Với chủ trương tăng cường công tác XHH trong lĩnh vực TDTT, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã thực hiện nhiều chương trình ký kết phối hợp với các tổ chức, đơn vị nhằm thực hiện sáng tạo và hiệu quả công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT. Bằng những cơ chế, chính sách phù hợp, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT ở Hà Nam đã thu được những kết quả tích cực. Nhiều đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng, lắp đặt các loại hình bể bơi, xây dựng sân cỏ nhân tạo, xây nhà thi đấu, nhà văn hóa, sân bóng đá, bàn bóng bàn, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và thi đấu TDTT…
Hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng của tỉnh ngày càng phát triển cả về chất và lượng. Theo số liệu từ Sở VH,TT&DL, Hà Nam hiện có gần 1.300 câu lạc bộ TDTT đơn môn, đa môn hoạt động thường xuyên; 1.645 điểm, nhóm tập luyện TDTT; trên 20 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực TDTT; gần 1.170 sân TDTT trong cơ quan, đơn vị, công trình công lập và hàng trăm sân TDTT tận dụng khác.
Yoga - môn thể thao được các chị em yêu thích tập luyện và tham gia CLB với số lượng thành viên lên tới vài chục người (Ảnh: Ng. Công)
Cùng với đó, Hà Nam còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của những người chơi thể thao là muốn tham gia thi đấu các giải thể thao, người đăng ký tham gia phải đóng kinh phí. Gần đây, một số giải thể thao đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của người tham gia, như: Giải Việt dã “Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng” (thu hút trên 5000 người đăng ký tham gia) và Giải Thể thao gia đình tỉnh Hà Nam năm 2023 (giải đấu được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam với sự tham gia của trên 100 gia đình). Các giải đấu trên được tổ chức từ nguồn kinh phí xã hội hóa của các doanh nghiệp và cả VĐV tham dự. Việc đóng kinh phí đồng thời cũng là cam kết của VĐV không bỏ khi đã đăng ký tham gia thi đấu, dần nâng cao ý thức trách nhiệm của các VĐV và tinh thần Fair Play trong thể thao.
Một trong những giải thể thao quần chúng nhận được sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đó là Giải bóng đá thiếu niên nhi đồng tỉnh Hà Nam. Đây là môn thể thao vua, bởi vậy, dù là giải phong trào nhưng luôn nhận được sự ủng hộ từ các doanh nghiệp. So với những lần tổ chức trước, ở lần tổ chức thứ IX năm 2023, giải nhận được số lượng nhà tài trợ nhiều hơn so với giải các năm trước. Ngoài Vietcombank là nhà tài trợ chính, giải còn nhiều nhà tài trợ khác như Ngân hàng Agribank chi nhánh Hà Nam, Công ty Elmich, Công ty TNHH Casla, Công ty TNHH Tùng Phát, Công ty TNHH Sữa Dutch Lady, Công ty TNHH Sơn Thủy. Tổng số tiền tài trợ cho giải đấu lên tới 200 triệu đồng, trong đó có 140 triệu đồng tiền mặt và 60 triệu đồng tặng phẩm (sữa, bình nước uống, trang phục thi đấu).
Nhờ đẩy mạnh xã hội hóa, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của Hà Nam cũng nhận được sự chung tay ủng hộ của đông đảo nhân dân. Hiện nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được đầu tư đồng bộ. Toàn tỉnh hiện có 01 Nhà thi đấu đa năng đã hoàn thiện, phục vụ đăng cai tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch quốc gia, quốc tế, 01 Nhà văn hoá trung tâm tỉnh, 01 Sân vận động, 01 Nhà hát Chèo, 01 Nhà Bảo tàng; 03 nhà văn hoá huyện, 01 sân vận động thành phố; 04 nhà thi đấu, 67 nhà tập thể thao, 37 hồ bơi, 146 sân bóng đá, 648 sân bóng chuyền, 36 sân quần vợt, 290 sân cầu lông, 66/116 nhà văn hoá xã (đạt 56,89%), 1061 thôn, làng, tổ phố có nhà văn hóa độc lập và nhà văn hoá liên tổ (đạt 85,98%), có 110 thôn, làng tổ phố sinh hoạt ở đình, chùa nâng tổng số thôn, làng, tổ phố có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt cộng đồng, đạt 94,8%, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, TDTT của nhân dân.
Cùng vơi những kết quả trên, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT quần chúng ở Hà Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi các hoạt động thể thao quần chúng thường tính chuyên nghiệp không cao, là các môn theo thị hiếu thông thường, dễ chơi, nhiều người chơi được nên nhiều môn thi đấu nằm trong hệ thống thi đấu cấp tỉnh và của các Liên đoàn, công tác XHH còn ở mức độ, nguồn kinh phí hạn hẹp
Hiện, thể thao thành tích cao Hà Nam tập trung đào tạo 7 môn, nội dung, gồm: Bơi – Lặn, Vật – Jujitsu, Bóng đá nữ, Điền kinh, Thuyền, Quần vợt và Taekwondo.Đây cũng là những môn thế mạnh của tỉnh, đòi hỏi cần có sự đầu tư lớn về kinh phí (dùng cho đào tạo, tập huấn, thi đấu, tổ giải đấu…), nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì rất khó để phát triển. Chính vậy vậy, việc kêu gọi các nguồn lực xã hội đầu tư cho thể thao là xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh hiện nay, kinh tế thể thao đã, đang từng bước được hình thành và ngày càng được khuyến khích phát triển.
Theo đó, tại Hà Nam nhiều bộ môn, nội dung thể thao thành tích cao đã nhận được sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư về kinh phí để phát triển. Trong đó, nhiều môn thể thao đã nhận được nguồn hỗ trợ toàn bộ, hoặc hỗ trợ một phần từ kinh phí xã hội hóa như: Bóng đá nữ, Bơi – Lặn và Quần vợt. Trong đó, đội tuyển Bóng đá nữ Hà Nam nhận được sự tài trợ của Tổng Công ty cổ phần Phong Phú; Bơi – Lặn và Quần vợt nhận được sự hỗ trợ của Công ty TNHH Tân Thủy. Sự hỗ trợ, đầu tư của các đơn vị, tổ chức này đã giúp các bộ môn tháo gỡ phần nào khó khăn về cơ sở vật chất trong tập luyện và chế độ cho VĐV.
Nhờ có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các môn thể thao thành tích cao trên của Hà Nam đã phát triển mạnh mẽ và theo hướng chuyên nghiệp. Trong đó, đội bóng đá nữ Phong Phú Hà Nam đã trở thành cái tên quen thuộc và là đội bóng mạnh, giành nhiều thành tích tại các giải quốc gia. Trong năm 2023, đội Bóng đá nữ phong phú Hà Nam đã thi đấu giành cúp Vô địch giải U16 nữ quốc gia, HCĐ giải Bóng đá nữ Vô địch quốc gia, HCV giải U19 nữ quốc gia…Cùng với những thành tích đã đạt được ở các giải đấu quốc nội, đội tuyển Bóng đá nữ Phong Phú Hà Nam còn đóng góp cho bóng đá nữ Việt Nam nhiều VĐV tên tuổi như: Văn Thị Thanh (Quả bóng Vàng 2003, Quả bóng Bạc 2005), Nguyễn Thị Tuyết Dung (Quả bóng Vàng 2014, 2018; Quả bóng Bạc 2015, 2017), Nguyễn Thị Hương, Vũ Thị Lành, Đoàn Thị Hải Sâm…
Trong kế hoạch năm 2023, thể thao thành tích cao Hà Nam tham gia 25 đến 27 giải trong nước và quốc tế, chỉ tiêu từ 75 đến 80 huy chương các loại. Mục tiêu này đã sớm được hoàn thành ngay trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, Hà Nam tham dự thi đấu 16 giải trong nước và quốc tế, giành tổng số 75/98 huy chương các loại. Cụ thể thi đấu 12 giải trong nước đạt 69 Huy chương gồm 19 Huy chương Vàng (HCV), 23 Huy chương Bạc (HCB), 27 Huy chương Đồng (HCĐ). Các VĐV các đội tuyển thể thao thành tích cao của tỉnh đã thi đấu 04 giải quốc tế đạt 6 Huy chương, trong đó có 02 HCV, 04 HCĐ. Đóng góp 30 vận động viên tập trung đội tuyển trẻ quốc gia (Vật 3, Bóng đá 25, Điền kinh 1, Thuyền 1) ; 07 VĐV tập trung đội tuyển quốc gia (Vật 3, Bóng đá 2, Jujitsu 2).
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, ngành VHTTDL Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền cũng như người dân về xã hội hóa TDTT; Điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xã hội hóa các hoạt động TDTT phát triển; Khuyến khích phát triển các tổ chức xã hội về TDTT, đồng thời củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các liên đoàn, hiệp hội thể thao hiện có; chú trọng phát triển các loại hình kin doanh dịch vụ TDTT; nâng cao chất lượng các giải thi đấu thể thao và không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tổ chức sao cho phong phú, hấp dẫn để thu hút các nhà tài trợ…
Thu Hiền