You must configure this module first via "Module Settings"

Thành phố Sầm Sơn- Thanh Hóa: Đẩy mạnh cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại

Trong những năm qua, Thành phố Sầm Sơn luôn quan tâm đầu tư phát triển TDTT. Ngoài việc phát động khơi dậy tinh thần TDTT trong các cuộc vận động, hoạt động, chương trình, Thành phố đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu TDTT của người dân.

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, các hoạt động TDTT quần chúng tại Thành phố Sầm Sơn được đẩy mạnh, với nhiều hình thức tập luyện, đa dạng về nội dung, qua đó, tạo sức hút trong đời sống người dân. 

Để thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng phát triển,  Thành phố đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể phù hợp với đặc thù địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của việc luyện tập TDTT thường xuyên trong các cấp ủy Đảng cũng như các tổ chức đoàn thể và nhân dân. Hàng năm, Phòng Văn hóa- Thông tin Thành phố duy trì tổ chức các giải thể thao có phong trào phát triển mạnh như: giải bóng đá thiếu nhi Lotteria Challenge Cup; giải bóng đá thanh niên phường Quảng Tiến QT League S3; giải bóng chuyền hơi “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”;...  Các giải đấu đã từng bước được nâng cao về chất lượng cũng như quy mô với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách. Thông qua các giải đấu, giúp các nhà chuyên môn phát hiện, lựa chọn những VĐV có thành tích xuất sắc bổ sung vào đội tuyển thể thao của thành phố.

Thi đấu bơi chải trong lễ hội cầu ngư được tổ chức hàng năm vào các ngày 14, 15/4 âm lịch hàng năm (Ảnh: Ng. Công))

Ngoài những giải thi đấu thể thao với những môn thể thao hiện đại, Thành phố cũng chú trọng duy trì và phát huy các môn thể thao truyền thống, các trò chơi, trò diễn dân gian. Đơn cử như môn bơi chải được tổ chức thường niên vào các ngày 14 và 15/4 âm lịch tại Cảng Lạch Hới, phường Quảng Tiến. Tại đây, các VĐV đến từ các xã, phường trên địa bàn Thành phố, với những tay chèo khỏe mạnh và khéo léo nhất, đã tạo ra những cuộc đua tranh quyết liệt, thu hút đông đảo người dân và du khách đến cổ vũ.

Cùng với bộ môn bơi chải, trong những năm gầy đây bộ môn dân vũ thể thao trên địa bàn thành phố cũng phát triển mạnh. Đây là môn thể thao dễ tập, dễ nhớ và được trình diễn trên nền nhạc, tạo không khí vui nhộn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện, nhất là chị em phụ nữ. Ngoài ra, thành phố luôn duy trì, phát triển các môn thể thao như: đẩy gậy, kéo co, vật dân tộc, võ cổ truyền; các trò chơi dân gian như đi cà kheo, múa lân - sư - rồng, thi vật tay, cờ tướng... Việc tổ chức các môn thể thao, các trò chơi dân gian nói trên ngay trên bãi biển vào mùa du lịch hè hằng năm, đã tạo sức hút lớn đối với người dân và khách du lịch. Đặc biệt, du khách còn được trực tiếp tham gia thi đấu, thử sức với các môn thể thao truyền thống, các trò chơi, trò diễn dân gian, qua đó khám phá thêm những sắc màu văn hóa truyền thống của Thành phố Sầm Sơn.

Thành phố cũng luôn quan tâm tạo điều kiện đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, sân bãi, phục vụ phong trào luyện tập TDTT. Theo thống kê, hiện Thành phố Sầm Sơn có 1 nhà thi đấu thể thao có quy mô và diện tích đáp ứng được nhu cầu tổ chức các giải đấu thể thao trong nhà cấp tỉnh, cấp quốc gia; 3 sân khấu ngoài trời (sân khấu bãi biển) và Công viên Hòn Trống Mái đảm bảo điều kiện tổ chức các sự kiện văn hóa quốc gia và cấp tỉnh.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, chính quyền cũng như nhân dân Thành phố Sầm Sơn đã quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Thành phố đã ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng, cải tạo, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao với mức từ 200 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/công trình. Nhờ đó, trên địa bàn Thành phố ngày càng nhiều các trung tâm văn hóa - thể thao xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn có giá trị hàng chục tỷ đồng. Trong đó phải kể đến nhà văn hóa các xã Quảng Minh và Quảng Hùng...

Đến nay, 100% đơn vị hành chính xã, phường có thiết chế văn hóa; 85/86 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 98,84%. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã phát huy vai trò là điểm đến, là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cũng như tập luyện TDTT của đông đảo nhân dân. Các cấp chính quyền Thành phố cũng không ngừng đổi mới về nội dung hoạt động của các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; Tăng cường quản lý nhà nước đối với các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố.

Thành phố  cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực xã  hội tham gia vào công tác xã hội hóa TDTT. Nhờ đó, ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng các công trình TDTT; đóng góp kinh phí tổ chức các giải thi đấu thể thao, mua sắm trang thiết bị tập luyện TDTT phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí rèn luyện sức khỏe của nhân dân. Nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ TDTT được hình thành và phát triển.

Thể thao trong trường học ngày càng phát triển, 100% trường giảng dạy thể thao trong chương trình, 100% trường có hoạt động ngoại khóa thường xuyên, thu hút đông đảo học sinh tham gia... Bên cạnh đó, các trường học cũng đầu tư sân bãi, trang thiết bị phục vụ dạy học môn giáo dục thể chất.... Phòng GD&ĐT Thành phố, Trung tâm Văn hóa – Thông tin, Thể thao Thành phố tăng cường phối hợp tổ chức các giải thể thao cho học sinh, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thu hút nhiều em tham gia. Điển hình là giải bóng bàn học sinh phổ thông tranh Cúp Long Thành, với sự tham gia của hơn 120 VĐV là các em học sinh đến từ 29 trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn. Đây được xem là giải bóng bàn dành cho học sinh cấp huyện, thị xã, thành phố có quy mô tổ chức lớn nhất trên địa bàn tỉnh từ trước tới nay.

Ông Nguyễn Vũ Long, Giám đốc Công ty TNHH Long Thành, kiêm Chủ nhiệm CLB bóng bàn Long Thành chia sẻ: chúng tôi có chủ trương đưa hoạt động tập luyện, thi đấu Bóng bàn về các trường học. 

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả, công tác TDTT quần chúng cũng như thể thao thành tích cao của Thành phố đã từng bước đi vào ổn định và phát triển vững chắc. Đến nay, tỷ lệ người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt trên 51%, số gia đình thể thao đạt trên 56%. Hằng năm, nhiều CLB TDTT được thành lập và hoạt động hiệu quả,. Hầu hết các CLB đều xây dựng quy chế hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí và duy trì tổ chức nhiều cuộc giao lưu, thi đấu với các CLB trong, ngoài huyện.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới Thành phố Sầm Sơn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động TDTT quần chúng thông qua việc triển khai và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại giai đoạn 2021-2023. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT nhằm huy động sức mạnh toàn xã hội cùng chăm lo, phát triển phong trào TDTT góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân; Chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng VĐV có năng khiếu. Đồng thời, tạo điều kiện huy động các nguồn lực trong xã hội xây dựng thiết chế thể thao, vận động cộng đồng cùng tham gia tập luyện TDTT, góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất; chú trọng phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ TDTT.

Thu Hiền

Ảnh trong bài
  • Thành phố Sầm Sơn- Thanh Hóa: Đẩy mạnh cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại