You must configure this module first via "Module Settings"

Huyện Đức Trọng: Đẩy mạnh xã hội hóa trong tổ chức các hoạt động TDTT

Thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Đức Trọng luôn quan tâm, đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dụng cụ tập luyện TDTT phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thể chất cho người dân trên địa bàn huyện. Cùng với nguồn kinh phí nhà nước, huyện đã chủ động, tích cực và có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy xã hội hóa TDTT.

Để phong trào TDTT phát triển, hàng năm ngành VHTT huyện tổ chức tổ chức từ 8-10 giải thể thao cấp huyện, các hội thi văn nghệ - thể thao, hội thao, giao lưu văn hóa- thể thao giữa các địa phương. Các hoạt động thi đấu thể thao được tổ chức lồng ghép vào các dịp lễ hội, các ngày lễ tết đã góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Thông qua các hoạt động TDTT đã tạo điều kiện để các địa phương, đơn vị giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết, rút ngắn khoảng cách về văn hóa, thể thao giữa các vùng, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, trong nhiều năm liền, huyện Đức Trọng luôn là một trong những địa phương có phong trào TDTT phát triển mạnh của tỉnh Lâm Đồng.

Toàn huyện Đức Trọng có trên 30 Sân bóng cỏ nhân tạo do tư nhân đầu tư xây dựng góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện Bóng đá tại địa phương (Ảnh: T.Hiền)

Một trong những điểm nhấn trong công tác TDTT của huyện đó là công tác xã hội hóa TDTT luôn nhận được sự chung tay, ủng hộ của các mạnh thường quân cũng như đông đảo nhân dân. Hiện, toàn huyện có trên 30 sân cỏ nhân tạo do các tổ chức, cá nhân đầu tư và vận hành, trong đó, tại thị trấn Liên Nghĩa đã có trên 10 sân. Mỗi sân cỏ nhân tạo đều có 1 hoặc nhiều CLB bóng đá sinh hoạt. 

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Trung tâm VHTTTT huyện cho biết: Để phát triển phong trào bóng đá, hầu hết các xã tại Đức Trọng đều tổ chức giải đấu cấp xã hoặc liên xã hằng năm. Nhất là các xã vùng dân tộc thiểu số có phong trào rất mạnh, trong đó N’Thol Hạ đang duy trì một đội bóng đá thanh niên dân tộc thiểu số thường xuyên đại diện huyện thi đấu các giải thanh niên dân tộc trong tỉnh và đại diện tỉnh thi đấu ngoài tỉnh.

Trong năm 2023, chỉ riêng bóng đá đã có tới 3 giải đấu cấp huyện được tổ chức từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Trong đó đáng chú ý là giải Bóng đá nam 7 người diễn ra vào tháng 9 vừa qua, với sự tham gia của 32 đội trong toàn huyện. 

Cùng với Bóng đá, Cầu lông cũng là môn thể thao đang được huyện đẩy mạnh xã hội hóa. Toàn huyện hiện nay có trên 50 sân cầu lông có thảm, nhiều nhất là tại thị trấn Liên Nghĩa (có trên 30 sân), hầu hết các xã trong huyện còn lại mỗi xã cũng từ 1 - 2 sân. 

Với cấp huyện, Giải cầu lông các CLB huyện Đức Trọng mở rộng với rất nhiều VĐV trong tỉnh được mời dự giải. Tổng cộng giải đấu này có trên 300 VĐV tranh tài trong các nội dung thi đấu, phần lớn kinh phí tổ chức từ sự vận động xã hội hóa với giải thưởng khá cao. Ngoài giải Cầu lông cấp huyện, nhiều giải cầu lông được tổ chức hàng năm theo hình thức xã hội hóa. Trung bình mỗi giải đấu được tổ chức, phải mất chi phí từ 70 - 80 triệu đồng.

Có thể kể thêm một bộ môn đang được xã hội hóa rộng rãi tại Đức Trọng hiện nay là bóng bàn. Đức Trọng là một trong số ít các huyện trong tỉnh hiện nay (ngoại trừ Đà Lạt) có đào tạo bóng bàn trẻ, các giải đấu bộ môn này tại đây có rất đông VĐV tranh tài với nguồn kinh phí tổ chức giải chủ yếu đến từ sự vận động tài trợ.

Xe đạp trên địa bàn huyện cũng phát triển mạnh nhờ xã hội hóa. CLB Xe đạp thể thao Đồi Thông Xanh là một trong những CLB xe đạp thể thao có nhiều hoạt động nổi bật trong tỉnh Lâm Đồng. CLB hiện có trên 40 thành viên duy trì hoạt động hằng ngày vì tinh thần yêu thể thao, rèn luyện nâng cao sức khỏe, không ít các thành viên trong CLB từng tham dự các giải xe đạp phong trào trong tỉnh; CLB cũng tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo trong và ngoài huyện hằng năm.

Trong nhiều năm nay, trung bình mỗi năm, ngành VHTTTT Đức Trọng vận động từ 700 – 800 triệu từ nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp cho việc tổ chức các hoạt động của ngành. Trong đó, riêng số tiền vận động cho thể thao chiếm khoảng 500 triệu và toàn bộ số tiền này dùng tổ chức các giải đấu cấp huyện.

Ông Phan Hồng Thu – Giám đốc Trung tâm VHTTTT huyện cho biết: “Không ít thì nhiều, mỗi năm chúng tôi đều cố gắng vận động để tổ chức các hoạt động về văn hóa, thông tin, thể thao. Có năm thì ít có năm nhiều hơn con số trên chút nhưng tất cả đều là nguồn lực quý giá để tổ chức giải, duy trì phát triển phong trào TDTT tại địa phương. Không chỉ duy trì tổ chức các giải thể thao theo hình thức xã hội hóa ở các môn bóng đá, cầu lông, bóng bàn - những môn chúng tôi có thế mạnh, mà cố gắng vận động thêm trong các bộ môn khác nữa như Bóng chuyền nam – nữ để có thể nâng giải thưởng lên cao hơn, tạo động lực cho các đội và VĐV; hỗ trợ chuyên môn cho các CLB để tổ chức các giải đấu với các VĐV trong địa phương tham gia, rồi dần hình thành các giải mở rộng.

Với những nỗ lực của các cấp chính quyền cũng như cách làm phù hợp, sáng tạo trong công tác xã hội hóa TDTT đã góp phần đưa phong trào TDTT của huyện ngày càng phát triển cả về chất và lượng. Đặc biệt, thể thao thành tích cao của huyện cũng từng bước khẳng định vị thế của mình tại các giải đấu cấp tỉnh và gần nhất tại Đại hội TDTT tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX năm 2022, các VĐV huyện Đức Trọng giành 47 huy chương các loại (11 HCV, 7 HCB, 29 HCĐ), xếp thứ 6 trên bảng xếp hạng huy chương toàn đoàn tại Đại hội.

T. Hiền

Ảnh trong bài
  • Huyện Đức Trọng: Đẩy mạnh xã hội hóa trong tổ chức các hoạt động TDTT