You must configure this module first via "Module Settings"

Xã hội hóa – đòn bẩy cho sự phát triển TDTT ở Bà Rịa – Vũng Tàu

Những năm qua, công tác TDTT của tỉnh có nhiều khởi sắc cả về thể thao quần chúng lẫn thể thao thành tích cao. Để có được kết quả đó, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động TDTT với những chính sách phù hợp đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng chung tay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị cũng như đóng góp kinh phí tổ chức các giải thi đấu thể thao.

Huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng, kinh phí tổ chức các hoạt động TDTT

Trên địa bàn thành phố Vũng Tàu, nhiều công trình TDTT được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Trong đó, Cụm liên hợp thể thao Quần vợt – Bóng đá tại địa chỉ 262, Lê Lợi, phường 7, TP.Vũng Tàu thuộc Công ty Cổ phần thể thao Vũng Tàu là một minh chứng rõ nhất về việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT trên địa bàn tỉnh. Cụm liên hợp thể thao với diện tích 1.5ha, có mức đầu tư gần 10 tỷ đồng bao gồm 9 sân tennis, 2 sân bóng đá mini bằng cỏ nhân tạo, phòng tập gym đã góp phần đáp ứng nhu cầu sân chơi, bãi tập phục vụ nhân dân tập luyện TDTT.

Nhờ đẩy mạnh xã hội hóa, nhiều sân cỏ nhân tạo được tư nhân đầu tư kinh phí xây dựng đã góp phần đáp ứng nhu cầu sân chơi, bãi tập cho thanh, thiếu niên 

Tiếp đến là khu tập luyện Bi sắt thuộc sở hữu của gia đình ông Nguyễn Minh Phúc (ở 752/9, Trần Phú, phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) với 3 sân tập luyện Bi sắt đã giúp cho những người yêu thích môn thể thao này được thỏa sức đam mê với mức phí phù hợp.

Không chỉ ở thành phố, tại các địa phương, công tác xã hội hóa cũng được đẩy mạnh. Tiêu biểu như huyện châu Đức, hiện trên địa bàn huyện có 40 sân bóng đá, 40 sân bóng chuyền, 9 sân quần vợt và khoảng 100 nhà tập luyện thi đấu TDTT. Trong số các công trình TDTT trên, có hơn 50% là các công trình thể thao ngoài công lập, phục vụ đa dạng nhu cầu tập luyện, thi đấu thể thao của nhân dân.

Một trong những công trình TDTT được xây dựng từ nguồn xã hội hóa đó là sân bóng đá mini cỏ nhân tạo của Trường THPT Nguyễn Du, huyện Châu Đức. Công trình được hoàn tất và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2023 với diện tích gần 1.100m2, với tổng kinh phí đầu tư hơn 500 triệu đồng. Công trình được đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, giáo viên, cán bộ công nhân viên chức nhà trường có được sân chơi lành mạnh, bổ ích sau mỗi giờ học tập, làm việc căng thẳng. Đây cũng là điều kiện quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và phát triển toàn diện cho học sinh cũng như phong trào bóng đá của huyện.

Bên cạnh đó, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhiều công trình TDTT, trang thiết bị tập luyện được lắp đặt tại các Nhà văn hóa thôn, Trung tâm Văn hóa cũng được huy động từ nguồn xã hội hóa bằng ngày công, kinh phí đóng góp của nhân dân. Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe của nhân dân.

Thúc đẩy phong trào TDTT phát triển

Đóng góp vào thành tích chung của công tác TDTT tỉnh, phải kể đến sự chung tay, đồng hành của các cá nhân, doanh nghiệp trong việc đóng góp kinh phí tổ chức các giải thể thao phong trào. Nhiều giải đấu có quy mô lớn do cá nhân, doanh nghiệp tổ chức. Ước tỉnh, tổng kinh phí tổ chức các giải đấu được huy động từ nguồn xã hội hóa mỗi năm trên địa bàn tỉnh hàng chục tỷ đồng. 

Trong năm 2023, riêng huyện Châu Đức đã huy động nguồn kinh phí xã hội hóa tổ chức trên 20 giải thể thao. Trong đó, Giải Quần vợt doanh nhân huyện mở rộng năm 2023 đã vận động được gần 2 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm để thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện như tặng gạo, tiền cho người nghèo, người già neo đơn, gia đình chính sách…Hay tại Giải Golf an sinh xã hội đã kêu gọi được gần 7,5 tỷ đồng và 5 căn nhà. Số tiền và hiện vật trên được trao tới những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi. Trước đó, trong lần đầu tổ chức đầu tiên vào năm 2022, giải cũng đã kêu gọi được hơn 6 tỷ đồng và 6 căn nhà đại đoàn kết.

Những kết quả trên có thể khẳng định, công tác xã hội hóa đã thúc đẩy sự phát triển TDTT trong thời gian qua, đem lại hiệu quả xã hội tích cực. Việc các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư cho cơ sở vật chất TDTT đã góp phần nâng cao thể chất của nhân dân, đồng thời san sẻ được "gánh nặng" đầu tư của nhà nước. Cùng với đó, các giải thể thao được tổ chức bằng hình thức xã hội hóa đã huy động được tiềm lực kinh tế ngoài nhà nước, từ đó giúp tạo sân chơi bổ ích, nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

Ông Huỳnh Đức Dũng, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, cùng với nguồn ngân sách chi cho sự nghiệp TDTT, phong trào TDTT ngày càng phát triển mạnh mẽ, không thể không kể đến sự chung tay của các tổ chức, cá nhân trong việc tài trợ, ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, cũng như đồng hành trong việc tổ chức giải phong trào tại các địa phương. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình xã hội hóa, huy động được các nguồn lực để đầu tư xây dựng sân chơi thể thao mới như: hồ bơi, sân bóng đá, cầu lông, phòng tập thể dục, thể hình,… với chi phí đầu tư từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng.

Để thúc đẩy phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới Bà Rịa Vũng Tàu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác xã hội hóa, qua đó thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về việc xã hội hóa hoạt động TDTT; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đưa vào kinh doanh các loại hình thể thao như: bể bơi, sân cỏ nhân tạo, xây dựng nhà thi đấu, sân bóng đá, bóng bàn… để đáp ứng nhu cầu tập luyện của nhân dân.

VD

Ảnh trong bài
  • Xã hội hóa – đòn bẩy cho sự phát triển TDTT ở Bà Rịa – Vũng Tàu