You must configure this module first via "Module Settings"

Đơn Dương – Lâm Đồng: Phát triển TDTT quần chúng gắn với các hoạt động văn hóa, du lịch

Những năm qua, hoạt động TDTT luôn được các cấp chính quyền huyện Đơn Dương - tỉnh Lâm Đồng quan tâm, chú trọng. Với việc đa dạng hóa các hình thức luyện tập, các chương trình, nội dung thi đấu phong trào đã thu hút mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe, cũng như tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và để đưa phong trào TDTT phát triển sôi nổi, hằng năm, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, tác dụng của tập luyện TDTT trong các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân với những nội dung, hình thức phong phú. 

Cùng với đó, huyện duy trì tổ chức nhiều giải đấu thể thao nhằm thu hút đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đông đảo nhân dân, học sinh tham gia như: giải bóng chuyền hơi, bóng đá, giải Việt dã,… và các giải thể thao truyền thống như đẩy gậy, kéo co, các trò chơi dân gian… Nhờ đó, các hoạt TDTT trên địa bàn huyện những năm gần đây có sự khởi sắc, chuyển biến cả về chất và lượng.

Một trong những điểm nhấn trong công tác tổ chức các hoạt động TDTT của huyện đó là tổ chức thành công Đại hội TDTT huyện Đơn Dương lần thứ VI – 2022. Đại hội đã thu hút trên 10.000 VĐV tham gia tranh tài.

Phong trào TDTT quần chúng, nhất là trong học sinh phát triển mạnh mẽ (Ảnh: Ng.Công)

Đặc biệt, để thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng phát triển, huyện chú trọng đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi, mua sắm trang thiết bị dụng cụ tập luyện TDTT. Nhiều công trình có vốn đầu tư lớn, được xây dựng khang trang, hiên đại như Trung tâm văn hóa, thể thao huyện (công trình vừa đưa vào sử dụng sân bóng đá, khán đài, nhà thi đấu với tổng nguồn vốn lên đến trên 40 tỷ đồng). Hầu hết các thôn, buôn trong huyện đều có điểm sinh hoạt cộng đồng, có các sân bóng chuyền, cầu lông…; tất cả 10/10 xã, thị trấn đều có nhà văn hóa, có sân bóng chuyền, cầu lông, có các đội bóng đá, bóng chuyền hoạt động.

Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của đời sống xã hội, nhu cầu về sân chơi, bãi tập của người dân ngày càng nhiều, trong khi đó, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, kinh phí đầu tư cho thể thao còn ít, chính vì vậy ngành VHTTTT huyện đã đẩy mạnh các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả công tác xã hội hóa TDTT và phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ TDTT. Theo đó, hiện trên địa bàn huyện có 88 cơ sở thể thao đang hoạt động tương đối hiệu quả với các môn: cầu lông, yoga, thể hình, bơi lặn, aerobic, bi da, võ cổ truyền, taekwondo, bóng đá... Riêng môn bóng đá, toàn huyện hiện có 6 sân cỏ nhân tạo do tư nhân xây dựng theo hình thức xã hội hóa, chủ yếu ở các xã; rất nhiều trường học cũng có sân cỏ nhân tạo cho các sinh hoạt học đường của học sinh; có 3 xã còn sân bóng đá 11 người là Tu Tra, Ka Đơn và Ka Đô.

Đặc biệt, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã đầu tư các dự án, khu liên hợp thể thao phục vụ cho nhu cầu tập luyện của người dân. Các giải thi đấu với sự phối hợp tổ chức của các doanh nghiệp, cá nhân cũng góp phần mở rộng, đa dạng các loại hình TDTT quần chúng, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển TDTT của huyện

Theo chia sẻ của ông Phùng Quốc Minh - Phó Giám đốc Trung tâm VHTTTT huyện: Để phát triển phong trào TDTT quần chúng, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của TDTT trong đời sống xã hội, Trung tâm cũng đã xây dựng, triển khai các kế hoạch, chương trình, giải pháp phát triển TDTT quần chúng, phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Nhờ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, các chỉ số về TDTT của huyện Đơn Dương đã không ngừng gia tăng hàng năm. Đến nay, tỷ lệ người dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt trên 30%, tỷ lệ gia đình thể thao đạt trên 25%. 

Cùng với phát triển phong trào TDTT quần chúng, huyện cũng chú trọng phát triển thể thao thành tích cao theo hướng tập trung vào những môn thế mạnh của địa phương, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả. Trong năm 2023, huyện chú trọng đầu tư, đào tạo các môn có tiềm năng, thế mạnh như: bóng đá, võ cổ truyền, bóng bàn... Các môn thể thao này cũng đã mang về nhiều huy chương, thành tích cho TDTT huyện nhà tại các giải đấu cấp tỉnh cũng như tại các kỳ Đại hội TDTT.

Mặt khác, việc gắn kết giữa hoạt động thể thao với du lịch không chỉ giúp nâng cao đời sống thể chất, tinh thần, văn hóa truyền thống mà còn góp phần phát triển kinh tế cho địa phương. Do đó, thời gian qua, huyện Đơn Dương cũng đã quan tâm, triển khai và thực hiện lồng ghép phát triển thể thao giải trí, kinh doanh dịch vụ thể thao gắn với hoạt động văn hóa, du lịch. Hàng năm, huyện đều tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Đơn Dương tại Làng văn hóa Chu ru (xã Pró), Hội thi Thể thao dân gian vùng đồng bào các DTTS huyện Đơn Dương và các giải bóng đá, bóng chuyền, bóng chuyền hơi, bóng bàn....

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong gian tới, huyện Đơn Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của TDTT trong đời sống xã hội; xây dựng kế hoạch, chương trình, giải pháp phát triển TDTT quần chúng, phù hợp với thực tiễn của địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa TDTT, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao; tổ chức các hoạt động TDTT phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân; đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, HLV, VĐV. 

Thu Hiền

Ảnh trong bài
  • Đơn Dương – Lâm Đồng: Phát triển TDTT quần chúng gắn với các hoạt động văn hóa, du lịch