You must configure this module first via "Module Settings"

Nghệ An đề ra nhiều giải pháp phát triển thiết chế văn hóa, thể thao

Thời gian qua, việc quy hoạch, xây dựng, tổ chức, quản lý và phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở gắn với xây dựng Nông thôn mới đã được các cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An tăng cường thực hiện. Nhờ vậy hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tập luyện, giải trí của người dân.

Thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao

Theo thống kê đến nay, 100% các xã đã xây dựng quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở gắn với quy hoạch nông thôn mới.

Công tác quy hoạch đất sử dụng, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, đầu tư.  Đến nay, 20/21 huyện, thành, thị của tỉnh có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 18/21 huyện, thị có sân vận động huyện (còn 3 huyện, thành phố chưa có SVĐ cấp huyện gồm: Quỳ Châu, Kỳ Sơn và TP. Vinh); 8/21 huyện, thành, thị có nhà thi đấu do huyện quản lý và 77 nhà thi đấu một môn, nhiều môn do các ngành, đơn vị trên địa bàn huyện quản lý.

Ở cấp xã, 446/460 xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa - thể thao, đạt 97,1%. Trong đó, 339/460 xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao đạt quy định của Bộ VHTTDL, đạt 73,5%. Cùng với đó, ở cấp thôn có 3.751/3.800 thôn, bản, khối, xóm có nhà văn hóa - sân thể thao, đạt 98,7%. Trong đó, 2.839/3.800 thôn có nhà văn hóa - sân thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL (đạt 74,5%); số thôn sau sáp nhập được quy hoạch đất cơ sở văn hóa theo quy định là 1.675/1.790 thôn (đạt 93,5%).

Tập luyện bóng chuyền hơi

Việc tổ chức các hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở diễn ra thường xuyên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Các hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng, sinh hoạt câu lạc bộ, thông tin cổ động, đọc sách, xây dựng nếp sống văn hóa được tổ chức khá đều đặn.

Hàng năm, mỗi xã, phường, thị trấn tổ chức được từ 20 đến 30 buổi hoạt động tại chỗ, trong đó có 3 - 6 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, văn nghệ quần chúng; 4 - 6 cuộc thi đấu thể thao thu hút hàng ngàn lượt người tham gia. Các hoạt động tại nhà văn hóa, khu thể thao xóm, bản chủ yếu do Chi đoàn Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Người cao tuổi, Chi hội Nông dân… tổ chức, thu hút người dân tham gia ngày càng đông đảo.

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng luôn chú trọng xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động. Điển hình như Cục Hải quan Nghệ An cũng đã đầu tư một phòng tập thể thao với đầy đủ trang thiết bị tập luyện. Bên cạnh đó, đơn vị còn đầu tư các phòng tập các môn riêng biệt như: Bóng bàn, bóng chuyền hơi, bóng chuyền da ở sân cơ quan.

Hay như công đoàn Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An cũng đã tận dụng mọi không gian trống trong cơ quan cho việc rèn luyện sức khỏe. Ngoài chương trình tập luyện hằng ngày, cơ quan thường xuyên tổ chức các giải đấu nội bộ giữa các phòng, các cụm nhân dịp Tháng Công nhân, ngày thành lập ngành, những ngày lễ. Đồng thời tích cực tham gia những giải thi đấu do Công đoàn Viên chức, Đảng ủy khối tổ chức.

Nhờ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư , phong trào thể thao quần chúng phát triển rộng khắp và đồng đều. Con số 387/460 xã, phường, thị trấn tổ chức đại hội TDTT cấp cơ sở và 21/21 huyện, thành, thị xã tổ chức đại hội cấp huyện trong năm 2022 là minh chứng cụ thể cho phong trào thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh. Các chỉ số về TDTT gia tăng hàng năm.

Tuy nhiên, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: Việc quy hoạch đất cho nhà văn hóa, sân thể thao của thôn ở miền núi, vùng biển, SVĐ các xã, phường (thuộc thành phố Vinh) đảm bảo theo quy định còn khó khăn, không thể mở rộng do không còn quỹ đất hoặc quỹ đất không tập trung; một số thiết chế văn hóa, thể thao được quy hoạch, xây dựng từ nhiều năm trước (nhất là ở các thôn sau sáp nhập) nên quy mô nhỏ, nhiều nhà văn hóa xuống cấp.Tiến độ thực hiện chỉ tiêu xã có thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn quy định của Bộ VHTTDL ở các huyện miền núi còn chậm.

Phương thức tổ chức, hoạt động tại một số nhà văn hóa còn đơn điệu, chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân; Hoạt động của hệ thống thư viện, phòng truyền thống của xã, phường, thị trấn chưa hiệu quả; nhiều xã, thôn, bản, khối, xóm còn thiếu thư viện, tủ sách, số đầu sách còn nghèo nàn, sơ sài; Một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác quản lý và khai thác công trình TDTT, nhất là công tác xã hội hóa, cho thuê sử dụng công trình theo quy định.

Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở một số huyện, xã, phường, thị trấn được bố trí, sắp xếp chưa đáp ứng chuyên mônnên trình độ, năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và năng lực tổ chức quản lý còn thiếu và yếu, hạn chế về kinh nghiệm tổ chức các hoạt động.

Các giải pháp phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao

Sau sáp nhập vào cuối năm 2022, nhiều thôn, xóm trên địa bàn tỉnh Nghệ An gặp tình trạng thiếu nhà văn hóa, thể thao sinh hoạt, thiếu các thiết bị để hoạt động. Để giải quyết vấn đề này, HĐND tỉnh Nghệ An đã thông qua Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 – 2027. Nghị quyết này đã tạo đòn bẩy để nguời dân các địa phương cùng chung tay đóng góp xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở.

Điển hình như chính quyền xã Xuân Thành, nhận thức được vai trò của nhà văn hóa trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư nên đã ban hành Nghị quyết để hỗ trợ mỗi xóm xây mới nhà văn hóa 250 triệu đồng. Ngoài ra, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã hỗ trợ xi măng để xây dựng sân bãi, các công trình khuôn viên.

Nhờ đó, nhà văn hóa xóm Bắc Phượng Sơn, xã Xuân Thành là công trình mới nhất đã hoàn thành với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng. Trên khuôn viên hơn 100m2, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, có chỗ ngồi cho hơn 100 người, có sân chơi thể thao, khu vực nhà vệ sinh và các phần phụ trợ khác phục vụ cho hoạt động của thôn xóm.

Ông Phạm Hoàng Thụ, Chủ tịch UBND xã Xuân Thành cho biết, mặc dù kinh phí đầu tư cơ bản bị hạn chế nhưng với mong muốn tất cả các xóm trên địa bàn đều có nhà văn hóa khang trang để sinh hoạt, xã đã dành một phần ngân sách để hỗ trợ các thôn xóm. Xã cũng mong muốn, ngoài nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, huyện, tỉnh có thêm kinh phí hỗ trợ để các thôn, xóm mua sắm thêm các thiết chế hoạt động.

Tại xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, nhà văn hóa của xóm Đông Nam cũng đã cơ bản hoàn thành sau nhiều tháng xây dựng. Công trình vừa được xây mới lại trền nền đất cũ sau khi xóm được sáp nhập từ 2 xóm Hoa Đông - Hoa Nam. Nhà văn hóa mới có diện tích sử dụng gấp đôi so với nhà văn hóa cũ. Để có công trình với giá trị gần 1 tỷ đồng này, mỗi hộ dân trong xóm đóng góp 2 triệu đồng, xã hỗ trợ 150 triệu đồng, huyện Nghi Lộc hỗ trợ 300 triệu đồng.Hội Cựu chiến binh và các đảng viên đang sinh hoạt trong xóm đã góp thêm kinh phí làm thêm một số hạng mục trang trí và lắp đặt thêm đèn.

Bài, ảnh: Như Quỳnh

Ảnh trong bài
  • Nghệ An đề ra nhiều giải pháp phát triển thiết chế văn hóa, thể thao