Ở Bến Tre, những năm gần đây tỉnh đã có nhiều quan tâm, đầu tư tới công tác xây dựng cơ sở vật chất cho các trung tâm TDTT tại các huyện, thị. Song song với việc đó, tỉnh Bến Tre đặc biệt quan tâm và tích cực hưởng ứng phát động phong trào xã hội hóa TDTT tới từng xã, phường thị trấn nằm trên địa bàn tỉnh và đã đạt được kết quả rất tích cực.
Hưởng ứng tốt phong trào xã hội hoá TDTT, nhận thức của đông đảo quần chúng đã được nâng lên đáng kể, từ đó số người tham gia tập luyện TDTT ngày càng nhiều hơn. Trên địa bàn tỉnh, các cơ sở TDTT tư nhân phát triển khá mạnh với nhiều loại hình và phương thức hoạt động phong phú, đa dạng phù hợp với nhu cầu người dân.
Trong những năm qua Bến Tre có hàng trăm CLB, tụ điểm tập luyện TDTT ra đời. Các hoạt động TDTT cũng được tổ chức có quy mô và chất lượng hơn, đặc biệt là ở cơ sở. Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre rất quan tâm, đầu tư quỹ đất dành cho công tác phát triển TDTT. Nhiều cơ sở TDTT do nhân dân đầu tư với số vốn hàng chục tỷ đồng và hoạt động rất hiệu quả thu hút đông đảo người dân đến tập luyện, tham gia sinh hoạt như: Dương Gia Trang, Thanh Trúc, Lý Lê (thị xã), CLB Cầu lông, sân Quần vợt (Mỏ Cày), CLB thẩm mỹ (Châu Thành), nhà tập Cầu lông… điển hình là CLB Vovinam ở xã Tân Phú (Châu Thành) phát triển rất mạnh, trở thành cái nôi cung cấp lực lượng VĐV cho đội tuyển Vovinam tỉnh.
|
Trong những năm qua Bến Tre có hàng trăm CLB, tụ điểm
tập luyện TDTT ra đời (Ảnh: T. Dương) |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xã hội hoá, tại Bến Tre vẫn còn số mặt hạn chế như: Công tác tuyên truyền về TDTT vẫn còn chậm, công tác xã hội hoá diễn ra chưa đồng đều, hệ thống các tổ chức xã hội về TDTT còn yếu...
Trong thời gian tới, đặc biệt là từ nay cho đến năm 2010 để đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT ngành TDTT tỉnh Bến Tre đã đưa ra các giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, công tác quản lý nhà nước và đổi mới cơ chế quản lý phù hợp với việc xã hội hóa bằng việc ban hành các chính sách, chế độ khuyến khích đối với xã hội hóa TDTT phù hợp với từng hình thức hoạt động, yêu cầu phát triển trong từng thời kỳ; khuyến khích tư nhân đầu tư trên các lĩnh vực xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài trợ bảo trợ các đội tuyển thể thao, đào tạo VĐV tài năng thể thao trong tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển; Tiếp tục đầu tư các dịch vụ TDTT cơ bản: Sân vận động, nhà thi đấu, bể bơi, các công trình TDTT công cộng có tính phúc lợi, đảm bảo cho người dân có thể tiếp cận hưởng thụ các hoạt động TDTT. Trong đó trọng tâm là ưu tiên hỗ trợ cho những chương trình phát triển TDTT cơ sở, nhất là ở những địa bàn khó khăn; Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ TDTT, khuyến khích phát triển mạng lưới doanh nghiệp sản xuất dụng cụ, trang thiết bị TDTT, thực hiện các chính sách khuyến khích kinh doanh, liên kết thai khác các công trình TDTT... Đây cũng chính là những giải pháp được thể hiện trong Đề án xã hội hoá TDTT.
Thực hiện hiệu quả Đề án trên trong thời gian tới, Bến Tre sẽ trở thành một trong những địa phương đi đầu về công tác xã hội hoá TDTT trên cả nước, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của toàn ngành TDTT nước nhà nói chung và ngành TDTT tỉnh Bến Tre nói riêng.
N. Hương