You must configure this module first via "Module Settings"

Xã hội hóa góp phần thúc đẩy phong trào TDTT ở thành phố Sông Công - Thái Nguyên

Những năm gần đây công tác TDTT ở thành phố Sông Công – tỉnh Thái Nguyên đã phát triển mạnh mẽ cả về TDTT quần chúng lẫn thể thao thành tích cao. Nhiều VĐV của thành phố đã đạt thành tích cao tại các giải đấu, các kỳ Đại hội TDTT cấp tỉnh. Đóng góp vào sự thành công trong công tác phát triển TDTT của thành phố một phần là nhờ làm tốt công tác xã hội hóa TDTT.

Trong những năm qua, các cấp chính quyền thành phố Sông Công đã ban hành những cơ chế, chính sách đúng đắn về xã hội hóa TDTT, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư cho lĩnh vực TDTT, trong đó phải kể đến chính sách ưu đãi thuế với các cơ sở ngoài công lập, chính sách về đất đai - quy hoạch đất cho các thiết chế văn hóa và TDTT…

Cùng với đó, thành phố cũng khuyến khích việc hình thành các CLB TDTT đơn môn, đa môn trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều người tham gia luyện tập TDTT. Theo thống kê, hiện toàn thành phố có trên 100 CLB TDTT thuộc các bộ môn: Bóng bàn, bóng đá, bóng chuyền hơi, cờ tướng, cầu lông, quần vợt, dưỡng sinh... Các CLB đều hoạt động theo hình thức xã hội hóa, người dân tự bố trí sân bãi, tự mua sắm trang phục, dụng cụ thi đấu và kinh phí tham gia các giải.

Nhờ sự chung tay đóng góp của các tổ chức, cá nhân, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT được ra đời, góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố. Đến nay, toàn thành phố có 15 nhà thi đấu cầu lông, 150 sân cầu lông, 178 sân bóng chuyền hơi, 12 sân bóng đá mini, gần 150 sân tập thể thao đơn giản và các phòng tập các môn như: thể hình, khiêu vũ, Yoga…Hiện 145/145 xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa và các điểm vui chơi, tập luyện TDTT, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động TDTT tại địa phương.

Câu lạc bộ Dân vũ - thu hút đông đảo chị em tham gia tập luyện và biểu diễn tạo không khí thi đua sôi nổi (Ảnh: Ng. Ánh)

Hầu hết các công trình, hoạt động TDTT này đều được đầu tư và đầu tư một phần từ nguồn vốn xã hội hóa. Trong 5 năm trở lại đây, qua công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT, thành phố Sông Công đã thu hút được các nhà đầu tư đóng góp kinh phí với số tiền trên 2 tỷ đồng phục vụ cho việc xây dựng, nâng cấp, tu sửa các công trình TDTT trên địa bàn thành phố. Ngoài các công trình TDTT có quy mô, riêng biệt có vốn đầu tư lớn, thành phố còn huy động các nguồn lực đầu tư mua sắm trang thiết bị, dụng cụ TDTT lắp đặt tại các công viên, vườn hoa và các điểm sinh hoạt công cộng phục vụ người dân tập luyện TDTT.

Đơn vị điển hình trong việc thực hiện xã hội hóa TDTT phải kể đến đó là phường Mỏ Chè - đơn vị trung tâm của thành phố đã tích cực vận động nhân dân, các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp kinh phí để lắp đặt các bộ dụng cụ luyện tập TDTT ngoài trời tại 4 điểm trên các tuyến phố trung tâm. Mỗi điểm được lắp đặt 6 bộ thiết bị qua đó, tạo sân chơi giải trí lành mạnh, thu hút đông đảo nhân dân tham gia luyện tập.

Không chỉ mua sắm lắp đặt các dụng cụ tập luyện ngoài trời, chính quyền các cấp phường Mỏ Chè cũng khuyến khích các tổ dân phố kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa cho TDTT gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Qua đó, tất cả các tổ dân phố trên địa bàn phường đều xây dựng được phong trào TDTT sôi nổi. Tiêu biểu như tổ dân phố An Châu 1 đã xây dựng sân bóng chuyền hơi, sân cầu lông trị giá trên 100 triệu đồng; xây dựng khu vui chơi cho trẻ em, lắp đặt thiết bị TDTT ngoài trời trị giá trên 120 triệu đồng…

Hay mới đây, trong năm 2023, các hộ dân trong tổ dân phố 1, phường Châu Sơn, đã chung tay đóng góp gần 20 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp sân luyện tập thể thao có diện tích 190m2. Gần đây, tổ dân phố 1 cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phối hợp với Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công bàn giao công trình TDTT ngoài trời với kinh phí trên 50 triệu đồng.

Bà Dương Thị Sen, Tổ trưởng tổ dân phố 1, cho biết: Trước đây, khuôn viên Nhà văn hóa nhỏ hẹp nên hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của tổ bị hạn chế. Sân thể thao được mở rộng, đổ bê tông sạch sẽ đã thu hút đông đảo người dân tham gia luyện tập. Tổ đã thành lập được một số CLB như: Bóng chuyền hơi, dưỡng sinh, dân vũ...

Không chỉ riêng ở Châu Sơn mà nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố, việc lắp đặt các dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời cũng được thực hiện tốt. Tính riêng giai đoạn 2021-2023, thành phố Sông Công đã huy động nguồn lực trên 600 triệu đồng để lắp đặt gần 200 bộ TDTT ngoài trời tại các điểm công cộng. Các thiết bị tập luyện TDTT ngoài trời được bàn giao cho các xóm, tổ dân phố quản lý.

Với sự quan tâm của các cấp, ngành và chính quyền địa phương, đặc biệt là sự chung tay của các tổ chức, cá nhân trong công tác xã hội hóa TDTT đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn thành phố Sông Công phát triển rộng khắp. Đến nay, số người luyện tập TDTT thường xuyên trên địa bàn thành phố đạt 44%; 27% gia đình luyện tập thể thao; 134/145 xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa...

Theo ông Nghiêm Văn Hà, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Sông Công: Cùng với tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tập luyện của nhân dân cũng được thành phố quan tâm thực hiện phù hợp với điều kiện, nguồn lực của địa phương.

Trong kế hoạch phát triển TDTT của thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt trên 47% số dân luyện tập thể thao thường xuyên. Chính vì vậy, thời gian tới, Sông Công tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân nhận thức được ý nghĩa của việc luyện tập TDTT thường xuyên. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung và nâng cấp hệ thống nhà tập, sân tập, dụng cụ phục vụ hoạt động tập luyện, thi đấu TDTT; Thường xuyên tổ chức các hoạt động thể thao, giải thi đấu kết hợp với hoạt động văn hóa, văn nghệ, giải trí, nhằm thu hút cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân tham gia.

Ng.Ánh

Ảnh trong bài
  • Xã hội hóa góp phần thúc đẩy phong trào TDTT ở thành phố Sông Công - Thái Nguyên