyện và thi đấu TDTT…
Hà Nam hiện có gần 1.300 CLB TDTT; 1.645 điểm, nhóm tập luyện TDTT; 20 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động TDTT; gần 1.170 sân TDTT trong cơ quan, đơn vị, công trình công lập và hàng trăm sân TDTT tận dụng khác.
Xã hội hóa cũng giúp Thể thao thành tích cao Hà Nam phát triển 7 môn, thể thao gồm: Bơi, Lặn, Vật, Jujitsu, Bóng đá nữ, Điền kinh, Đua thuyền, Quần vợt và Taekwondo. Các nguồn xã hội hóa này đã tháo gỡ phần nào khó khăn về cơ sở vật chất trong tập luyện và chế độ cho VĐV.
Nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động xã hội hóa ở lĩnh vực TDTT trong thời gian tới, Sở VHTTDL Hà Nam chủ trương hối hợp với các tổ chức, đơn vị nhằm thực hiện sáng tạo và hiệu quả công tác này. Một chủ trương nữa là tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức của những người chơi thể thao là muốn tham gia thi đấu các giải thể thao, người đăng ký tham gia phải đóng kinh phí. Việc đóng kinh phí đồng thời cũng là cam kết của VĐV không bỏ khi đã đăng ký tham gia thi đấu, dần nâng cao ý thức trách nhiệm của các VĐV và tinh thần Fair Play trong thể thao.
Đối với Nam Định, công tác xã hội hóa TDTT trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp tham gia tài trợ các hoạt động thi đấu TDTT, đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều cá nhân và doanh nghiệp đầu tư xây dựng sân bãi TDTT như: sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân bóng chuyền, sân quần vợt, sân cầu lông, bể bơi, phòng tập thẩm mỹ - thể hình, phòng tập võ đã phục vụ tốt nhu cầu tập luyện, thi đấu thể thao của nhân dân.
Xã hội hóa tổ chức các giải thể thao được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bởi vậy , ngành VHTTDL, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có những cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện có hiệu quả công tác này, trong đó khuyến khích phát triển các mô hình kinh doanh dịch vụ TDTT tư nhân ; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, các mạnh thường quân để duy trì tổ chức các giải đấu thể thao hàng năm, nhằm góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Các huyện: Giao Thủy, Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu là những địa phương tiêu biểu trong công tác xã hội hóa tổ chức các giải thể thao. Không chỉ các môn thể thao phổ biến như bóng đá, bóng chuyền, nhiều giải đấu thể thao khác như võ thuật, bóng bàn, cầu lông, bơi lội... đã được các địa phương trong tỉnh quan tâm tổ chức dưới hình thức xã hội hóa.
A.T, ảnh Đức Hoàng