Việc tập luyện TDTT đang dần trở thành thói quen thường xuyên của đông đảo cán bộ, người dân sau những giờ lao động mệt nhọc. Nhiều bộ môn thể thao đã trở nên phổ biến, được người dân yêu thích và hăng say tập luyện như: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Bơi, Thể dục dưỡng sinh… Các khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đã tiến hành xây dựng, đưa việc tham gia tập luyện TDTT vào tiêu chí thi đua xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan văn hóa. Từ đó đẩy mạnh phong trào tập luyện thể thao; góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, giáo dục đạo đức, nhân cách, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Hằng năm, Sở VHTTDL tỉnh duy trì tổ chức Ngày chạy “Olympic vì sức khỏe nhân dân”; Giải việt dã Tiền Phong “Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng”; Tháng hành động TDTT cho mọi người; Lễ phát động phong trào “toàn dân tập luyện môn Bơi và phòng chống, đuối nước trẻ em”; các giải thi đấu thể thao, hội thi thể thao. Chú trọng phát triển các môn thể thao hiện đại, thế mạnh của địa phương, như: Đẩy gậy, Kéo co, Vật dân tộc. Tung Còn, Bắn nỏ… và các trò chơi dân gian như Nhảy bao bố, Đi cà kheo. Các hoạt động thể thao được tổ chức lồng ghép với các hoạt động văn hóa vào các dịp lễ hội, các ngày kỷ niệm của đất nước, dân tộc. … Qua đó, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức cũng như hành động của các cấp chính quyền cũng như người dân về vai trò, tầm quan trọng của tập luyện TDTT đối với sức khỏe cũng như trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp trong việc đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dụng cụ tập luyện nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân. Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, nhiều tổ chức, cá nhân đã tích cực ủng hộ trang thiết bị tập luyện thể thao cho khu dân cư, cơ quan, đơn vị; nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở kinh doanh TDTT như phòng tập Gym, Yoga, Bóng bàn; Bể bơi thông minh, xây dựng sân cỏ nhân tạo…Theo đó, đến nay, toàn tỉnh có 15 sân vận động, hơn 1.600 sân tập luyện bóng đá phổ thông; hơn 2.600 sân bóng chuyền, cầu lông; gần 70 sân tennis; hàng chục bể bơi đạt chuẩn và khoảng hơn 1.000 hộ có sân chơi cầu lông, sân bóng chuyền hơi và bàn bóng… Hiện toàn tỉnh có hơn 1.500 CLB TDTT; gần 2.000 cộng tác viên TDTT; gần 280.000 người và gần 68.000 gia đình thường xuyên tập luyện thể thao; 100% trường học các cấp bảo đảm công tác giáo dục thể chất; 85% trường học duy trì các hoạt động TDTT ngoại khóa; 100% cán bộ, chiến sĩ Quân đội và Công an đạt tiêu chí rèn luyện thân thể thường xuyên...
Giải thi đấu Bắn nỏ được ngành VHTTDL tỉnh Thái Nguyên duy trì tổ chức hàng năm (Ảnh: Ng. Công)
Bên cạnh các công trình TDTT chuyên biệt, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được đầu tư, xây dựng. Toàn tỉnh hiện có 1.460 thiết chế văn hóa –thể thao cơ sở đạt chuẩn (đạt 67,12%). Đây là năm thứ 3, tỉnh Thái Nguyên đã, đang triển khai “Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2035” với nguồn vốn hơn 4.675 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương gần 3.100 tỷ đồng, nguồn huy động khác và xã hội hóa hơn 658 tỷ đồng.
Song song với việc phát triển phong trào, đầu tư cơ sở vật chất, ngành VHTTDL tỉnh còn chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng chuyên môn. Trong đó, duy trì tổ chức mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho hàng trăm lượt cán bộ, hướng dẫn viên, cộng tác viên cơ sở về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xây dựng, duy trì hoạt động CLB TDTT.
Thông qua các giải đấu thể thao, nhiều VĐV có năng khiếu, tố chất được lựa chọn, bổ sung vào các đội tuyển thể thao thành tích cao của tỉnh tham gia các giải đấu toàn quốc, khu vực. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm gần đây, thể thao thành tích cao tỉnh Thái Nguyên đã từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ quốc gia. Kết quả tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, Thái Nguyên giành 59 huy chương các loại (18 HCV (đạt 150% chỉ tiêu được giao), 15 HCB, 26 HCĐ), xếp thứ Nhất trên tổng số 19 tỉnh miền núi toàn quốc, xếp thứ 14 trên 65 đoàn các tỉnh thành, ngành tham dự Đại hội (vượt 6 bậc so với chỉ tiêu được giao).
Theo chia sẻ của Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên Đoàn Văn Công: Để thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện, nâng cao sức khỏe, tinh thần, hằng năm, Sở chủ động ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, trường học, địa phương tham gia cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Đặc biệt, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thể thao được đầu tư xây dựng là nền tảng quan trọng giúp phong trào TDTT quần chúng của tỉnh từng bước phát triển.
Để TDTT quần chúng và phong trào rèn luyện thân thể tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức nhiều hoạt động đa dạng; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về tầm quan trọng của TDTT.
Ng.Ánh