Với khẩu hiệu “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, các tầng lớp nhân dân ở Lộc Hà đã tích cực tham gia hoạt động rèn luyện thể dục, thi đấu thể thao. Phong trào diễn ra sôi nổi trong mỗi gia đình, từng thôn xóm, lan tỏa khắp các tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị, trường học. Mỗi người, mỗi độ tuổi, mỗi lực lực lượng đều đã lựa chọn cho mình những môn thể thao yêu thích, phù hợp để tập luyện, thi đấu, tìm thêm niềm vui trong cuộc sống.
Có mặt ở huyện Lộc Hà vào mỗi buổi chiều tối mới thấy không khí náo nhiệt nơi đây. Đi qua bất kỳ nhà văn hóa thôn, khu phố hay sân vận động, nhà luyện tập thể thao nào trên địa bàn huyện cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân tích cực luyện tập TDTT; tùy theo từng lứa tuổi, mỗi người lựa chọn cho mình môn thể thao phù hợp để tập luyện.
Chị Nguyễn Thị Thu (thôn An Lộc) chia sẻ: Phong trào tập luyện TDTT đang phát triển mạnh mẽ ở khu dân cư chúng tôi. Dù lúc nông nhàn hay bận rộn, mùa đông hay hè, cứ cuối chiều là có khoảng 40 người có mặt ở các sân chơi thể thao. Không khí sôi nổi, tiếng hò reo khi vui chơi giúp chúng tôi quên đi mệt nhọc sau một ngày làm việc.
Việc tập luyện TDTT không chỉ mang lại sức khỏe và niềm vui đối với nhiều người, không phân biệt độ tuổi, giới tính.Bà Trần Thị Vui (thị trấn Lộc Hà) chia sẻ: Ngoài thời gian làm việc nhà, trông cháu, mỗi buổi chiều tôi đều ra sân bóng chuyền hơi, tập thể thao. Việc luyện tập thể thao giúp tôi rèn luyện sức khỏe và tinh thần thoải mái hơn. Niềm đam mê tập luyện thể thao của bà Vui cũng được lan tỏa đến 2 người con của bà, khi họ đều rất tích cự tham gia các hoạt động thể thao ở địa phương cũng như cơ quan công tác.
Những địa phương có phong trào TDTTnổi bật nhất của huyện gồm các xã Thạch Châu,Mai Phụ, Ích Hậu, Thạch Kim, Thịnh Lộc, thị xã Lộc Hà.. Hiện toàn huyện có 26 CLB thể thao, dân vũ, 13 đội bóng đá thiếu niên, hàng chục đội bóng nhi đồng, 13 đội bóng đá nam, 104 đội bóng chuyền...
Huyện Lộc Hà luôn quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
Để tạo khí thế cho phong trào tập luyện TDTT, hằng năm, Lộc Hà tổ chức 6 - 8 giải thể thao cấp huyện và mỗi địa phương tổ chức khoảng 3 - 5 giải thể thao cấp xã, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia giải; trong đó, nổi bật nhất là các giải bóng đá, bóng chuyền, việt giã, dân vũ, kéo co, đi cà kheo, đua thuyền...”.
Chỉ tính riêng năm 2023, các địa phương, đoàn thể ở Lộc Hà đã tổ chức gần 20 chương trình giao lưu văn nghệ, thi đấu bóng đá nữ, bóng chuyền nữ, bóng chuyền nam... chào mừng các ngày lễ lớn của địa phương, đất nước. Các chương trình văn nghệ, thi đấu thể thao quy tụ được nhiều VĐV, diễn viên không chuyên và thu hút được đông đảo khán giả tham gia cổ vũ.
Trước đó, trong những ngày nghỉ lễ kỷ niệm 78 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, kết hợp rằm tháng Bảy, ở Lộc Hà diễn ra 33 giải thể thao cấp xã (gồm 11 giải bóng đá, 19 giải bóng chuyền, 1 giải kéo co, 1 giải cờ thẻ, 1 giải cờ tướng), 5 chương trình văn nghệ quần chúng và gần 100 cuộc thi đấu thể thao mang tính tự phát của các thôn xóm, dòng họ. Tất cả các chương trình, giải đấu trong dịp nghỉ lễ này đều diễn ra an toàn, đoàn kết, vui tươi, phấn khởi, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng nếp sống văn hóa và lan tỏa không khí ngày lễ lớn của người dân trên địa bàn.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lộc Hà Nguyễn Thị Phương Loan cho biết: Phong trào tập luyện TDTT ở Lộc Hà đang diễn ra khá sôi nổi, đa dạng. Toàn huyện đang có 110 CLB thể thao, tỷ lệ người dân tham gia thể thao thường xuyên đạt 35%, có hàng ngàn gia đình có từ 3 - 5 thành viên luyện tập TDTT liên tục. Qua đó không chỉ gúp người dân rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất mà còn tạo môi trường giao lưu, gặp gỡ, học hỏi lẫn nhau, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, xây dựng gia đình tiến bộ.
Để có được kết quả này, trong những năm qua các cấp các ngành huyện Lộc Hà cũng đã có sự quan tâm đầu tư lớn cho việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.
Theo đó, từ năm 2017 đến nay, huyện Lộc Hà đã huy động được hơn 36 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Nhờ vậy, trên địa bàn đã có 6 sân bóng đá cỏ nhân tạo, 165 sân bóng chuyền, 4 sân tennis, 12/12 xã trong huyện đều đã có sân vận động, 93/93 thôn được quy hoạch sân bóng đá, tất cả các khu dân cư đều có sân cầu lông, khu tập thể dục gắn với khuôn viên nhà văn hóa…
Nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã kêu gọi thêm nguồn đầu tư kinh phí từ nguồn xã hội hóa của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn. Điển hình như ở thị trấn Lộc Hà, một sân bóng đá mini cỏ nhân tạo đã được xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa và trở thành cơ sở đầu tiên thực hiện đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT ở Lộc Hà.
Ngay sau khi được khai trương, sân bóng đá này đã trở thành điểm đến cho những người yêu thích đá bóng. Ngoài những bạn trẻ tìm đến hàng ngày thì ở đây còn tổ chức nhiều hoạt động thể thao quan trọng của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, qua đó góp phần phát triển phong trào TDTT quần chúng, rèn luyện sức khỏe, tăng cường giao lưu, đoàn kết...”.
Hay như thôn Hạ Châu - xã Thạch Châu, người dân đã cùng chung tay ủng hộ kinh phí gần 70 triệu đồng và hàng trăm ngày công để chỉnh trang khuôn viên hội quán, mua sắm dụng cụ thể thao. Những vị trí đẹp, thoáng rộng, bằng phẳng nhất được lựa chọn làm sân bóng chuyền, bóng đá, nơi tập thể dục cho người già..
Nhờ có sân chơi bãi tập khang trang nên cứ tầm 5h chiều là người dân thôn lại gọi nhau tập trung về khu vực nhà văn hóa thôn để chơi thể thao. Người lớn tuổi thì chơi bóng chuyền hơi, đi bộ, thể dục tay không; thanh niên, trung niên chơi bóng chuyền da; các cháu nhỏ thì đá bóng...
Ông Nguyễn Đình Kế - cán bộ Văn hóa xã Thạch Châu cho biết: “Phong trào tập luyện TDTT của xã chúng tôi luôn dẫn đầu toàn huyện. Hiện, toàn xã đã có 11 sân bóng đá, 15 sân bóng chuyền, 11 câu lạc bộ dưỡng sinh, 4 sân bóng bàn... Hằng năm, tỷ lệ gia đình thể thao của xã đạt 70%, số người tham gia tập luyện TDTT đạt 73% dân số”.
Công tác Giáo dục thể chất ở huyện Lộc Hà cũng được các cấp các ngành quan tâm, tạo điều kiện. Theo đó, huyện tiếp tục thành lập và duy trì hoạt động của các CLB Thể thao trong trường học cũng như thường xuyên tổ chức các môn thi đấu (điền kinh, cầu lông, bóng bàn, đẩy gậy, võ Cổ truyền, bóng đá, bóng chuyền…) trong khuôn khổ HKPĐ cấp trường.
Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào TDTT trên địa bàn huyện, trong thời gian tới huyện chú trọng đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn, khu phố; quy hoạch các khu vực tại trung tâm của huyện, xã để dành cho tập luyện TDTT và đầu tư trang thiết bị TDTT, đồng thời khuyến khích thành lập các CLB TDTT trong quần chúng nhân dân… Mặt khác, các cấp, ngành, địa phương cũng tổ chức và xây dựng hệ thống các giải thể thao phong trào, giao lưu thể thao nhằm thu hút đông đảo người dân tham gia, từ đó thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng phát triển.
Bài, ảnh: KC