You must configure this module first via "Module Settings"

Tư tưởng về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Là một người có tấm lòng nhân ái, tình yêu thương con người hết thảy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu nỗi khổ của người dân, đặc biệt là những người cần lao. Chính vì vậy, trong rất nhiều bài viết, bài nói chuyện của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập nhiều đến tiết kiệm và thực hành tiết kiệm. Vấn đề tiết kiệm và thực hành tiết kiệm đã trở thành một trong những nội dung nằm trong hệ thống tư tưởng của Người.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, tiết kiệm không phải là bủn xỉn mà những việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì mất bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. “Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực” - (Hồ Chí Minh toàn tập).

Trong điều kiện đất nước gặp nhiều khó khăn, do luôn phải chịu sự áp bức bóc lột của bọn Phong kiến tay sai và Đế quốc xâm lược, càng cần phải tiết kiệm để phục vụ cho kháng chiến và công việc kiến quốc. Chỉ có tiết kiệm mới có thể tăng thêm nguồn vốn xây dựng đất nước, góp phần nhanh chóng đưa nước ta thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu.

Hồ Chí Minh đã chỉ ra 3 nội dung cơ bản của việc tiết kiệm, đó là: Tiết kiệm sức lao động. Tức là phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất lao động, “1 người làm bằng 2, 3 người”; Tiết kiệm thời giờ. Bác nói: “Thời giờ tức là tiền bạc”; “Một tấc bóng là một thước vàng”. Tiết kiệm thời giờ của mình và tiết kiệm thời giờ của người khác; Tiết kiệm tiền của. Phải tiết kiệm tiền của của Nhà nước, của nhân dân và của chính mình. Việc này liên quan tới tiết kiệm sức người, tiết kiệm thời giờ...

Để làm được điều đó, tất cả mọi người đều phải tiết kiệm. Đi đầu trong việc thực hiện tiết kiệm là các cơ quan, bộ đội, xí nghiêp. Nội dung của tiết kiệm phải cụ thể, thiết thực ngay trong từng vị trí công tác của từng cá nhân. Bộ đội, chiến sỹ thì tiết kiệm đạn, quân nhu, chiến lợi phẩm; cán bộ cơ quan hành chính thì tiết kiệm thời gian, giấy mực...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Ai mang vàng vứt đi là người điên rồ. Ai mang thời giờ vứt đi là người ngu dại”. Đặc biệt đối với những người cán bộ, Đảng viên, Người nhấn mạnh “từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân... làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm... Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cá nhân, tập thể, nhất là các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước đã không ngừng triển khai thực hiện các biện pháp về thực hành, tiết kiệm (điện, nước, giấy mực, cải cách thủ tục hành chính giảm thiểu tối đa về thời gian, công sức, tiền của của nhân dân...), tạo thành phong trào thi đua rộng khắp trong đông đảo quần chúng nhân dân. Kết quả đó đã góp phần thực hiện thành công Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".


Việt Dũng



Ảnh trong bài
  • Tư tưởng về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh